Tháng Mười, nắng hanh hao vàng như rót mật trên vùng đất Bãi Quỹ rộng mênh mông của xã Thành Lợi (Vụ Bản). Xen giữa bát ngát màu xanh óng biếc của bãi ngô, vườn nhãn, vùng trồng quất dược liệu, vùng trồng cỏ Nhật… là những cánh đồng măng tây trải dài ngút tầm mắt. Từng đợt gió đông bắc lồng lộng thổi mang theo hương thơm ngòn ngọt của những mầm măng tươi rói vừa được nhổ lên khỏi mặt đất phù sa.
Ông Vũ Văn Quân thu hoạch măng tây. |
Gặp ông Vũ Văn Quân, xã Nghĩa An (Nam Trực), người đưa giống măng tây về gieo trồng thử nghiệm, chúng tôi được nghe về cơ duyên đưa ông đến với loại cây được mệnh danh là rau “vua” này. Quê ông cách vùng Bãi Quỹ xã Thành Lợi một con đê. Sau khi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm bạn bè ở Hải Dương, Thái Bình và tham khảo kiến thức, kỹ thuật trên mạng internet, nhận thấy thổ nhưỡng vùng Bãi Quỹ phù hợp với cây măng tây, ông mạnh dạn thuê đất trồng thử nghiệm. Trên diện tích đất rộng 2ha, từ tháng 2-2020, ông bắt tay vào cày bừa, cải tạo đất, gieo hạt giống. Cùng với rắc vôi bột khử độ chua, ông mua 200 tấn bã thuốc bắc của Công ty Nam Dược về bón cho đất và đầu tư 40 triệu đồng làm hệ thống tưới tiêu để thuận lợi cho quá trình chăm sóc. Sau 8 tháng cần mẫn vun xới, cánh đồng măng tây của gia đình ông bắt đầu thu bói lứa đầu tiên đạt khoảng 1,5kg/sào. Ông Quân cho biết: “Cây măng tây là loại rau sạch nên gia đình tôi trong suốt quá trình gieo trồng luôn tuân thủ không phun thuốc diệt cỏ, chỉ dùng thuốc sinh học để diệt sâu bệnh”. Đặc biệt, khi thu hoạch mầm măng tây phải đảm bảo thời gian từ 5 đến 7 giờ sáng, vì khi có ánh nắng mặt trời, chất dinh dưỡng và độ ngọt đều giảm. Trong lúc người tiêu dùng đang lo ngại về thực phẩm không an toàn, nhất là tồn dư chất bảo quản thực vật, cây măng tây sạch với độ giòn ngọt, hàm lượng dinh dưỡng cao hứa hẹn thị trường tiêu thụ khá tiềm năng. Thêm vào đó, trồng cây măng tây không quá khó về mặt kỹ thuật. Đối với bệnh nứt cây, vàng lá, ông dùng thuốc Can xi - Bo mua của Công ty Thịnh Vượng. Ngoài ra, ông dùng thêm Nano Silic để tăng sức đề kháng, trị bệnh nấm cho cây. Theo tính toán của ông, sau một năm trồng, cây măng tây sẽ cho thu hoạch ổn định, trung bình một ngày đạt từ 50-60kg/ha. Ngoài 2 tháng cây “ngủ đông” lúc thời tiết lạnh và 2 tháng mùa hè trời nắng nóng, cây sinh trưởng chậm, búp măng không mập, cây măng tây có thể cho thu hoạch suốt 8 tháng trong năm. Sau khi trừ chi phí, 2ha măng tây sẽ thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Hiện tại, sản phẩm măng tây ông đang bán ở thành phố Nam Định và một số siêu thị tại Hà Nội với giá 50 nghìn đồng/kg đối với hàng xô và 80 nghìn đồng/kg đối với măng loại 1. Ông Quân đang ấp ủ dự định trong thời gian tới sẽ thành lập hợp tác xã, liên kết các hộ nông dân cùng sản xuất các sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao.
Liền kề với cánh đồng nhà ông Quân, trên ruộng măng tây cao ngang ngực, bà Phạm Thị Nghĩa cũng là người dân xã Nghĩa An đang tỉa bớt những cây nhỏ quanh gốc, tạo độ thoáng cho mầm măng bật lên. Gia đình bà gieo trồng gần 1ha măng tây bắt đầu từ tháng 2-2020 bằng nguồn hạt giống chất lượng mua của Viện Giống cây trồng Trung ương, đến nay bắt đầu cho thu hoạch. Trước khi trồng thử nghiệm, bà cất công đi xuống các xã Đồng Côi (Nam Trực), Giao Lạc (Giao Thủy) học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tự nghiên cứu, tìm hiểu thêm trên mạng. Bà Nghĩa cho biết: “Đầu tư ban đầu cho mỗi sào măng tây gồm tiền giống, vật liệu làm giàn, phân bón hết khoảng 35-40 triệu đồng, tuy nhiên mỗi chu kỳ thu hoạch kéo dài từ 15-20 năm không phải trồng lại nên tính ra rất hiệu quả”. Cây măng tây dễ trồng, chủ yếu dùng phân hữu cơ và các chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học để chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Mầm măng lại có giá trị dinh dưỡng cao với nhiều loại vitamin, axit amin, các loại khoáng chất, sắt giúp bổ máu, canxi giúp chắc xương, kẽm, chất xơ, chất đạm…, rất có lợi cho sức khỏe; đặc biệt là giảm nguy cơ ung thư, bảo vệ tim mạch, có lợi cho đường ruột, giúp đẹp da nên được thị trường đặc biệt ưa chuộng. Sau gần 1 năm gieo trồng, nhờ nắm chắc được kỹ thuật, hiểu đặc tính của loại cây này, đến nay gia đình bà đã bước đầu thành công. Ruộng măng sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu hái những búp măng to, mập, đạt chất lượng cao. Nguồn cung hiện nay vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng với thị trường chủ yếu là các tỉnh, thành phố lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội...
Đi giữa những cánh đồng măng tây xanh mướt trong một sáng mùa đông ngập nắng, chạm tay vào những cành lá mềm như lụa, bắt gặp nụ cười rạng rỡ của những người nông dân trong mùa thu hoạch, chợt thấy lòng reo vui khúc ca đồng bãi. Tin rằng, với hiệu quả kinh tế và đầu ra ổn định, cây măng tây sẽ tiếp tục được mở rộng diện tích, trở thành cây làm giàu, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân nơi đây./.
Bài và ảnh: Lam Hồng