Sau 76 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng bộ và nhân dân thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh) đã kiên cường trong chiến đấu, bền bỉ trong xây dựng và phát triển quê hương, vươn lên đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới, tích cực phấn đấu xây dựng thị trấn Ninh Cường phát triển nhanh và bền vững, trở thành một đô thị trẻ đầy sức sống bên dòng sông Ninh Cơ.
Tiếp nối hào khí mùa Thu cách mạng
Theo sử liệu và hồi ức của những người cao niên ở địa phương, Trực Ninh là huyện đầu tiên trong tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền thành công, góp sức cùng cả nước tạo nên Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Tại tổng Ninh Cường, tiền thân của thị trấn Ninh Cường nay, dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban Cách mạng lâm thời huyện Trực Ninh, từ đêm 17 rạng sáng ngày 18-8-1945, hơn 100 đội viên tự vệ cứu quốc cùng quần chúng yêu nước xuất phát từ thôn Nam Lạng kéo về Cát Chử (nay là thị trấn Cát Thành) giành chính quyền huyện Trực Ninh nhanh, gọn, thành công. Chỉ vài ngày sau, dưới sự hỗ trợ của Uỷ ban Cách mạng lâm thời huyện, toàn bộ hồ sơ, sổ sách ấn tín của các xã thuộc tổng Ninh Cường đã bị tịch thu, chấm dứt hoạt động của bộ máy thực dân phong kiến cấp xã, tổng. Một cuộc mít tinh lớn được cán bộ Uỷ ban Cách mạng lâm thời huyện triệu tập tại chợ Ninh Cường được đông đảo nhân dân trong vùng tham gia. Tại đây, nhân dân được thông báo xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến cấp huyện, xã và được cán bộ cách mạng hướng dẫn kế hoạch bầu cử Uỷ ban Cách mạng lâm thời cấp xã. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Ninh Cường đã diễn ra nhanh gọn, không đổ máu và giành thắng lợi triệt để. Đó là những sự kiện lịch sử mà người dân thị trấn Ninh Cường nay được nhắc nhớ để không thể quên mỗi dịp Tháng Tám.
Các tuyến phố tại tổ dân phố Nghị Trung, thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh) được xây dựng khang trang theo đúng tiêu chí “Đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, khu phố văn minh”. |
Chỉ vài năm trở lại đây, thị trấn Ninh Cường đã khoác lên mình diện mạo mới với sự phát triển đồng bộ, hiện đại về hạ tầng giao thông, kỹ thuật, các công trình thiết chế văn hóa, giáo dục, giải trí... ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chạy dọc các tuyến phố ở Nghị Trung, Nghị Nam, Tân Ninh, những mái nhà kiến trúc hiện đại mọc lên san sát, trước mỗi hiên nhà đều có các chậu hoa cây cảnh khoe sắc trong nắng thu, trên nóc nhà cờ đỏ sao vàng tung bay. 6 tháng đầu năm 2021, thị trấn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình cải tạo, nâng cấp đường tây sông Dầm đoạn từ Quốc lộ 37B đến đê sông Ninh Cơ, tiếp tục kè đá bờ sông Dầm đoạn từ cống Trung Thành đến cầu 30-4 tổ dân phố Nam Đường. Khởi công xây dựng nhà 2 tầng 8 phòng học và các hạng mục phụ trợ trường mầm non khu B với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Sửa chữa và nâng cấp một số hạng mục của trạm y tế; xây kè và đào đắp mở đường mới vào khu vực 2 nghĩa trang Tân Phú, Tây Đường. Tuyến đường trục thị trấn đoạn từ cầu 50 đến cầu sông Sẻ tiếp tục được đổ bê tông để mở rộng mặt đường sau khi đã hoàn thiện hệ thống tiêu thoát nước. Tiếp đó, thị trấn hỗ trợ hơn 260 triệu đồng cho các tổ dân phố xây dựng các tuyến đường hoa kiểu mẫu. Ngoài ra, địa phương phát động cán bộ, nhân dân trồng 550 cây các loại như cây hoa Nhật, lát hoa, các loại cây ăn trái đặc sản tạo cảnh quan môi trường thiên nhiên trên các tuyến đường trục của thị trấn. Đến nay, trên địa bàn thị trấn có 10 tuyến đường có dải cây xanh với 7,6km, tất cả các tuyến đường trên địa bàn thị trấn có điện chiếu sáng; có 20 tuyến đường hoa kiểu mẫu dài 38,4km. Hiện tại, 16/16 tổ dân phố thị trấn đang triển khai thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn, đạt 100% với hơn 1.000 hộ. Các tuyến đường qua khu dân cư tập trung đều có hệ thống thu gom nước thải, tiêu thoát nước mưa, không để đọng nước, ngập úng. Nước thải sinh hoạt tại các hộ gia đình được xử lý qua hệ thống bể phốt, hố ga lắng; các hộ chăn nuôi có hầm biogas xử lý chất thải, nước thải trước khi thải vào hệ thống chung của khu dân cư. Chất lượng đời sống người dân tại thị trấn không ngừng được nâng cao. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025, UBND thị trấn đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện phát động thi đua ở 16 tổ dân phố, động viên khuyến khích và huy động mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia với khẩu hiệu “Đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, khu phố văn minh”. Đến nay, thị trấn đã hoàn thành thẩm định và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đã có hơn 1.000 hộ dân tại các tổ dân phố: Tân Ninh, Vị Nghĩa, Nghị Bắc, Đông Bắc, Nghị Nam, Nghị Trung được đánh số nhà theo tiêu chuẩn đô thị, hình thành các khu phố mới văn minh, hiện đại.
