Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thời điểm này các nhà vườn trồng đào, quất trên địa bàn xã Nam Mỹ (Nam Trực) đang hối hả bắt tay vào gò thế, tỉa lá, tạo dáng làm đẹp cho cây để cung ứng ra thị trường.
Chị Phạm Thị Thúy ở xóm 1, xã Nam Mỹ (Nam Trực) chăm sóc vườn quất của gia đình. |
Đến xã Nam Mỹ vào những ngày này, chúng tôi cảm nhận được sự hối hả, tất bật của những người dân trồng đào, quất ở nơi đây. Những tiếng cười nói rôm rả từ ngoài đồng hòa cùng không khí lao động hăng say của người dân trong tiết trời đang chuyển mùa. Những gốc quất, đào đang trổ nụ, đơm bông được bàn tay khéo léo của những người nông dân tạo kiểu, uốn dáng độc đáo, phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Các dáng cây truyền thống được các nhà vườn ưu tiên tỉa cành, tạo dáng như: đào thế huyền, đào cổ thụ, quất thế, quất hình tháp; đặc biệt một số ít nhà vườn tỉ mỉ hơn khi trồng quất trong chum, dáng bonsai... Để chuẩn bị cho thị trường tết, những ngày này, các chủ vườn thường xuyên túc trực ở ruộng để chăm sóc, cắt tỉa, níu cành để có sản phẩm đẹp đáp ứng thị trường. Dẫn chúng tôi tham quan vườn quất của gia đình, chị Phạm Thị Thúy ở xóm 1, xã Nam Mỹ cho biết: “Gia đình tôi trồng một sào quất với trên 400 cây. Công việc chăm sóc quất được thực hiện từ đầu năm nhưng đến khoảng rằm tháng 8 âm lịch tôi bắt đầu gò quất để tạo dáng cây, đồng thời cắt tỉa cành, quả xấu”. Để cây quất có dáng thế, mẫu mã chín đẹp đúng vào dịp tết thì giai đoạn gò cây là thời điểm quan trọng nhất, có tính quyết định cho chất lượng quả, thế cây sau này. Vì vậy, ngoài vun, xới, tưới nước thường xuyên, thời điểm này nông dân đang tập trung gò, uốn tạo thế cho cây. Sau công đoạn này, các nhà vườn sẽ dựa vào thời tiết để tiếp tục chăm bón. Bên cạnh đó, quất Nam Mỹ được để phát triển tự nhiên, không uốn cành nên rất bắt mắt, mỗi cây quất đều có đặc điểm dáng riêng. Đặc biệt, người trồng quất rất biết cách chăm sóc quất để cho trái to, bóng và lá xanh, điều đó tạo cho quất nơi đây tràn đầy nhựa sống. Với kinh nghiệm trồng quất nhiều năm, dù năm nay, thời tiết nắng nhiều, nhưng người trồng quất vẫn cho ra những cây quất đẹp. Với người dân trồng quất cảnh, tết là vụ quan trọng nhất trong năm, vì đây là thời điểm thu hoạch sau một năm lao động vất vả. Còn tại một số hộ trồng đào, vào thời điểm này, chúng tôi được chứng kiến sự tấp nập cảnh khách hàng từ các địa phương trong và ngoài tỉnh đến xem đào và đặt hàng trước. Hiện nay, Nam Mỹ có hàng trăm hộ chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đào phục vụ nhu cầu chơi tết của người dân. Đã có trên 10 năm kinh nghiệm trồng đào, bà Đỗ Thị Tươi, xóm 5, xã Nam Mỹ cho biết: “Để có những cành đào đẹp phục vụ nhu cầu chơi hoa trong dịp tết này, từ hơn một tháng nay gia đình tôi bận rộn cắt tỉa, tuốt lá cho từng gốc đào và thường xuyên nghe dự báo thời tiết để có biện pháp che chắn khi có rét đậm kèm theo sương muối và có chế độ chăm sóc hợp lý để những cây đào trong vườn nở đúng dịp tết”. Cũng với diện tích gần một mẫu đất, gia đình bà Tươi trồng trên 700 gốc đào, trong đó chủ yếu là đào cành và đào rừng. Do được áp dụng đúng quy trình chăm sóc, vườn đào của gia đình bà phát triển tương đối đồng đều. Từ đầu tháng 11 đã có nhiều thương lái mua buôn đến vườn đặt mua với số lượng lớn. Theo bà Tươi, giá đào năm nay cũng không chênh lệch nhiều so với năm ngoái. Những cây to, đẹp có giá bán khoảng từ 2 đến 3 triệu đồng, còn đào cành có giá từ 150-200 nghìn đồng. Theo nhiều chủ vườn, đợt nắng nóng gay gắt diện rộng mùa hè tuy có ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, nhưng đến nay cây đào, quất vẫn phát triển theo đúng chu kỳ. Dù chăm sóc vất vả, phải đầu tư nhiều thời gian, phụ thuộc vào thời tiết và giá cả thị trường song với người dân Nam Mỹ thì trồng quất vẫn là nghề mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với cấy lúa và trồng các loại rau màu khác.
Từ lâu, nghề trồng đào, quất đã gắn bó với nông dân xã Nam Mỹ, tạo nên thương hiệu cho địa phương. Với diện tích trồng lớn, cây đào, quất đã làm giàu cho nhiều gia đình, đồng thời đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp địa phương. Trung bình mỗi vườn đào, quất cho doanh thu từ 200-300 triệu đồng, nhiều hộ đạt 500 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, nghề trồng đào, quất rất vất vả, tốn nhiều công chăm sóc nên người trồng phải tâm huyết mới có được những cây đẹp. Tết Nguyên đán Tân Sửu đã cận kề, mang theo cả niềm tin, ước vọng của người nông dân cần cù, chịu khó về một năm mới nhiều may mắn, đủ đầy. Với sự cần mẫn, sáng tạo chăm sóc đào, quất dẫu khó khăn vất vả, nhưng bù lại những người nông dân nơi đây sẽ có thu nhập cao và ổn định./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh