Ngày 1-7-1954, Nam Định là thành phố đầu tiên của miền Bắc được giải phóng trước khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của các tầng lớp nhân dân, thành phố liên tục có bước phát triển theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét cổ kính của Thành Nam xưa...
Thành phố Nam Định trên bước đường phát triển. |
Thành phố Nam Định hiện có 22 phường và 3 xã ngoại thành với diện tích tự nhiên 46,41km2, hơn 23,7 vạn dân, thành phố Nam Định có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời; là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Trong những năm qua được sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, các huyện trong tỉnh, thành phố Nam Định đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phấn đấu xây dựng thành phố Nam Định văn minh, hiện đại, gắn với đô thị thông minh, hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng; trong đó công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị phải được đặc biệt coi trọng. Đây là vấn đề vừa mang tính chiến lược, vừa phải đi trước một bước, làm cơ sở để triển khai chính sách, kế hoạch đầu tư phát triển và là công cụ để quản lý đô thị nên thành phố Nam Định đã ban hành Chương trình số 12-CTr/TU về quản lý, phát triển đô thị; UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND về xây dựng, phát triển thành phố Nam Định hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Thành phố Nam Định xác định công tác quy hoạch xây dựng và quản lý, phát triển đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo. Vì vậy, nhiều giải pháp căn cơ nhằm mở rộng, chỉnh trang đô thị đã và đang được triển khai thực hiện; diện mạo đô thị đã có nhiều đổi thay tích cực, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định điều chỉnh quy hoạch chung và quyết định điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2025. Hiện quy hoạch phân khu của 25 phường, xã đã được UBND thành phố tổ chức lập, được UBND tỉnh phê duyệt bảo đảm phủ kín 100% quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, các quy hoạch phân khu hai bên đường Lê Đức Thọ; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 hai bên đường dẫn cầu Tân Phong; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 hai bên tuyến Đại lộ Thiên Trường; quy hoạch thoát nước mưa, nước thải thành phố Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức JAICA của Chính phủ Nhật Bản tài trợ và nhiều quy hoạch khác thuộc các dự án đầu tư đã được triển khai lập, phê duyệt.
Để thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và của các nhà đầu tư, nhiều dự án đã được triển khai trên địa bàn thành phố như: Dự án cầu Tân Phong và đường nối Quốc lộ 10, Quốc lộ 21B; Dự án Quốc lộ 38B đoạn qua thành phố; Khu đô thị Hòa Vượng; Khách sạn Nam Cường; các khu đô thị: Thống Nhất, Mỹ Trung, Dệt may Nam Định; Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần... Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã và đang được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố như: Đường Trần Thánh Tông; đường nối Quốc lộ 10 đến hồ Lộc Vượng; đường Nguyễn Công Trứ kéo dài; khu tái định cư Phúc Trọng, Bãi Viên; Trường Tiểu học chất lượng cao Trần Nhân Tông; khu đô thị mới phía nam sông Đào; tuyến đường trục trung tâm phía nam thành phố. Các dự án đang tiếp tục được đầu tư như: Xây dựng đường Lưu Hữu Phước kéo dài, đoạn từ đường Thanh Bình đến Khu đô thị mới Mỹ Trung và khu tái định cư Liên Hà 1, phường Lộc Hạ; Dự án xây dựng Khu đô thị mới Phú Ốc, phường Lộc Hòa có quy mô 46,28ha, được xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, là khu đô thị xanh kiểu mẫu, văn minh hiện đại, thân thiện với môi trường. Dự án xây dựng trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND thành phố được xây dựng trên khu đất l,19ha thuộc Khu đô thị mới Thống Nhất; Dự án xây dựng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong với diện tích 6,42ha tại phường Lộc Vượng; dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định 700 giường với diện tích 9,25ha tại Khu đô thị mới Mỹ Trung... Các dự án đã và đang được đầu tư trên địa bàn thành phố có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố hiện tại và tương lai. Cùng với quy hoạch, công tác quản lý phát triển đô thị đã từng bước đi vào nền nếp. Các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, tạo thuận lợi cho người dân. Thủ tục cấp giấy phép xây dựng ngày càng được người dân nhận thức đúng đắn và nghiêm túc thực hiện. Chính quyền từ thành phố đến các phường, xã thường xuyên tổ chức các đợt ra quân kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị và công tác chỉnh trang đô thị trên địa bàn. Việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đô thị đã tuân thủ theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt, do đó kiến trúc đô thị ngày càng hài hòa và đảm bảo mỹ quan đô thị...
Sản xuất sợi xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thủy Bình (thành phố Nam Định) |
Nhằm xây dựng, phát triển thành phố Nam Định văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong giai đoạn mới, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục ban hành Nghị quyết chuyên đề về tập trung xây dựng phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025. Trong đó tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để xây dựng, phát triển thành phố Nam Định; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của giai đoạn 2021-2025. Xây dựng và phát triển thành phố Nam Định trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố; đồng thời tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm có thế mạnh để tập trung đầu tư phát triển tạo diện mạo mới cho thành phố Nam Định. Phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường, đô thị hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Bám sát chỉ đạo của tỉnh, thành phố Nam Định đang tập trung xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ các quy hoạch và chương trình phát triển đô thị. Hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 do Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia kết hợp các chuyên gia quốc tế từ Australia lập, được Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; UBND tỉnh đang chỉ đạo triển khai lập đồ án Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… Đây là thuận lợi lớn để thành phố tổ chức thực hiện, hoàn thiện nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch xây dựng đô thị, lập chương trình phát triển đô thị, quy chế quản lý kiến trúc trong nhiệm kỳ tới. Thành phố đang tập trung khai thác phát huy thế mạnh của đô thị có truyền thống lịch sử, đồng thời phát triển quy hoạch xây dựng thành phố theo hướng hiện đại, đồng bộ, có bản sắc riêng, có tính bền vững, có không gian đô thị mở rộng. Trong công tác quy hoạch xây dựng, thành phố tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo yêu cầu mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định theo đề án được duyệt; góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển thành phố Nam Định là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Thành phố từng bước nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quy hoạch và quản lý đô thị, đồng bộ giữa đào tạo năng lực chuyên môn và nâng cao trình độ lý luận chính trị; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực để đảm bảo thống nhất các loại hình quy hoạch. Xác định vai trò, nhiệm vụ của công tác quy hoạch phải gắn với nâng cao chất lượng đô thị, đáp ứng các quy chuẩn, tiểu chuẩn về quy hoạch xây dựng, tạo niềm tin cho nhân dân về hiệu lực hiệu quả của công tác quy hoạch. Tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Rà soát, cắt bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển đô thị; nâng cao chất lượng công tác đấu thầu để đảm bảo lựa chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch có đủ năng lực; nâng cao hiệu quả lấy ý kiến của người dân, cộng đồng, cơ quan tổ chức có liên quan khi lập, điều chỉnh quy hoạch; công khai minh bạch trong lập quy hoạch. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng. Xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương. Thành phố tập trung cân đối nguồn lực, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm một cách hợp lý để thực hiện quy hoạch và đầu tư phát triển đô thị. Bên cạnh đó, thành phố tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đô thị, chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đô thị, bảo đảm sự kết nối trong từng khu vực, toàn đô thị và giao thông đối ngoại.
Phát huy truyền thống đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, Đảng bộ thành phố Nam Định tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng; đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, gắn với đô thị thông minh, là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng./.
Bài và ảnh: Xuân Thu