Phát huy sức trẻ của đô thị mới
Trong sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt chuyển trọng tâm từ mục tiêu sản lượng sang chất lượng và giá trị. Toàn thị trấn đã hình thành 2 cánh đồng lớn, diện tích mỗi cánh đồng từ 30-50ha sản xuất lúa giống, trồng lúa chất lượng cao Bắc thơm 7 cho hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng lương thực bình quân đạt 4.200 tấn/năm. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha canh tác năm 2020 đạt 120 triệu đồng. Các mô hình chuyển đổi canh tác đạt hiệu quả cao. Thị trấn đã xây dựng được 1 vùng chuyển đổi trồng lúa kết hợp nuôi cá chạch với diện tích 2ha. Sản phẩm cá chạch được hợp đồng bao tiêu toàn bộ. Thị trấn đã xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản giữa HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tân Phú với Công ty TNHH Cường Tân sản xuất lúa chất lượng cao với sản lượng liên kết bình quân khoảng 319 tấn/năm. Ngoài ra, thị trấn có mô hình sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 30,65ha và mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, theo quy trình hữu cơ an toàn giống lúa ST 25 của ông Nguyễn Văn Toán ở tổ dân phố Đạo Đường, diện tích 3ha, năng suất đạt 54,41tạ/ha, giá trị bình quân đạt 130 triệu đồng/ha/năm đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo thực phẩm. Chăn nuôi đang dần hình thành phát triển theo hướng chăn nuôi gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn dịch bệnh; Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn 35% năm 2020. Có 9 doanh nghiệp trong nước đầu tư quy mô lớn như: Nhà máy may Ninh Cường (Công ty Cổ phần May 9), Công ty Tân Cường, Công ty TNHH Trung Tiến, Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Ninh Cường giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 1.500 lao động. Ngành nghề dịch vụ đã và đang phát triển mạnh, trên địa bàn có hơn 600 cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh cá thể… đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập và đóng góp quan trọng vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương. Thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm” (OCOP), thị trấn đã hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho 2 sản phẩm của 2 cơ sở gồm: cơ sở bánh kẹo lạc, kẹo vừng Vũ Thịnh ở tổ dân phố Đạo Đường và nước mắm sạch Ninh Cường của ông Trần Văn Phú tại tổ dân phố Đông Bắc. Nhờ phát triển đa dạng ngành nghề phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội, tiềm năng của địa phương nên 2 năm nay mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 song kinh tế địa phương vẫn đảm bảo ổn định, việc làm của người dân được duy trì. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt 54,67 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,35%.
Kế thừa những thành tựu bao thế hệ cha anh đi trước đã tạo dựng, thị trấn Ninh Cường ngày càng vững tin trên hành trình mới. Trên các tuyến đường, dong ngõ mới cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ trong nắng thu. Dẫu hành trình vẫn còn nhiều gian nan, thử thách, nhưng thị trấn Ninh Cường tin tưởng sẽ không ngừng nỗ lực để gặt hái nhiều thành tựu to lớn hơn, xứng đáng với truyền thống là một trong những địa phương khởi đầu cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong mùa Thu cách mạng năm xưa, là đô thị hạt nhân phát triển phía tây nam của huyện Trực Ninh./.
Bài và ảnh: Đức Toàn