Về nơi 43 năm điển hình văn hóa cấp huyện của cả nước

05:08, 20/08/2021

Huyện Hải Hậu vinh dự được Đảng, Nhà nước 4 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng, 43 năm điển hình văn hóa cấp huyện của cả nước. Với mục tiêu xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, huyện Hải Hậu chú trọng nâng cao hiệu quả xã hội hoá công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới (NTM) tạo nền tảng vững chắc để sáng tạo những giá trị văn hoá mới gắn với phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu thời đại 4.0.

Thi bơi chải trong ngày hội văn hóa - thể thao truyền thống huyện Hải Hậu.
Thi bơi chải trong ngày hội văn hóa - thể thao truyền thống huyện Hải Hậu.

Đẩy mạnh xã hội hóa trong bảo tồn các di sản văn hóa

Huyện Hải Hậu hiện có 195 di tích, lịch sử - văn hóa, trong đó có 43 di tích được Nhà nước xếp hạng (9 di tích cấp quốc gia, 34 di tích cấp tỉnh). Đối với các di tích đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng, các địa phương đều thành lập Ban Quản lý di tích; đồng thời ban hành quy chế quản lý di tích và tổ chức lễ hội. Xây dựng phương án bảo quản, bảo vệ di vật, cổ vật, cổ thư, đồ thờ tự tại di tích, việc tiếp nhận đồ thờ tự tại di tích phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý di sản văn hóa, không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa, cũng như công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, công tác xã hội hóa tu bổ, chống xuống cấp và phát huy giá trị di tích đã thu hút được sự đóng góp nhiều tỷ đồng và hàng triệu ngày công lao động của nhân dân, góp phần duy tu, bảo tồn các di tích khang trang sạch đẹp hơn. Thời gian qua, huyện Hải Hậu đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tổng kiểm kê, khảo sát, lập hồ sơ khoa học xếp hạng các di tích lịch sử trên địa bàn, quản lý và bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng; tổ chức tập huấn Luật Di sản văn hóa, công tác tổ chức và quản lý lễ hội cho lãnh đạo, cán bộ chuyên môn và Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa các xã, thị trấn. Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách xã, kinh phí từ Chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích, các địa phương có di tích trong huyện đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài huyện chung tay góp công, góp của để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa giữ nguyên kiến trúc gốc. Tiêu biểu như: Chùa Phúc Hải, xã Hải Minh; Đền - Chùa Xã Hạ, xã Hải Bắc; Đền Bảo Ninh, xã Hải Phương; Chùa Thanh Quang, xã Hải Thanh; Chùa Cồn, thị trấn Cồn…

Bên cạnh đó huyện Hải Hậu có gần 100 di tích từ đường; trong đó có 13 từ đường dòng họ được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Tiêu biểu là từ đường các dòng họ: thủy tổ Vũ Chi, thủy tổ Phạm Cập, xã Hải Anh; thuỷ tổ Trần Vu, thuỷ tổ Hoàng Gia, xã Hải Trung; thuỷ tổ Trần Quốc Thể, xã Hải Phúc; họ Nguyễn Giữa, xã Hải Hà; họ Nguyễn, xã Hải Sơn; họ Lâm, xã Hải Lộc… các di tích từ đường đều lưu giữ được kiến trúc cổ và các lễ nghi truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh và niềm tự hào truyền thống của con cháu trong dòng họ.

Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Về Hải Hậu hôm nay, sẽ dễ dàng cảm nhận rõ sự khởi sắc của bộ mặt nông thôn ở các vùng quê trong huyện. Không chỉ bởi hệ thống “điện, đường, trường, trạm” của huyện được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ, mà còn ở nhịp sống thường nhật vừa đậm nét văn hóa truyền thống song rất văn minh, hiện đại trong cuộc sống của người dân nơi đây. Nhiều người con xa quê khi về đều có cảm nhận là sự khởi sắc bền vững và không có sự chênh lệch giữa các địa phương, từ các xã nội đồng đến vùng chân sóng.

Để thực hiện hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, nhất là hai tiêu chí thuộc lĩnh vực văn hóa là tiêu chí 6 (cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí 16 (xóm, tổ dân phố (TDP) đạt danh hiệu văn hóa), Hải Hậu là đơn vị đầu tiên của tỉnh ban hành Bộ tiêu chí gồm 8 tiêu chí “Xóm NTM” và 12 tiêu chí “Gia đình văn hóa”. Đồng thời ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động của NVH xóm, TDP đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa”; Đề án “Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở theo tiêu chí NTM kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025”. Làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt trong toàn Đảng bộ, chính quyền, cán bộ và nhân dân để thống nhất về nhận thức, xác định xây dựng “Xóm NTM”, “Gia đình văn hóa” là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân; tạo được sự đồng thuận, sự chung sức, đồng lòng của mọi người dân để xây dựng NTM. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cấp xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên tích cực chung sức xây dựng NTM với các phong trào, cuộc vận động thiết thực, hiệu quả. Ủy ban MTTQ huyện phát động cuộc vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, xây dựng “Xóm (TDP) văn hoá”, “Gia đình văn hoá”. Hội Cựu chiến binh phát động cuộc vận động “Nâng cao chất lượng hoạt động của Nhà văn hoá xóm (TDP)”, xây dựng khu trung tâm Nhà văn hoá “Khang trang, xanh - sạch - đẹp”; phát động hội viên cùng đôn đốc và hướng dẫn các xóm (TDP) chỉnh trang khuôn viên gia đình, đường làng, ngõ xóm. Phong trào cộng đồng dân cư thường xuyên ra quân làm tổng vệ sinh, chỉnh trang cảnh quan môi trường thôn, xóm, hộ gia đình được phát động và thực hiện tốt trong toàn huyện. Đến nay các xã, thị trấn đã xây dựng được trên 500km đường hoa và cây xanh, có điện chiếu sáng; xã, thị trấn đều có nhà văn hóa xã (diện tích 500m2 trở lên) hoặc có hội trường đa năng trên 250 chỗ ngồi, 546/546 xóm có nhà văn hóa và khu thể thao (có trên 100 chỗ ngồi và diện tích trên 800m2), 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa; có 254 điểm truy cập internet.

Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: Xây dựng nông thôn Hải Hậu trù phú, đảm bảo tính hiện đại và bền vững; có hạ tầng kiên cố, đồng bộ, kết nối các huyện và vùng tỉnh; cảnh quan môi trường thường xuyên xanh - sạch; nếp sống văn minh, tiến bộ, giàu bản sắc truyền thống; xã hội nông thôn trật tự, an toàn, bình yên; kinh tế phát triển, bền vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Để đạt mục tiêu đó, thời gian tới, Hải Hậu tiếp tục có cơ chế tạo thuận lợi huy động các nguồn lực xã hội và vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Khuyến khích các mô hình người dân tự chủ, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa cơ sở và bảo vệ môi trường ở nông thôn. Thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả từng tiêu chí, kịp thời điều chỉnh bổ sung nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, tính bền vững đối với các tiêu chí đã đạt được ở các xã, thị trấn; đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí chưa đạt được, chưa bền vững theo lộ trình phù hợp với tình hình thực tế. Phấn đấu đến năm 2025 đạt huyện NTM kiểu mẫu “Sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com