Gặp "nhà sáng chế" đạt giải quốc tế

08:01, 04/01/2021

Để tìm hiểu kỹ hơn về “Hệ thống xử lý khói bụi lò hỏa thiêu” đoạt Huy chương Vàng Cuộc thi sáng chế và sáng tạo quốc tế năm 2020 tại Ba Lan về tính hữu ích, chúng tôi gặp ông Trần Đình Giao, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ tang lễ Hoàng Long, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc). Đây là sáng chế đang gây được sự chú ý trong và ngoài nước với hệ thống xử lý khói bụi lò hỏa thiêu đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm năng lượng đang áp dụng tại Công ty.

Ông Trần Đình Giao (bên phải) trong buổi lễ trao chứng nhận Techfest 2020. Ảnh: Do nhân vật cung cấp

Ông Trần Đình Giao (bên phải) trong buổi lễ trao chứng nhận Techfest 2020.

Ảnh: Do nhân vật cung cấp

Ông Trần Đình Giao cho biết, khi Công ty bắt đầu triển khai dự án xây dựng lò hỏa thiêu từ năm 2012, ông đã đến tham quan tất cả các lò thiêu trong nước và đi khảo sát thực tế công nghệ thiết kế lò thiêu tại một số nước tiên tiến trên thế giới. Hầu hết lò hỏa thiêu đều thiết kế ống khói dẫn trực tiếp khí thải, khói bụi thẳng lên trời. Việc này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hướng tới cuộc sống người dân xung quanh. Điều này khiến ông trăn trở suy nghĩ phải thiết kế, cải tiến hệ thống như thế nào để khắc phục xả trực tiếp khói bụi từ lò thiêu ra không khí. Trong quá trình nghiên cứu ông Giao phát hiện lò thiêu tạo ra lượng khí thải lớn với sức nóng lên tới 5000C kèm sức gió thổi tương đương cấp 9. Nếu tận dụng hai nguồn năng lượng này để tạo thành một hệ thống xử lý tuần hoàn, đồng thời xử lý lượng khí thải ô nhiễm lớn, sẽ có thể tiết kiệm thời gian và chi phí hỏa thiêu cho người dân. Từ đó, ông nảy ra ý tưởng chuyển đổi hệ thống lò thiêu công nghệ của Mỹ bằng cách bẻ gập ống khói xuống lòng đất và thiết kế hệ thống mương tuần hoàn. “Từ phát hiện trên, tôi thiết kế ống khói cong xuống mương nước tuần hoàn. Khi đó sức gió mạnh của lò thiêu có thể đẩy nước trong mương chảy, nhiệt lượng tỏa ra khi lò vận hành được sử dụng để đun sôi nước bể lắng trong mương tuần hoàn, hơi nước bốc lên có tác dụng dập khói bụi từ lò thiêu xuống. Các bụi than trong bể lắng này có đặc điểm như than hoạt tính, giúp lọc nước trong mương, bể” - Ông Giao chia sẻ về nguyên lý hoạt động của hệ thống. Ban đầu, ông thiết kế trên máy vi tính và làm mô hình nhỏ sử dụng đèn khò để thử nghiệm. Suốt thời gian sau đó, ông Giao đã thiết kế và thử nghiệm các mô hình từ nhỏ đến to ngoài thực tế và tạo ra mương tuần hoàn song liên tiếp thất bại; thậm chí có chiếc lò thử nghiệm bị nổ tung. Sau mỗi lần thất bại, ông lại nghiên cứu tìm nguyên nhân sai hỏng và giải pháp khắc phục. Như lần chiếc lò thử nghiệm bị nổ, ông phát hiện nguyên nhân do lò không chịu được nhiệt độ thực, buồng đốt vẫn để lại dư lượng chất thải là nguyên nhân gây nổ. Phát hiện nguyên nhân đó, thay vì thiết kế 2 cửa hút khí thông thường, ông chỉ dùng 1 cửa hút để chất thải chạy trực tiếp xuống quạt gió và được xử lý triệt để bằng một téc đốt đặt ở khu thứ cấp. Trải qua nhiều cuộc thử nghiệm, đến năm 2014, ông Giao đã nghiên cứu thành công hệ thống đưa khói bụi từ lò thiêu thông qua ống dẫn ra môi trường và được dập bụi khói bằng mương tuần hoàn bên ngoài lò. Đồng thời đưa 2 lò hỏa thiêu vào hoạt động thử nghiệm tại Công viên nghĩa trang Thanh Bình. Các chi tiết về buồng đốt, quạt gió dần được hoàn thiện sau mỗi lần thử nghiệm. Áp dụng công nghệ tiên tiến về hỏa thiêu và xử lý chất thải qua hệ thống của ông Giao đã thể hiện được ưu điểm là giảm thời gian thiêu mỗi ca gần 3 lần so với các lò thiêu thông thường (chỉ mất 45-75 phút so với 150 phút), do đó tiết kiệm chi phí, năng lượng trong quá trình hỏa táng. So với các lò đốt xả thẳng khói lên cao, sử dụng hệ thống này còn khắc phục 100% khói bụi từ lò thiêu ra ngoài môi trường, đảm bảo an toàn môi trường cho khu vực dân cư lân cận. “Hệ thống lò thiêu này tuyệt đối an toàn, kể cả nhân viên của Công ty đứng cạnh lò đang vận hành cũng không có cảm giác nóng, mùi - Ông Giao khẳng định. Đến nay, công nghệ của ông Giao được hoàn thiện và vận hành ổn định tại 7 lò hỏa thiêu của công viên nghĩa trang Thanh Bình với 700-1.000 lượt sử dụng/tháng. Hiện ông đang triển khai xây dựng hệ thống lò hỏa thiêu ở tỉnh Lạng Sơn. Theo ông Giao, chi phí xây dựng lò thiêu này thấp, chỉ mất 900 triệu đồng, trong khi chi phí mua và lắp đặt hoàn chỉnh lò thiêu của Mỹ khoảng 2 tỷ đồng. Tháng 5-2019 công trình của ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp bằng sáng chế giải pháp hữu ích. Tiếp đó công trình hệ thống xử lý khói thải lò hỏa thiêu của ông đã đạt Huy chương Vàng “Cuộc thi sáng chế và sáng tạo quốc tế dành cho các sáng tạo mang tính xã hội” do Euro Business Haller tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Phát triển Kinh tế Ba Lan và Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu trí tuệ Thế giới. Cuối tháng 11-2020, ông Giao được vinh danh tại lễ trao chứng nhận nhà sáng chế đạt giải quốc tế trong khuôn khổ hoạt động Techfest năm 2020 do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH và CN (Bộ KH và CN) và Hiệp hội Sáng chế Việt Nam tổ chức.

Hiện nay, công viên nghĩa trang Thanh Bình của Công ty được đánh giá là một trong những công viên nghĩa trang đứng đầu toàn quốc về sự thân thiện môi trường, công nghệ hiện đại và dịch vụ tận tâm. Ông Trần Đình Giao cho biết: “Là người đứng đầu Công ty cung cấp dịch vụ tang lễ, bản thân tôi luôn tâm niệm phải cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Thời gian tới, tôi mong muốn chuyển giao công nghệ này cho các tỉnh nghèo. Việc sử dụng lò thiêu không khói vừa tiện lợi văn minh, vừa đảm bảo về mặt môi trường”. Sáng chế của ông Trần Đình Giao thêm một minh chứng về năng lực và đam mê vượt khó sáng tạo của con người Việt Nam, đây là một nguồn lực tiềm năng rất lớn. Nếu có chính sách, cơ chế và được tạo điều kiện thì những nguồn lực này được phát huy sẽ đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quê hương đất nước./.

Ngọc Ánh


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com