Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều clip quay cảnh học sinh xô xát, đánh nhau trong và ngoài nhà trường; từ đó dấy lên nhiều lo ngại đáng báo động về văn hoá ứng xử của học sinh và nạn bạo lực học đường (BLHĐ). Đây là một hành vi rất xấu, biểu hiện của thoái hóa đạo đức trong các nhà trường. Hơn lúc nào hết, ngăn chặn BLHĐ là việc cần làm ngay, là trách nhiệm không chỉ của ngành Giáo dục mà của toàn xã hội.
Từ những vụ việc đau lòng
Chiều ngày 18-4, người dân trên địa bàn thành phố Nam Định bàng hoàng khi nghe tin về vụ 1 học sinh lớp 9 bị bạn học đâm tử vong. Nguyên nhân vụ việc bắt đầu từ mâu thuẫn trên sân đá bóng. Theo đó, 15h30 phút ngày 18-4, tại sân bóng nhân tạo Dệt, phường Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) xuất phát từ việc phạm lỗi trong khi đá bóng, 2 nhóm gồm 13 nam học sinh có tuổi đời từ 14 đến 17 tuổi đang là học sinh lớp 8, lớp 9, lớp 11 đã cãi vã, xô xát, ẩu đả trong khu vực để xe dẫn đến hậu quả chết người. Nguyễn Gia Huy, 15 tuổi, học sinh lớp 9, Trường THCS Lý Tự Trọng, ở địa chỉ số 318, đường Điện Biên, phường Cửa Bắc (thành phố Nam Định) đã dùng dao bấm đâm trúng vùng ngực phải em Hoàng Trung Đức, 15 tuổi, học sinh lớp 9, Trường THCS Hoàng Văn Thụ. Dù được người dân xung quanh đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng do vết thương quá sâu, mất máu nhiều, Đức không qua khỏi. Cũng chính Nguyễn Gia Huy còn dùng dao bấm đâm 1 nhát vào tay phải Trịnh Trần Hoàng Hải Đăng, 14 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Hoàng Văn Thụ. Sau khi gây án, Huy cùng đồng bọn bỏ chạy khỏi hiện trường. Ngay khi nhận tin báo, Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an thành phố Nam Định điều tra, truy bắt các đối tượng gây án. Thông qua vận động của Công an thành phố Nam Định Nguyễn Gia Huy đã ra tự thú vào 20 giờ 30 phút cùng ngày. Theo Công an tỉnh, điều xót xa và đáng tiếc nhất ở vụ án này là chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ không đáng có nhưng do không kiềm chế được đã dẫn tới xô xát, đánh đổi bằng tính mạng con người. Hiện vụ việc đang được Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh tiếp tục thụ lý, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa hấp dẫn lành mạnh để thu hút thanh thiếu niên trong thời gian rỗi, tránh xa các hoạt động không an toàn.
Trong ảnh: Tiết mục văn nghệ đồng diễn "Tự hào Việt Nam" của học sinh, sinh viên (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Ảnh:
Hoa Xuân
|
Ngày 11-3, trên địa bàn thôn Thanh Sơn, xã Yên Lợi (Ý Yên) xảy ra vụ đánh nhau nghiêm trọng. Nội dung vụ án xuất phát từ mâu thuẫn giữa Bùi Xuân Nam (SN 2005) trú tại xã Quang Trung (Vụ Bản), là học sinh lớp 10A2, Trường TPHT Lý Nhân Tông và Phạm Duy Khương (SN 2003) trú tại thôn Từ Liêm, xã Yên Khánh (Ý Yên), là học sinh lớp 12A5 cùng trường. Sáng 11-3, Khương đi với 2 bạn học cùng lớp đến gặp và đánh Nam tại cầu thang tầng 1 của trường. Sau khi bị đánh, Nam đi về phòng trọ của gia đình ông Nguyễn Văn Yên, ở thôn Thanh Sơn, xã Yên Lợi và kể lại sự việc bị Khương đánh cho ông Yên và Nguyễn Văn Trường (SN 2001) là con trai ông Yên nghe. Khoảng 15 giờ cùng ngày, Trường nhờ người nhắn tin cho Khương, hẹn giờ ra chơi ra cổng trường nói chuyện nhưng Khương không ra. Lo sợ bị đánh, Khương gọi điện nhờ Trần Văn Hải (SN 1999) trú tại thôn Trung Thành, xã Yên Lợi lên nói chuyện với Trường để hòa giải. Hải sau đó có nói với Vũ Viết Tuấn (SN 1999) và Trần Văn Cường (SN 2000) cùng trú tại xã Yên Lợi và Đinh Doanh Trung (SN 1999), trú tại xã Yên Bình (Ý Yên) đến cổng trường Lý Nhân Tông đưa thằng em về. Hải, Tuấn, Cường, Trung đã cùng đi taxi đến cổng trường Lý Nhân Tông ngồi chờ. Khoảng 16 giờ 30 phút, khi Khương ra cổng trường thì Trường đến gặp và nói “vào đây nói chuyện”. Khương sợ quá định chạy thì bị Trường quát và chửi nên buộc phải đi vào nhà ông Yên. Tại đây, ông Yên đóng cửa nhà, Trường dùng tay đấm vào đầu và tát vào mặt Khương. Lúc này, Hải, Trung, Tuấn, Cường cũng đã đến trước cổng nhà ông Yên và đề nghị mở cổng. Sau đó, Trung đi vào lán để xe ở sân nhà ông Yên và có lời qua tiếng lại, và dùng tay đè Trường xuống đất. Ông Yên thấy vậy kéo Trung ra ngoài cổng nhà. Trường vùng dậy đi xuống chạn bát kê phía cuối nhà lấy một con dao bầu dài 35cm cầm ở tay phải và đi ra cổng, thấy bố mẹ đang xô đẩy với Trung liền cầm dao đâm vào hạ sườn phải gây thương tích cho Trung. Thấy Trung bị đâm, Hải cùng một số người vội đưa Trung đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Qua điều tra Công an huyện Ý Yên đã khởi tố Nguyễn Văn Trường về tội cố ý gây thương tích.
