Chuyện những "chiến binh" trở về từ tâm dịch

08:10, 08/10/2021

Sau hơn 2 tháng, bất kể ngày hay đêm, đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã không ngại khó, ngại khổ, kể cả nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh để thực hiện nhiệm vụ được phân công với mục tiêu hỗ trợ tỉnh Đồng Nai sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Ngay sau khi đoàn cán bộ, sinh viên hoàn thành nhiệm vụ chống dịch trở về địa phương, chúng tôi đã tranh thủ ghi lại cảm xúc của sinh viên từ “tâm dịch” Đồng Nai.

Thầy giáo Đinh Công Trứ, trưởng nhóm 9, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân ở Đồng Nai.
Thầy giáo Đinh Công Trứ, trưởng nhóm 9, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân ở Đồng Nai.

Trong chuyến hành trình tình nguyện của 229 cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định tại tỉnh Đồng Nai được về đợt này có 218 người; trong đó có 30 nam, còn lại là nữ sinh viên tuổi đời từ 18-20 tuổi. Cảm xúc của các thành viên trong đoàn rất khó diễn tả sau 58 ngày đêm với nhiều câu chuyện, nhiều kỷ niệm với những người dân ở vùng tâm dịch Đồng Nai. Thầy giáo Đinh Công Trứ, trưởng nhóm 9 của đoàn tình nguyện chia sẻ: “Khi vào đến nơi, đoàn đã chia làm 4 đoàn nhằm 4 hướng Trung tâm y tế gồm: Thành phố Biên Hòa 129 người; huyện Nhơn Trạch 30 người; huyện Trảng Bom 20 người và huyện Vĩnh Cửu 50 người. Tại các điểm tập kết, đoàn đã nhận được thông báo sơ bộ tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương. Trong đó nặng nề nhất là diễn biến dịch tại thành phố Biên Hoà. Ngay sau khi nhận được lệnh, các thành viên bắt tay vào việc, không quản ngày đêm theo sự phân công, sắp xếp của chính quyền và hệ thống y tế địa phương. Các tổ được thành lập ngày đêm đi lấy test nhanh, PCR, truy vết, tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 và tiếp quản các khu cách ly tập trung”. Em Nguyễn Thị Nga, sinh viên khóa 14C xúc động cho biết: "Chúng em đã có 58 ngày đêm “chiến đấu” tại thành phố Biên Hoà (Đồng Nai). Em làm đơn tình nguyện tham gia chống dịch từ đợt dịch bùng ở Bắc Giang, nhưng khi ấy nhà trường lại ưu tiên khoá 13 đi trước nên em không được tham gia. Đến sau này khi có công văn kêu gọi tham gia ở Đồng Nai, em nhanh chóng đăng ký". Sau lễ xuất quân sáng 4-8, Nga mới gọi về cho bố mẹ biết. Lúc đầu bố mẹ em rất lo lắng bởi con chưa có kinh nghiệm. Động viên bố mẹ, Nga trấn an: “Con học về chuyên ngành về chăm sóc sức khỏe, được tập huấn rất kỹ và có thầy cô đi cùng. Bố mẹ cứ yên tâm. Con đi mạnh khỏe và nhất định bình an trở về”. 

Bạn Nguyễn Thị Nga (ở giữa) cùng các thành viên đoàn Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định trong phút giây nghỉ ngơi.  Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bạn Nguyễn Thị Nga (ở giữa) cùng các thành viên đoàn Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định trong phút giây nghỉ ngơi.

Sau khi đặt chân đến Đồng Nai, đoàn được chia nhỏ thành từng tốp về tuyến huyện. Nga được phân về làm việc tại trạm y tế phường Tân Phong (thành Phố Biên Hoà). “Em nhớ như in buổi trưa ngày 18-9 đi lấy mẫu lưu động tại nhà dân. Lúc đó gần 11 giờ trưa, mọi người chuẩn bị về thì có cuộc gọi của trưởng khu phố 4 báo có một nhà 5 người thì có 3 người sốt, một người mua que thử test nhanh có dương tính. Vậy là bọn em lại nhanh chân theo bác trưởng khu phố tới gia đình đó”, Nga chia sẻ. Tại một con hẻm nhỏ của khu phố 4, người vợ bước ra cổng khai báo y tế và được các tình nguyện viên lấy mẫu. Kết quả dương tính rồi (!) Nga gọi người tiếp theo thì bên trong nhà người chồng khập khiễng bước ra. Hỏi qua mới biết trước đó vợ chồng chị vừa từ Bệnh viện Thống Nhất về nhà mấy ngày nay. Kết quả lấy dịch test cho anh chồng… vẫn là “2 vạch đỏ đậm”. Khi nhớ đến lời bác trưởng khu phố nói là ba đứa con sốt, Nga và mọi người chỉ mong kết quả là âm tính nhưng rồi lần lượt cả 3 mẫu đều dương tính. “Mắc nhiều quá. Em có sốc một chút! Lấy lại tinh thần, em thông báo cho gia đình biết và dặn dò cẩn thận các biện pháp cần thiết”, Nga chia sẻ thêm. Khi điều tra dịch tễ, gia đình nhà bên cạnh có tiếp xúc với gia đình này nên cũng phải cách ly. Hàng xóm không chịu, trách móc, chị bỗng khóc nức nở, xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến họ. Nhìn gia đình chị thương quá nhưng Nga không thể làm gì được ngoài việc an ủi và dặn gia đình chuẩn bị đồ đạc để vào khu điều trị F0.

