Chơi cá cảnh ngày càng phổ biến trong cộng đồng, phát triển khá đa dạng với nhiều hình thức như nuôi cá trong các tiểu cảnh hồ non bộ, bể thủy sinh… Ông Lương Ngọc Long, ở số 1, đường Hàn Thuyên (thành phố Nam Định) đã có kinh nghiệm hơn 30 năm nuôi dưỡng, chăm sóc và kinh doanh cá cảnh. Ông Long cho biết: Người chơi hiện nay đã biến niềm đam mê cá cảnh trở thành một “bộ môn nghệ thuật” mới, mỗi bể cá là một tác phẩm được đầu tư công phu, chăm sóc tỉ mỉ. Tương tự như các loại hình sinh vật cảnh khác, cá cảnh cũng đa dạng chủng loại từ những loại bình dân như: Cá vàng, cá bảy màu, cá kiếm, mây chiều, chép vẩy rồng, hồng kép, thần tiên cho đến những loại cá cao cấp như: Kim cương, hoàng bảo yến, hồng vịt, la hán hay cá rồng… Người chơi cá dễ dàng lựa chọn những loại cá theo sở thích, đồng thời tự thiết kế trang trí bể cá thêm phần sinh động như: Hòn non bộ, cây thủy sinh và rất nhiều các loại bể, bình kích thước khác nhau phù hợp với không gian trong mỗi ngôi nhà. Với giá trung bình từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng mỗi bể với đầy đủ dụng cụ đi kèm như: Bộ thổi oxy, bộ hút chất thải, đồ trang trí dưới nước, bóng đèn… Anh Lê Tùng, ở đường Hùng Vương là người có sở thích, đam mê chơi cá cảnh từ nhiều năm nay, cho biết: Tôi đã nuôi cá cảnh được 7 năm, hiện đang có một bể cá Đĩa có đủ các loại cá màu sắc rực rỡ với kích thước 120x50x50cm. Nhìn chung, chơi cá cảnh vốn không cầu kỳ nhưng cũng phải chăm sóc thường xuyên, nhất là chú trọng tới nước, thức ăn và thường xuyên quan sát thăm bệnh cho cá. Với loại cá Đĩa, có thể 1 tháng mới phải thay nước một lần nếu có hệ thống lọc nước tốt. Bên cạnh các bể cá cảnh bằng kính thường thấy thì hiện nay một nhóm người chơi quay trở lại thú chơi cá cổ truyền với hồ cá và hòn non bộ với các giống cá lớn như cá chép Koi của Nhật Bản, cá chép lửa, cá vàng lớn… Hồ cá có thể kết hợp với các cây thủy sinh lớn như sen, súng, thủy trúc cùng các hòn non bộ hình dáng đặc sắc. Mỗi một hồ cá với hòn non bộ được người chơi kiến tạo như một tác phẩm nghệ thuật, thậm chí chơi cá với hòn non bộ kết hợp với trồng và gắn cây bonsai quý hiếm trên non bộ tạo cảnh quan kỳ thú.
Anh Phạm Công Hoàng (bên phải), ở phố Hàng Tiện (thành phố Nam Định) hướng dẫn khách hàng cách chăm sóc bể thủy sinh. |
Phong trào chơi thủy sinh phát triển mạnh với việc Hội Thủy sinh và cá cảnh Nam Định được thành lập từ năm 2015, thu hút hơn 300 người tham gia. Anh Phạm Công Hoàng, người khởi xướng thành lập Hội và đã có 15 năm gắn bó với phong trào chơi thủy sinh cho biết: chơi thủy sinh có một nét độc đáo, đó là mỗi người chơi được thỏa sức sáng tạo, tạo nên tác phẩm riêng, thể hiện ý tưởng, phong cách cá nhân. Nhưng các tác phẩm thủy sinh có một điểm chung là phải mang đậm nét tự nhiên, có điểm nhấn, trọng tâm theo “tỷ lệ vàng” nhằm tạo cảm giác đúng như phong cảnh ngoài tự nhiên. Một hồ thủy sinh cơ bản gồm “phần cứng” (bể kính, đèn điện có độ quang phổ lớn để cây quang hợp, nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ nước, đèn sưởi và quạt để điều chỉnh nhiệt độ nước trong khoảng 22-24oC, máy lọc nước, bình ôxy; đối với một số loại cây thủy sinh còn cần đến bình CO2) và “phần mềm” dùng để trang trí như: Đá, gỗ lũa, cây thủy sinh và một số loại tép, cá nhỏ không gây hại cho cây thủy sinh... Trên cơ sở “phần mềm” này, người chơi có thể thỏa sức sáng tạo để trang trí bể thủy sinh theo ý tưởng của mình. Có người chơi theo phong cách toàn rong rêu, cỏ cây hoa lá; có người thích tô điểm thêm khúc gỗ lũa hoặc cả những phiến đá để không gian bể thủy sinh là một phong cảnh “cỏ cây chen lá, đá chen hoa”... Tuy nhiên vẫn có những phong cách phổ biến như Iwagumi (Nhật Bản), phong cách Trung Quốc, sinh cảnh, rừng rậm, cảnh thiên nhiên... Mỗi thể loại đều có ưu điểm riêng, trang trí theo 4 dạng cơ bản: Cầu lõm, cầu lồi, tam giác, 2 bên. Nhưng theo giới chơi môn nghệ thuật này, không phải cứ sắm đủ các món “đồ chơi” cần thiết và thiết lập bể thủy sinh hợp lý là có thể yên tâm thưởng thức tác phẩm. Phần lớn người mới chơi thủy sinh thời gian đầu vì chưa có kinh nghiệm chăm sóc dẫn đến cây cỏ trong bể không phát triển như ý muốn, lụi dần. Thủy sinh là một thú chơi đòi hỏi nhiều công phu và kỹ thuật. Người chơi cần hiểu biết về đối tượng chơi, thay nước đúng chu kỳ, giữ nhiệt độ ổn định, điều tiết thời lượng chiếu sáng “đèn mặt trời”, lượng khí CO2 và O2, dinh dưỡng và khoáng chất thích hợp để cây có điều kiện phát triển tốt nhất, thời tiết nắng nóng phải dùng quạt để làm mát nước; tối ưu nhất sử dụng hệ thống điều hòa nước. Đặc biệt, khi thay nước, cần phải giữ lại 50% lượng nước cũ trong hồ hòa với nước mới để tránh cho sinh vật nuôi trong hồ bị sốc nước do chênh lệch độ pH... Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại cây để nuôi trong hồ thủy sinh như: Dương xỉ, rêu, trân châu, cỏ đậu nành, phượng vĩ đài, đàn thảo, cỏ lá tròn, cỏ đăng tâm, rong cúc, thanh hồng điệp... Các loại cá dễ nuôi như ong tiên, tép đỏ, hồng nhung, rambo, nô tì... Có thể nói, tác phẩm thủy sinh ngoài tính thẩm mỹ và tạo không gian để người chơi thỏa sức sáng tạo, thú chơi tao nhã này cũng gần gũi với thiên nhiên và thân thiện với môi trường, đặc biệt phù hợp với người dân thành phố sống trong không gian đô thị chật hẹp cần tìm những cảnh sắc thiên nhiên yên bình, những phong cảnh đẹp để cân bằng cảm xúc thời gian làm việc căng thẳng trong môi trường đô thị ngột ngạt, gò bó chật hẹp./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh