Về xã Hải Phong (Hải Hậu) những ngày này, chúng tôi có cảm giác “choáng ngợp” trước những vườn dong riềng xanh tốt, ngợp lá trải dài tít tắp. Không có người trồng dong riềng nào ở Hải Phong nói chính xác cây dong được trồng trên mảnh đất này từ khi nào. Chỉ biết, ban đầu cây được trồng với mục đích “cứu đói” cho dân làng vào những ngày giáp hạt và làm thức ăn cho vật nuôi trong nhà. Vài chục năm trở lại đây, khi có những thương lái tới hỏi mua củ để chế biến thành miến dong, người trồng dong riềng ở Hải Phong đã mở rộng diện tích trồng loại cây này do được giá.
Bà Vũ Thị Kền, xóm 3, xã Hải Phong (Hải Hậu) chăm sóc vườn dong riềng. |
Sinh năm 1950, năm nay đã 70 tuổi, bà Vũ Thị Kền, xóm 3, xã Hải Phong chia sẻ, từ khi còn nhỏ đã thấy vườn nhà trồng đầy dong riềng. “Những năm đói kém, củ dong riềng trở thành thức ăn cứu đói cho cả làng. Bố mẹ tôi còn dùng củ dong để nuôi lợn, trâu, bò... Vào mùa dong, thích nhất là được ngắm vườn nhà rực lên trong màu xanh khỏe mạnh của lá, màu đỏ tươi của hoa dong bung nở”. Cả đời gắn bó với cây dong, theo bà, dong riềng là loại cây dễ trồng nhất trên đời. Tháng giêng, khi mưa xuân làm ẩm mềm những chân đất, cũng là lúc bà Kền bắt đầu một mùa dong mới. “Cây dong riềng có thể trồng quanh năm trừ những tháng quá nóng hoặc quá rét. Tuy nhiên, thời vụ thích hợp nhất vẫn là trồng vào mùa xuân trong khoảng từ tháng giêng đến tháng 5 dương lịch”, bà Kền cho biết. Để xuống giống, các hộ trồng dong phải chuẩn bị khá nhiều công đoạn. Trước hết là khâu chọn giống và làm đất. Đối với củ giống, bà cẩn thận lựa những củ có nhiều mầm phát triển tốt, củ đồng đều, đúng giống, không bị trầy xước và sạch bệnh. Trồng cây dong riềng lâu năm, bà Kền còn chia sẻ những “bí quyết” riêng khi chọn và xử lý củ giống: “Sau khi thu hoạch, củ dong riềng có thể mang trồng ngay mà không cần phải xử lý bằng nhiệt độ hay hóa chất như một số cây trồng khác. Tuy nhiên, để hạn chế sâu bệnh, kích thích sự sinh trưởng của củ giống, tôi dùng thêm vôi bột hoặc tro bếp chấm vào vị trí bẻ mầm trước khi trồng 2-3 ngày. Điều này giúp củ giống nhanh liền sẹo, tránh bị nhiễm bệnh hoặc thối củ khi gặp thời tiết bất thuận”. Chọn giống xong, bà bắt tay vào làm đất. Là giống cây có thể trồng trên nhiều chất đất như: đất đồi núi, đất vườn nhà, đất bạc màu, đất mặn… nhưng để dong riềng cho nhiều củ và chất lượng bột tốt, bà Kền “lựa” những nơi đất xốp và nhiều mùn để trồng. Do dong riềng phát triển củ theo chiều ngang, rễ ăn sâu nên khi cày làm đất, bà còn chú ý đến việc cày bừa đạt độ sâu phù hợp. Đất làm xong, bà lên luống với kích thước, chiều rộng từ 1,4-2m; cao 15-20cm và rãnh rạch ngang luống sâu khoảng 15cm. Để cung cấp dưỡng chất cho cây, bà Kền tiến hành bón lót bằng phân chuồng hoặc phân lân. Sau khi bón lót, bà cẩn thận lấp một lớp đất mỏng phía trên rồi mới đặt củ giống, tránh củ tiếp xúc trực tiếp với phân gây “xót” củ. Bà Kền trồng dong riềng với mật độ, củ cách củ 40-45cm; hàng cách hàng 45-50cm, xoay mầm củ hướng lên trên. Sau khi đã trồng xong, bà bón lót đợt 2 bằng đạm và kali. Củ trồng xong, bà dùng cuốc phủ một lớp đất dày từ 5-8cm lên mặt củ, phủ rơm rạ lên trên mặt luống để giữ ẩm. Do đất vẫn còn ẩm nên bà không cần tưới ngay sau khi trồng. Sau khoảng 10-15 ngày, cây mọc lên khỏi mặt đất, nếu cây nào chưa mọc, lúc này bà Kền mới tiến hành tưới ẩm cho củ. Là giống cây dễ trồng, dong riềng hầu như không bị bất cứ sâu bệnh nào gây hại, nếu có mức độ gây hại gần như không ảnh hưởng đến năng suất củ. Tuy nhiên, giai đoạn cây nhỏ, có thể bị sâu xanh, sâu khoang hoặc bọ nẹt hại. Sau khi trồng khoảng 6 tháng, cây cũng có thể gặp các vấn đề về khô lá. Với các loại sâu hại, bà Kền ra vườn dùng tay bắt trực tiếp, hầu như không sử dụng thuốc trừ sâu. Chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và do cây có sức đề kháng tốt, hàng năm trên 1 sào dong của bà Kền cho năng suất gần 4 tấn củ tươi. Với giá bán 1.500 đồng/kg củ tươi, mỗi năm từ vườn dong bà thu về trên dưới 5 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. “Ưu thế lớn nhất của trồng dong riềng ngoài giá trị kinh tế còn là cây không tốn nhiều công chăm sóc, giống thì có sẵn từ mùa trước để lại. Hơn nữa, cây cho sản lượng củ rất ổn định, bao nhiêu năm trồng dong, tôi chưa khi nào thấy cây bị mất mùa”, bà Kền khẳng định. Trên cùng một diện tích trồng cây dong riềng bà cũng như nhiều nông dân xã Hải Phong còn tận dụng để xen canh trồng thêm ngô. Sau khi trồng khoảng 6 tháng, khi cây dong riềng đã đạt độ cao nhất định, cần phải tập trung chất dinh dưỡng để nuôi cây thì cũng là thời điểm bà Kền thu hoạch ngô. Năm ngoái, từ vườn dong riềng, bà thu được gần 1 tạ ngô khô. Vào mùa dong, bà Kền còn tận dụng bã dong riềng sau khi lấy tinh bột để làm thức ăn cho trâu, bò, lợn. Từ hiệu quả kinh tế của cây dong riềng, nhiều hộ gia đình trong xóm, trong xã Hải Phong đã tập trung trồng loại cây này. Hầu như các xóm đều có các hộ trồng, trong đó một số hộ trồng nhiều như anh Toán, anh Trọng với diện tích từ 3-4 sào. Cây dong riềng được người dân tận dụng trồng ở khắp mọi nơi trong vườn, đầu ngõ cho đến bờ ao, ngoài đồng bãi…
Còn khoảng nửa tháng nữa thì mùa dong riềng ở Hải Phong mới vào thời kỳ chính vụ nhưng thời điểm này đã lác đác có vài ba hộ bắt đầu thu hoạch dong. Cách đây 5 ngày, bà Kền cũng đã đào thử vài bụi và khẳng định, năm nay tiếp tục được mùa dong. Hiện tại, vườn dong của bà đã có thương lái đặt mua. Cũng như nhiều người trồng dong riềng khác trong xã, bà Kền không phải lo lắng nhiều về “đầu ra” của củ dong. Hiện nay, theo khảo sát của chúng tôi, nhu cầu mua dong riềng làm nguyên liệu sản xuất miến dong rất lớn, vì thế thị trường tương đối rộng mở. Từ Hải Phong, củ dong riềng của nông dân theo thương lái đến với nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc và miền Trung. Anh Nguyễn Thái An, chủ một cơ sở sản xuất miến dong lớn ở tỉnh Thái Bình cho biết: “Cơ sở sản xuất miến dong của tôi có quy mô khá lớn, mỗi ngày có thể sản xuất vài tạ miến dong và miến gạo. Vì vậy, nhu cầu nguyên liệu lúc nào cũng cần. Tôi là khách quen của nhiều nhà vườn trồng dong riềng trong xã Hải Phong nói riêng, huyện Hải Hậu nói chung. Năm nào vào mùa dong tôi cũng đến đặt hàng bởi củ dong riềng của bà con nông dân ở đây cho chất lượng rất tốt. Củ dong chắc và dẻo, khi luộc lên có mùi thơm ngọt, dễ chịu, phù hợp với tiêu chuẩn làm miến dong của tôi. Như những bà con nông dân trồng cấy, tôi cũng chờ đợi mùa dong”.
Mùa thu hoạch dong riềng ở Hải Phong sẽ kéo dài trong khoảng 1 tháng. Sau mùa, đất sẽ được “nghỉ ngơi” trong hơn 1 tháng chờ mùa vụ mới. Từ cây dong riềng, nhiều hộ dân trong xã đã thoát nghèo, mua sắm được trang thiết bị đắt tiền phục vụ sinh hoạt, nhiều người trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Có lẽ vì thế mà không chỉ ở Hải Phong, cây dong riềng đang dần được nhân rộng và phủ xanh những diện tích đất kém hiệu quả ở nhiều vùng quê khác nữa./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân