Nam Định có 72km bờ biển. Trước nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) đại dương đang trở thành một vấn đề cấp bách toàn cầu, những năm gần đây, tỉnh ta đã gia tăng các chương trình, biện pháp xử lý rác thải nói chung, RTN nói riêng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vấn đề xử lý RTN đại dương của tỉnh vẫn cần các cấp chính quyền, ngành chức năng và toàn thể nhân dân chung sức vào cuộc, thực thi đồng bộ các nhiệm vụ, biện pháp theo chức năng, trách nhiệm của mình.
Mô hình thu gom rác thải nhựa bằng bẫy nổi trên sông Đào tại địa phận phường Trần Tế Xương (thành phố Nam Định). |
Nỗ lực đáng ghi nhận
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 4-2-2020 về hành động quản lý RTN đại dương đến năm 2030, xác định rõ mục tiêu, các chương trình trọng tâm và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan với đích đến là thúc đẩy giải quyết các vấn đề RTN đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả RTN từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển. Tiêu biểu là đã tích cực xây dựng, nhân rộng mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình. Đến nay trên toàn tỉnh đã có 123.404 hộ gia đình thuộc 1.160/3.611 thôn, xóm, tổ dân phố của 150 xã, phường, thị trấn đã tham gia phân loại rác thải tại nguồn và thực hiện giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, khó phân hủy, tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Hàng năm các ngành, địa phương duy trì các hoạt động mít tinh, các đợt ra quân vệ sinh môi trường, phân loại RTN, xóa các “điểm đen” về rác thải. Năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông TN và MT (Bộ TN và MT) tổ chức trồng 18 nghìn cây phi lao chắn sóng và ra quân thu gom, phân loại RTN ở vùng bãi biển xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) theo “Chương trình Panasonic vì một Việt Nam xanh”. Từ tháng 12-2018 đến tháng 3-2021, với sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Sở TN và MT đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) thực hiện dự án “Thí điểm quản lý rác thải đô thị theo dòng chảy từ sông ra biển nhằm giảm thiểu ô nhiễm RTN ở tỉnh Nam Định - khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng Việt Nam” tại một số cửa sông thuộc địa bàn các huyện: Mỹ Lộc, Giao Thủy, Nam Trực và thành phố Nam Định. Thông qua các sáng kiến, giải pháp của dự án đã giúp các địa phương trong tỉnh thu gom, phân loại và xử lý được trên 320 tấn RTN...
Những bất cập xử lý rác thải nhựa và giải pháp tháo gỡ
Theo Sở TN và MT, hiện nay chưa có số liệu thống kê cụ thể lượng RTN ra biển trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu hiện trạng RTN tại Vườn quốc gia Xuân Thủy do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) thực hiện cho thấy: do nằm ở khu vực hạ lưu hai con sông lớn đổ ra biển là sông Hồng và sông Đáy nên rác thải khu vực thượng lưu theo dòng chảy đã đổ dồn về Nam Định. Ước tính riêng khu rừng ngập mặn của Vườn quốc gia Xuân Thủy mỗi tháng có khoảng 20 tấn rác thải mắc lại, trong đó hơn 40% là rác thải vô cơ và nhựa gây ảnh hưởng tới sự phát triển của các cây ngập mặn, đe dọa suy giảm đa dạng sinh học trong Vườn quốc gia. Bên cạnh đó, lượng rác thải sinh hoạt của tỉnh phát sinh ước tính khoảng trên 880 tấn/ngày; trong đó lượng RTN phát sinh ước tính khoảng 115 tấn/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực thành phố mới đạt khoảng 94,5%; tại khu vực nông thôn mới đạt là 88,5%. Dù các địa phương, đơn vị liên quan rất nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng tình trạng xả rác thải sinh hoạt trực tiếp ra hệ thống sông, hồ, kênh mương (trong đó RTN luôn chiếm tỷ lệ cao với các loại phao, xốp, nhựa, túi nilon… không thể phân hủy) vẫn tồn tại như một vấn nạn ở nhiều địa phương trong tỉnh; trong khi 4 sông chính của tỉnh là sông Hồng, sông Sò, sông Ninh Cơ, sông Đáy đều đổ ra biển. Các ngành, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác thải (trong đó có RTN) ra sông, kênh mương; đã rà soát, điều chỉnh thời gian, tần suất, lộ trình thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt cho từng tuyến đường, khu vực đảm bảo sự hợp lý giữa thời gian vận chuyển rác, lượng rác phát sinh trên địa bàn để giảm tối đa tình trạng người dân vứt bỏ rác bừa bãi xuống sông hồ, kênh mương và xung quanh khu vực sinh sống. Ngay ở Hải Hậu là huyện ven biển, là đơn vị tiêu biểu của tỉnh trong công tác môi trường nông thôn mới, bên cạnh những mặt đạt được vẫn tồn tại tình trạng vứt bỏ rác thải sinh hoạt ra các tuyến sông, kênh mương. Tại nhiều nơi trên địa bàn huyện vẫn còn xuất hiện vỏ bao bì, chai, lọ đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (rác thải nguy hại) trên các tuyến kênh mương nội đồng. Các công ty thủy nông trên toàn tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với các địa phương tiến hành khơi thông dòng chảy, trục vớt rác thải, bèo trên các tuyến sông; đầu tư lắp đặt hệ thống lưới chắn rác tại đầu kênh dẫn bể hút trạm bơm, lưới chắn cao ngăn người dân vứt rác xuống kênh tại một số khu vực trọng điểm. Tuy nhiên, tình trạng rác thải bị vứt xuống lòng kênh vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là vào mỗi đợt tưới, tiêu.