Đề xuất giải pháp ngăn chặn
BLHĐ không phải là hiện tượng mới, xong thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục, thường xuyên hơn trong các trường học, bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại là lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản như va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, mâu thuẫn nói xấu nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội… Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết những vụ việc BLHĐ vừa qua đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong quá trình học tập, sinh hoạt tại trường. Trong đó, trước hết có nguyên nhân xuất phát từ chính tâm lý không ổn định, có nhiều thay đổi bất thường của học sinh cấp THCS, THPT (từ 12-17 tuổi). Ở lứa tuổi này, đang có sự chuyển biến mạnh về mặt tâm lý, cùng với tâm lý không ổn định là cái tôi cá nhân quá cao. Do đó, chỉ cần không vừa ý điều gì đó cộng thêm những tác động kích thích xấu từ bên ngoài cũng dễ khiến các em bị kích động, học theo, dẫn đến nhiều vụ đánh nhau tại trường học. Từ góc độ gia đình, việc một số phụ huynh học sinh thiếu quan tâm, giáo dục, định hướng cho con cái cũng gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý các em. Nhiều gia đình chỉ biết chu cấp về vật chất cho con mà không quan tâm đến cuộc sống, đặc biệt là những thay đổi về tâm lý, tính cách của con cái. Thực tế cho thấy, một số học sinh cá biệt, thường xuyên gây gổ đánh nhau ở trường hay rơi vào những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt: Bố mẹ ly hôn, cha mẹ có thu nhập thấp, nghiện ngập, vi phạm pháp luật, bạo lực gia đình… Đi tìm những nguyên nhân của BLHĐ, còn có phần trách nhiệm từ phía các nhà trường khi mà chưa chú trọng nhiều đến việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, nhân cách cho học sinh, thiếu theo dõi, hướng dẫn, khuyên răn và không phát hiện, ngăn chặn kịp thời những mâu thuẫn trong nội tại học sinh. Từ góc độ xã hội còn cho thấy, học sinh, sinh viên hiện nay rất dễ tiếp cận, tìm kiếm các hành vi bạo lực trên internet, mạng xã hội, phim ảnh… nên rất dễ “bắt chước” làm theo. BLHĐ không chỉ gây tổn thương về thể chất, tinh thần, còn để lại di chứng nặng nề đối với sự phát triển trong tương lai của học sinh bị bạo lực.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt BLHĐ cần có sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội. Theo đó, về phía học sinh, cần có ý thức rèn luyện và tìm hiểu, nâng cao ý thức về hành động cũng như hậu quả của những hành động bạo lực đó. Đối với một số học sinh cá biệt, cần có sự kết hợp, trao đổi giữa gia đình, nhà trường để quản lý, uốn nắn, hướng các em vào những sinh hoạt, phong trào thi đua tích cực của lớp, của trường. Về phía nhà trường, cần chủ động trong việc trao đổi thông tin với gia đình học sinh để có thể nắm bắt tình hình cũng như biểu hiện của học sinh; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục, có biện pháp răn đe khi cần thiết; kiểm tra, ngăn chặn các vụ việc học sinh tổ chức đánh nhau trong và ngoài nhà trường; nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong công tác quản lý, giáo dục học sinh để ngăn chặn kịp thời các vụ việc BLHĐ. Đối với gia đình, phụ huynh cũng cần thay đổi quan điểm giáo dục con cái. Mỗi phụ huynh cần dành thời gian quan tâm đến con em nhiều hơn, là những người bạn đồng hành của con, biết lắng nghe, kịp thời chấn chỉnh những suy nghĩ, hành động sai trái liên quan đến BLHĐ để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra./.
Xuân Thu và Hoa Xuân