Các tháng giáp Tết, người dân xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) lại bước vào mùa thu hoạch thuỷ sản lớn nhất của năm. Nhà nào cũng tất bật chuẩn bị sắp xếp người, lưới để tát ao với hi vọng tràn trề về vụ cá bội thu. Với kinh nghiệm nuôi thâm canh công nghiệp, nhiều năm nay, vựa cá Mỹ Hà luôn là địa chỉ tìm đến của các thương lái từ Hà Nam, Ninh Bình, Hà Nội, Hoà Bình để có được những con cá to khoẻ, thịt săn chắc, ngọt đậm đà phục vụ khách hàng ăn Tết.
Ao nuôi cá trắm đen vụ Tết của gia đình anh Trần Văn Quyên, thôn Nội. |
Từ tờ mờ sáng, anh Trần Văn Quyên ở khu Đồng Lướt, thôn Nội đã dậy đánh thức mọi người chuẩn bị tát ao. Đèn thắp sáng xung quanh các ao cá, tiếng người gọi nhau hò kéo lưới, chuẩn bị thùng, nước vang động cả vùng. Anh Quyên cho biết: “Để có được những con cá chất lượng nhất vào dịp giáp Tết, từ 2 tháng nay, chúng tôi đã tập trung vỗ béo cho cá và đánh tỉa rải đàn để xuất bán đảm bảo được giá nhất”. Từ giữa tháng 11 âm lịch, các chủ trang trại nuôi cá trắm đen ở xã đã bắt đầu thu hoạch cá. Trung bình mỗi con cá trắm đen qua hơn 1 năm được chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ có trọng lượng từ 5-6kg, có con hơn 10kg. Với chế độ dinh dưỡng hợp lý, phòng bệnh tốt nên hầu hết cá đánh bắt từ ao, con nào con nấy đều căng vảy, thân chắc nịch, nhiều con phải 2 người mới có thể ôm bắt… Ngoài ra, anh Quyên và người dân nơi đây luôn ý thức được việc phát triển làng nghề phải song song với công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, không lạm dụng cám chăn nuôi cho cá ăn, mà chỉ đan xen kết hợp với thức ăn hữu cơ, không sử dụng bừa bãi các loại thuốc hóa học nhằm bảo vệ cá trước dịch bệnh, góp phần đảm bảo nguồn nước sau khi cải tạo, thau hồ không gây ô nhiễm ra môi trường. Các ao cá đều được các hộ nuôi thường xuyên kiểm tra chất lượng nước, duy trì tốt theo các chỉ dẫn của cơ quan chức năng về phòng bệnh chữa bệnh, lắp đặt hệ thống máng cho ăn tự động nên đàn cá đều khoẻ; sinh trưởng tốt, tăng trọng nhanh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng thịt thơm, ngon. Hiện tại, gia đình anh Quyên có 9 ao, chủ yếu nuôi cá trắm đen và các loại cá truyền thống khác như chép, trôi, trắm, diêu hồng… Mỗi ao đều thu hoạch trung bình từ 5 đến 10 tấn/vụ. Dự kiến từ giờ đến cuối năm, gia đình anh sẽ tiếp tục thu thêm được 5 tấn cá trắm đen và hơn 10 tấn cá quả. Với giá thị trường vào dịp giáp Tết từ 90 nghìn đến 100 nghìn đồng/1kg cá trắm đen, 45 nghìn đến 50 nghìn đồng/1kg cá quả, trừ chi phí, tính ra gia đình thu thêm được gần 500 triệu đồng. Không chỉ gia đình anh Quyên, nhiều hộ nuôi tại thôn Nội đều có doanh thu hàng trăm triệu đồng vào dịp cuối năm, giáp Tết từ cá trắm đen như ông Trần Văn Minh, Trần Văn Vịnh, Nguyễn Văn Ấn, Trần Văn Khôi… Sản lượng cá của mỗi hộ đều từ 10 tấn trở lên, có hộ thu hoạch đến hơn 40 tấn cá như hộ ông Trần Văn Khôi, hộ ông Trần Đăng Sáng… Mỗi vụ cá giáp Tết, mỗi hộ đều có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên. Toàn bộ vùng nuôi tại khu Đồng Lướt, Đồng Ngút thuộc thôn Nội hiện có 14 hộ nuôi. Ngoài ra, còn hàng trăm hộ nuôi nhỏ lẻ khác. Vì thế, mỗi dịp giáp Tết, Mỹ Hà nườm nượp xe nối đuôi nhau vào đến vào đến tận ao để thu mua cá. Có ao đã được thương lái đến xem và đặt cọc để mua toàn bộ từ cả tháng trước. Đến Mỹ Hà những ngày cuối năm thực sự là một ngày hội.
Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Trần Đăng Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: “Nhiều năm gần đây, phong trào nuôi thuỷ sản của xã phát triển mở rộng, nhất là tại vùng chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản nước ngọt tại khu Đồng Lướt, Đồng Ngút. Hiện tại, các hộ nuôi đã tập hợp và thành lập Tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản Tiền Phong để liên kết, tương trợ lẫn nhau trong việc ứng dụng công nghệ nuôi cá trắm đen công nghiệp, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y và xử lý dịch bệnh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ… đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nuôi. Nhiều gia đình ở đây đã có cuộc sống ổn định và vươn lên khá giả nhờ vào nghề nuôi cá. Tổng diện tích vùng chuyển đổi là 83ha. Năm 2019, sản lượng thuỷ sản của toàn xã đạt hơn 350 tấn. Năm nay thời tiết thuận lợi nên việc nuôi cũng như bán cá của người dân tương đối suôn sẻ. Sang năm 2021, xã sẽ tiếp tục quy hoạch, chuyển đổi thêm 10ha vùng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản, đồng thời lựa chọn cá trắm đen xây dựng là sản phẩm OCOP của địa phương”. Một vụ cá bội thu mang theo hi vọng mùa Xuân no ấm lại về với người dân xã Mỹ Hà./.
Bài và ảnh: Đức Toàn