Phạm Thu Hương, sinh viên lớp 14G đăng ký tình nguyện sẵn sàng lên đường tiến vào tâm dịch với tâm thế góp phần nhỏ bé để cùng cả nước chống dịch COVID-19. Hương cùng một số bạn nhận nhiệm vụ về trạm y tế phường Hóa An (thành phố Biên Hoà) để hỗ trợ công tác lấy mẫu test nhanh cộng đồng. Ban đầu ai cũng lo lắng vì công việc lấy mẫu có nguy cơ lây nhiễm cao, nếu không được bảo hộ tốt thì chuyện nhiễm bệnh rất dễ xảy ra. Nhưng được sự hướng dẫn của các thầy cô giáo trong đoàn nên mọi người đều tự tin bắt nhịp với công việc. Những ngày đầu mặc đồ bảo hộ dưới cái nắng gay gắt, ai cũng ướt đẫm mồ hôi, cảm giác mệt mỏi, ngộp thở. Tuy nhiên sau những giờ làm việc căng thẳng, mọi người lại cười khúc khích vì nhìn ai cũng giống “chim cánh cụt”. Đó cũng là một cách để cả nhóm giải toả áp lực, quên đi những mệt mỏi hàng ngày. 

Khám sàng lọc bệnh nhân ở khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).
Khám sàng lọc bệnh nhân ở khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).

Trần Huyền Trang, sinh viên khóa 14G cho biết: “Trong quá trình làm việc, em đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, có nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, có nhiều người phải xa gia đình, một mình chống chọi với bệnh tật, nhưng chúng em luôn cố gắng để không ai có cảm giác bị bỏ lại, phải “chiến đấu” một mình. Mỗi sáng thức dậy điều chúng em mong ngóng nhất có lẽ là kết quả PCR của người bệnh. Và khi nhận được kết quả âm tính, cảm xúc vỡ òa... Những ngày thời tiết nóng bức, mồ hôi chảy ướt như tắm nhưng em và các bạn đều nhìn nhau cười và nói "Mệt chỉ là cảm giác"...

“Những ngày tháng làm việc trong khu cách ly buồn có, vui có, đi qua mọi cung bậc cảm xúc, dẫu có vất vả, đôi khi tưởng như muốn kiệt sức vì phải làm báo cáo miệt mài, có những đêm phải lên xe cấp cứu để giao bệnh nhân đi bệnh viện dã chiến… Nhưng nghĩ đến những người đang nằm điều trị, nghĩ đến các anh chị em trên tuyến đầu đang căng mình chống dịch, các thành viên Đoàn Đại học Điều dưỡng Nam Định lại tự thôi thúc mình không được nản trí”, Lê Minh Huyền, sinh viên khóa 13A chia sẻ. Dẫu biết việc mình đang làm là khó khăn, vất vả nhưng mỗi lần chứng kiến bệnh nhân vui mừng nhận kết quả âm tính, hay kết thúc cách ly, gửi những lời cảm ơn khi làm xong công việc thì dường như mọi mệt mỏi đều tan biến. Những lúc như vậy mọi người lại hăm hở khoe với gia đình, khoe với thầy cô để lấy lại động lực. Chỉ những điều như thế thôi cũng đủ làm cho các thành viên cảm thấy ấm áp và tự hào.

Hoàn thành nhiệm vụ khi tỉnh Đồng Nai đã kiểm soát được dịch bệnh 80-85%. Đội ngũ cán bộ, sinh viên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã về đến quê nhà trong niềm tự hào và sự đón tiếp nhiệt tình của thầy cô trong ban giám hiệu nhà trường, cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh. “Mong rằng một ngày sớm nhất sẽ được nghe tin Đồng Nai hết dịch trở lại trạng thái bình thường - Đồng Nai cố lên” - thầy giáo Đinh Công Trứ xúc động!!!

Hoàng Tuấn
Ảnh: Nhân vật cung cấp

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com