Công tác quản lý hoạt động vận tải biển, khai thác khoáng sản, khai thác cảng biển, hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt hải sản thiếu chặt chẽ nên vẫn tồn tại tình trạng một số đối tượng chạy theo lợi ích kinh tế, cố tình vi phạm, không đầu tư cho công tác xử lý chất thải trừ hoạt động sản xuất kinh doanh mà xả trực tiếp ra biển gây ô nhiễm môi trường biển. Nguy hại hơn cả, các loại RTN chiếm tỷ lệ lớn như phao, xốp, nhựa, túi nilon… không thể phân hủy, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, môi trường biển, gây nguy cơ nhiễm độc cho các loại hải sản nuôi trồng, đánh bắt khu vực ven bờ.
Ngoài ra, theo Sở TN và MT, các mô hình quản lý, giảm thiểu RTN còn mang tính chất thí điểm, thử nghiệm, chưa được nhân rộng; kinh phí để thực hiện hầu hết vẫn từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế nên khi hết dự án, mô hình thì không còn nguồn để phát huy, nhân rộng. Hiện nay, việc đánh giá thực trạng phát sinh, kiểm soát, quản lý RTN trên biển còn chưa thực sự được các ngành, các địa phương có biển quan tâm; chưa có cơ chế, chính sách quy định cụ thể về quản lý và giảm thiểu RTN, chưa thúc đẩy được tái chế, tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Cán bộ làm công tác quản lý môi trường chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách và đào tạo bài bản về chuyên môn, đặc biệt là quản lý RTN.
Thời gian tới, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức hội, đoàn thể cần bám sát vào mục tiêu, giải pháp của Trung ương, của tỉnh, trong đó có Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 4-2-2020 của UBND tỉnh về hành động quản lý RTN đại dương đến năm 2030, đặc biệt là bám sát Luật Bảo vệ môi trường 2020 cùng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, từ đó nâng cao trách nhiệm, hiệu quả xử lý RTN đại dương trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử với các sản phẩm nhựa và RTN đại dương. Trước mắt đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, không vứt rác thải, đặc biệt là RTN xuống kênh mương như thời gian qua. Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải, RTN từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển. Chủ động kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn với các nhiệm vụ chủ yếu gồm điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa phát sinh từ đất liền và từ các hoạt động trên biển; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý RTN tại các khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu du lịch, khu dân cư tập trung ven biển, ven sông, cảng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý RTN phát sinh từ các hoạt động kinh tế thuần biển, bao gồm: dịch vụ nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, quán nước ven biển, du lịch, kinh tế, nuôi trồng, khai thác thủy sản. Ngăn ngừa, giảm thiểu việc thải bỏ, thất lạc ngư cụ khai thác thủy hải sản đi đôi với thực hiện nghiêm các chế tài, công cụ xử phạt vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý thường xuyên và đột xuất các trường hợp vi phạm về xả thải trên biển; tăng cường kiểm soát, quản lý việc xả RTN vào nguồn nước. Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý RTN trên biển. Chú trọng nghiên cứu, xây dựng cơ chế, quy chế, quy định, hương ước, quy ước quản lý RTN trên biển đồng bộ, thống nhất từ cấp tỉnh tới cấp xã./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy