Đi trong lòng xã Yên Trị (Ý Yên) chúng tôi tận mắt chứng kiến tình trạng khói bụi bay tỏa mù mịt từ hoạt động sản xuất của các cơ sở, doanh nghiệp KCN Khánh Phú (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đối diện bờ bên kia sông Đáy. Thời tiết hanh nóng, bụi cuốn nhanh theo gió liên tiếp phả vào người, vào mặt khiến chúng tôi ngay lập tức cảm thấy khó thở. Chỉ sau ít phút, thiết bị, máy móc tác nghiệp, quần áo, đầu tóc của phóng viên phủ bụi trắng, đen lẫn lộn. Các loại âm thanh phát ra từ tiếng tàu ngang sông, tiếng máy nổ, xe cẩu, xe trung chuyển, gầu múc nguyên vật liệu sản xuất ầm ầm bên tai càng gia tăng mệt mỏi, khó chịu... Đồng chí Trần Văn Trương, Bí thư Chi bộ thôn Ngọc Chấn, xã Yên Trị cho biết, hơn 200 hộ dân của thôn Ngọc Chấn xã Yên Trị đã phải chung sống với tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi suốt cả ngày lẫn đêm kể từ năm 2000 đến giờ.
Cán bộ thôn Ngọc Chấn, xã Yên Trị thông tin về tình trạng sạt lở đê bối sông Đáy từ khi các doanh nghiệp ở ven sông phía tỉnh Ninh Bình đi vào hoạt động. |
Nguyên nhân của tình trạng trên là do xã Yên Trị nằm sát mép sông Đáy đối diện với KCN Khánh Phú (Ninh Bình). Hàng ngày, lượng tàu ra vào lấy hàng, xe vận chuyển than, clinker ra các cầu cảng ở KCN này rất lớn; nhất là ban đêm nên tiếng ồn lớn, gây ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt, ngủ nghỉ của người dân. Tính riêng về ô nhiễm bụi, các núi than, clinker dọc ở cảng của KCN Khánh Phú không được che bạt chống bụi; mỗi khi các xe tải lên cầu đổ trực tiếp than hoặc clinker xuống tàu thì bụi tung lên mù mịt, theo gió qua sông cuốn sang bên xã Yên Trị. Bức xúc nhất là mùa hanh khô, mọi ngóc ngách trong nhà, trong thôn, mọi khóm cây, bụi cỏ đều bị các loại bụi than, bụi xi măng, clinker từ các nhà máy bên Ninh Bình bay sang bám đặc kín. Nhiều năm nay người dân đã phải bỏ không trồng rau; suốt ngày dọn dẹp lau chùi nhà cửa mà không thể sạch. Tháng nào cũng đều có vài lần tôm, cá chết nổi trên đoạn sông Đáy qua địa phận xã, người dân phải vớt lên để tránh ô nhiễm môi trường. Đi dọc mép sông, đồng chí Bí thư thôn Ngọc Chấn còn trực tiếp chỉ cho chúng tôi những điểm đê bối bị sạt lở do việc xây dựng hệ thống cầu cảng ở KCN Khánh Phú khiến dòng chảy sông Đáy bị nắn, cộng với việc xả lũ ở thượng nguồn khiến sức nước dồn hết sang bờ sông phía xã Yên Trị. Vùng đất bãi dưới bờ đê ven sông đã gần như không còn khiến người dân thôn Ngọc Chấn không thể trồng hoa màu như trước nữa. Theo lãnh đạo xã Yên Trị, các bất cập kể trên, nhất là tình trạng sạt lở, nếu tiếp tục phát sinh sẽ ảnh hưởng tới 3.500 hộ với hơn 10 nghìn dân của xã. Để chủ động phòng chống thiên tai, úng lụt chính quyền địa phương đã phải đắp thêm một con đê ở phía trong (cách đê bối khoảng 50-70m) và kiên cố mặt đê. Người dân thôn Ngọc Chấn đã vài lần cử đại diện sang đối thoại về trách nhiệm, phương án nhưng sau đàm phán các doanh nghiệp sản xuất ven bờ sông Đáy cũng không có động thái gì để tránh giảm, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường. Về phía xã Yên Trị cũng đã nhiều lần báo cáo chính quyền cấp trên có biện pháp khắc phục tác động tiêu cực của tình trạng bị nắn dòng chảy sông Đáy và phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Ninh Bình xử lý, cải thiện tình trạng khói bụi phát sinh từ bến cảng, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ven sông làm giảm chất lượng không khí, sức khỏe của nhân dân Yên Trị. Sớm kiểm tra và có biện pháp gia cố các vị trí sạt lở của bãi, bờ sông Đáy để bảo vệ tính mạng của nhân dân xã Yên Trị, động viên các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã Yên Trị yên tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết công ăn, việc làm cho người lao động địa phương.
Tiếp thu ý kiến cử tri lãnh đạo huyện Ý Yên cũng đã nhiều lần xuống xã Yên Trị kiểm tra và cũng nhận thấy tình trạng bụi phát tán từ KCN Khánh Phú (Ninh Bình) bay sang. Đối với tình trạng sạt lở tại thôn Ngọc Chấn, bình quân mỗi năm sạt lở bờ từ 5-6m vì vậy về lâu dài thì tuyến đê bối sẽ mất và ảnh hưởng đến an toàn cho người dân. Theo đồng chí Nguyễn Tuấn Song, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện: Thực trạng này, báo chí truyền thông cũng đã phản ánh; huyện cũng đã có báo cáo lên UBND tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, qua các báo cáo từ phía tỉnh Ninh Bình thì KCN Khánh Phú xây dựng và hoạt động theo quy định của pháp luật, tỉnh cũng đã xử phạt và nhắc nhở những hành vi vi phạm về môi trường. Như vậy để đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo an toàn môi trường sức khỏe cho các hộ dân tại xã Yên Trị, Sở Tài nguyên và Môi trường cần có ý kiến với Tổng cục Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN và MT); đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh quan tâm, có ý kiến với các bộ, ban, ngành của Trung ương làm rõ tình trạng ô nhiễm, gây sạt lở đê bối từ hoạt động sản xuất của các nhà máy của tỉnh Ninh Bình để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và bụi phát tán từ nhà máy phân đạm, nhà máy kính của Ninh Bình. Đối với tình trạng sạt lở tại thôn Ngọc Chấn, huyện đã báo cáo tỉnh làm việc với phía Ninh Bình để chấn chỉnh hoạt động có thể tạo xói lở bờ sông Đáy của KCN Khánh Phú. Về lâu dài, huyện cũng đã đề xuất tỉnh kiến nghị với Trung ương bố trí xây dựng kiên cố mặt đê bối sông Đáy phía trong để đảm bảo tránh gây xói lở, nhất là vào mùa mưa lũ./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy