Ở xã Nam Dương (Nam Trực), nhiều người biết đến anh Bùi Minh Pha với vóc người nhỏ bé, bị căn bệnh “xương thủy tinh” và đôi chân dị tật. Thế nhưng hơn 30 năm qua, bằng nghị lực phi thường, anh đã vượt lên số phận, kiên trì nỗ lực học tập, rèn luyện trở thành cử nhân công nghệ thông tin và có một gia đình hạnh phúc.
Anh Bùi Minh Pha đang sửa chữa máy vi tính cho khách. |
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, Pha lớn lên khỏe mạnh khi chuẩn bị vào lớp 1, trong một lần bị tai nạn giao thông, Pha gãy cả 2 chân phải bó bột. Vết thương lành chưa lâu, chân Pha lại liên tục bị gẫy thêm nhiều lần nữa. Gia đình phải đưa Pha lên bệnh viện tuyến trên và đau đớn nhận tin Pha bị bệnh “xương thủy tinh”. Từ một đứa trẻ hồn nhiên, vui vẻ, Pha phải gắn mình với giường bệnh. Với mong ước được đi học như các bạn, Pha được mẹ cõng đến trường, tuy nhiên mới qua một học kỳ của lớp 1, Pha lại thêm vài lần gãy chân dù chỉ là va chạm nhỏ, đành bỏ học giữa chừng. Ở nhà Pha mang giấy bút ra viết, rồi học cách cộng trừ. Từng được đào tạo qua lớp sư phạm ngắn ngày nên thấy con ham học, mẹ Pha đã mua sách về dạy con. Với sự thông minh, Pha đã học xong chương trình lớp 5 qua sự dạy dỗ của mẹ. Pha được nhà trường kiểm tra và chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học và được vào học tại Trường THCS Nam Dương. Tuy nhiên, thời gian này chính là quãng đời nghị lực nhất Pha phải vượt qua khi luôn phải gồng mình lên để bỏ qua mặc cảm, đến trường học tập. Với ngoại hình chỉ như trẻ lên 5, hàng ngày, trên chiếc xe cút kít 3 bánh của trẻ em được buộc vào xe đạp của người anh họ, Pha đến trường trong sự ngạc nhiên, trêu trọc của bạn bè. Có hôm, chiếc xe cút kít của Pha còn bị bạn nghịch cắt nát cả lốp, hay việc các bạn cố tình xô đẩy va vào người... Mặc cảm về hình thể, Pha còn phải cố gắng gấp hai, gấp ba lần bạn bè trong học tập. Các thầy cô giáo tạo mọi điều kiện giúp đỡ như bố trí lớp học của Pha ở tầng 1 để Pha bớt khó khăn trong việc di chuyển, dành thời gian để bồi dưỡng thêm... Vì vậy, trong suốt những năm học THCS, Pha đều là học sinh có học lực khá, giỏi. Pha thi đỗ vào Trường THPT Nam Trực và được tuyển vào lớp chọn. Tại đây, một lần nữa Pha nhận được tình cảm yêu thương của các thầy cô giáo và bạn bè. Ngoài tạo điều kiện tốt nhất cho Pha học tập trên lớp, các thầy cô còn dạy thêm miễn phí tại nhà cho em. Sau khi tốt nghiệp, Pha thi đỗ vào khoa Tin học hệ cao đẳng, Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội theo đúng nguyện vọng. Pha trọ học ngay tại ký túc xá của trường, quãng đường di chuyển chỉ 500m nhưng lớp học tận trên tầng 7 nên Pha phải tự lần từng bậc bò lên. Có những hôm thực hành Pha còn phải di chuyển giữa 2 khu học nên khá vất vả. Năm 2009, Pha đi thực tập tại Phòng Tin học Ban thanh tra Chính phủ, thấy anh cần cù chịu khó, có năng lực, ông Huế, cán bộ Ban thanh tra đã tặng anh 10 triệu đồng để cùng gia đình mua chiếc xe máy 3 bánh. Thân hình “nhỏ bé” là cản trở rất lớn để anh xin việc sau khi ra trường, anh đành làm thuê cho mấy cửa hàng sửa chữa máy vi tính ở Hà Nội với mong muốn tích cóp ít vốn về quê mở cửa hàng. Nhưng đồng lương cũng chỉ đủ nuôi sống bản thân. Năm 2011, theo lời động viên, giúp đỡ của bố mẹ, anh về quê mở cửa hàng chuyên sửa chữa, cung cấp các giải pháp công nghệ, máy vi tính và camera giám sát. Với phương châm “Lấy chữ tín làm đầu”, anh đã cần mẫn sửa chữa cẩn thận với giá ưu đãi, đặc biệt là cài đặt phần mềm ứng dụng nhanh và rẻ cho khách. Năm 2012 là năm đáng nhớ nhất của Pha khi anh tìm được “một nửa” của mình. Nhớ về ngày hạnh phúc đó, anh chia sẻ: “Đúng ngày khai trương cửa hàng, cô ấy xuất hiện. Lý đi bán hàng rong ngang qua cửa hàng tôi. Nụ cười hiền, ánh mắt biết nói đã “hớp hồn” tôi, tôi chủ động xin số điện thoại để làm quen. Chị Mai Thị Lý quê ở xã Nam Hùng, hơn anh 4 tuổi như thấu hiểu và đồng cảm với hoàn cảnh của anh, đã đồng ý cùng anh xây dựng gia đình hạnh phúc. Điều khiến Pha bất ngờ về người vợ chịu khó, tảo tần của mình là tinh thần ham học hỏi. Từ người phụ nữ chân quê, chưa từng tiếp xúc với công nghệ, kể cả điện thoại thông minh, nhưng từ sự hướng dẫn của Pha, chị đã nhanh chóng tiếp cận, học hỏi, từ sửa chữa đơn giản, chỉ sau một năm chị đã biết lắp đặt hoàn thiện một chiếc máy vi tính từ các linh kiện tháo dời. Chị còn phụ giúp anh trong việc quản lý, giao dịch với khách hàng. Với lượng công việc nhiều, vợ chồng anh Pha thuê thêm 2 thợ lắp đặt, sửa chữa với mức lương 200-300 nghìn đồng/ngày. Hiện tại, vợ chồng anh đã có một cơ ngơi khang trang và 2 cậu con trai đáng yêu.
Nghị lực của Bùi Minh Pha đã tạo được nguồn năng lượng sống tích cực cho cộng đồng. Năm 2018, anh vinh dự là khách mời của chương trình “Hôm nay ai đến” của Đài truyền hình Việt Nam, góp phần thắp lên ngọn lửa của ý chí, niềm tin vào cuộc sống cho những hoàn cảnh không may mắn trên mọi miền đất nước./.
Bài và ảnh: Hồng Minh