Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 25-7-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về việc Phát triển một số cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao, từ ngày 20-4-2012, các trường tiểu học: Phạm Hồng Thái, Trần Quốc Toản (thành phố Nam Định); THCS: Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định), Trần Huy Liệu (Vụ Bản), Lê Quý Đôn (Ý Yên), Đào Sư Tích (Trực Ninh), Giao Thủy (Giao Thủy), Nghĩa Hưng (Nghĩa Hưng), Nguyễn Hiền (Nam Trực), Xuân Trường (Xuân Trường); các trường THPT: Giao Thủy (Giao Thủy), Tống Văn Trân (Ý Yên), Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định), Lý Tự Trọng (Nam Trực), A Hải Hậu (Hải Hậu) được chọn xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao của tỉnh. Qua kết quả thực tế tại các đơn vị nêu trên có thể khẳng định đây là chủ trương đúng trong định hướng phát triển giáo dục đào tạo của tỉnh. Mô hình đã làm thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các cơ sở giáo dục đào tạo có chất lượng cao; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra đánh giá; đổi mới phương pháp học tập tại các nhà trường, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục.
Từ những cơ sở giáo dục chất lượng cao
Trường THCS Mỹ Hưng từ lâu được biết đến là “lá cờ đầu” về chất lượng giáo dục của huyện Mỹ Lộc, được UBND tỉnh chọn là đơn vị xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao của tỉnh vào năm 2012. Thầy Lê Phúc Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường chất lượng cao, cùng với nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, nhà trường từng bước đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Hiện tại trường được đầu tư các trang thiết bị học tập hiện đại như máy chiếu, bảng tính thông minh; các phòng thực hành Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, phòng học tiếng Anh... Bên cạnh học kiến thức lý thuyết, học sinh còn được tạo điều kiện để vui chơi, giải trí, phát huy năng lực, sở trường, trải nghiệm cuộc sống để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Học sinh của trường luôn sôi nổi, hào hứng tham gia và đạt thành tích cao trong các cuộc thi, hội thi do Sở GD và ĐT tổ chức như: Hùng biện tiếng Anh, thi STEM, sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông... Hàng năm, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường luôn được giữ vững, trong đó nổi bật là kết quả thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, trường đều nằm trong số các trường THCS đứng tốp đầu tỉnh. Đây là nền tảng vững chắc để trường tiếp tục xây dựng, phát triển thành trường chất lượng cao của tỉnh.
Cô và trò Trường THPT A Hải Hậu (Hải Hậu) trong một giờ học (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Nam Định) cũng là đơn vị được chọn triển khai mô hình trường tiểu học chất lượng cao. Triển khai mô hình, trường được đầu tư xây dựng “chuẩn hóa” cơ sở vật chất với cảnh quan sư phạm khang trang, sạch đẹp; đội ngũ cán bộ, giáo viên đoàn kết, tâm huyết, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, năng động, sáng tạo. Với những điều kiện trên, nhà trường ngày một phát triển toàn diện, vững chắc theo yêu cầu đổi mới giáo dục; nhiều năm được UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được Bộ GD và ĐT tặng Cờ thi đua Đơn vị tiêu biểu, xuất sắc dẫn đầu ngành GD và ĐT.
Quá trình 10 năm thực hiện xây dựng trường chất lượng cao đã tạo sự thay đổi lớn về cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường, chất lượng giáo dục, công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm. Công tác tuyển sinh bước đầu được đổi mới, góp phần tuyển chọn được học sinh có tư chất tốt vào học. Trình độ đội ngũ giáo viên các trường tiểu học và THCS xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao đều cơ bản đạt so với quy định của Bộ tiêu chuẩn cơ sở giáo dục chất lượng cao do UBND tỉnh ban hành. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường, đã tạo sự đột phá mạnh mẽ trong đổi mới phương pháp dạy học giúp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chất lượng giáo dục phổ thông đều cơ bản đạt tiêu chuẩn do UBND tỉnh ban hành. Thương hiệu các trường chất lượng cao ngày càng được khẳng định, là những trường đạt chuẩn quốc gia, là hình mẫu cho các trường phổ thông trong địa phương, làm cơ sở để bồi dưỡng xây dựng đội ngũ giáo viên trên địa bàn.
Những vấn đề cần quan tâm
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng các trường chất lượng cao vẫn còn một số khó khăn: Một bộ phận giáo viên tuổi cao nên chậm chuyển biến trong đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; đặc biệt là việc tiếp cận thông tin giáo dục hội nhập hiện đại. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị so với Bộ tiêu chuẩn trường chất lượng cao còn nhiều bất cập, nhất là về diện tích. Theo quy định diện tích bình quân phải đạt 25m2/học sinh, song trừ Trường THCS Nghĩa Hưng, các trường khác chưa đảm bảo; một số trường bình quân diện tích trên học sinh còn thấp như: Trường THPT Lý Tự Trọng bình quân 10m2; Trường THPT Giao Thủy có 12m2; Trường THPT A Hải Hậu có 10m2; Trường THCS Trần Đăng Ninh có 7m2; Trường THCS Hải Hậu 10m2; Trường THCS Lê Quý Đôn có 8m2; Trường THCS Trần Huy Liệu có 12m2; Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái quá chật, chỉ có 2,6m2; Trường Tiểu học Trần Quốc Toản có 6m2. Các phòng học, phòng chức năng, phòng bộ môn của các trường cơ bản đủ về số lượng nhưng nhiều phòng xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp (như ở Trường THPT Giao Thủy, Trường THPT Trần Hưng Đạo, Trường THPT Tống Văn Trân...). Các trường xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao hiện có tổng số 72 phòng bộ môn, 6 nhà đa năng, còn thiếu 11 nhà đa năng của 14 trường; riêng Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái vẫn thiếu nhiều phòng bộ môn. Về trang thiết bị, hầu hết các trường mới có một số bộ thiết bị thí nghiệm thực hành của mỗi bộ môn Vật lý, Hóa học và Sinh học, phòng máy tính, phòng học thông dụng, phòng học ngoại ngữ chuyên dụng; còn thiếu phòng máy tính, phòng học thông dụng và thiết bị thí nghiệm thực hành Vật lý, Hóa học, Sinh học, do đó việc tiến hành bài thực hành còn nhiều bất cập, chưa thuận tiện cho việc thực hiện đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học ở các bộ môn. Việc xây dựng các quy chế, quy định, cơ chế chính sách của các địa phương cho các trường xây dựng chất lượng cao còn chậm, chưa góp phần hỗ trợ, động viên cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh các cơ sở xây dựng chất lượng cao thực sự tham gia và hội nhập quốc tế.
Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, thời gian tới, ngành GD và ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường được chọn xây dựng trường chất lượng cao thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể các cấp, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đặc biệt là với phụ huynh học sinh; tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan, đoàn thể, các cá nhân và tổ chức xã hội để làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở xây dựng chất lượng cao, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên theo kế hoạch. Tăng cường hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh được giao lưu, học hỏi và học tập tại cơ sở giáo dục ở nước ngoài. Tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, giáo viên có trình độ, bảo đảm đến hết năm 2022 đạt chuẩn của Bộ tiêu chuẩn chất lượng cao do UBND tỉnh ban hành. Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học theo tiêu chí trường chất lượng cao của tỉnh, như: Phòng bộ môn, nhà đa năng, bộ thiết bị thí nghiệm Lý, Hóa, Sinh, phòng máy tính, phòng học thông dụng cho trường chất lượng cao. Đổi mới các hoạt động giáo dục, tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh./.
Bài và ảnh: Minh Thuận