Nghề mài dao kéo dạo

08:10, 30/10/2020

Giữa phố xá tấp nập, đôi khi vẫn nghe vang lên âm thanh quen thuộc: “Ai mài dao, mài kéo đi”. Trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều loại máy mài dao, kéo nhưng chưa có loại máy nào thay thế hoàn toàn được đôi bàn tay khéo léo của con người. Những chiếc dao, kéo qua bàn tay của người thợ mài trở nên sắc bén, làm hài lòng các bà nội trợ, tiểu thương... 

Ông Trần Văn Chiến làm nghề mài dao, kéo dạo tại chợ Đò Quan (thành phố Nam Định).
Ông Trần Văn Chiến làm nghề mài dao, kéo dạo tại chợ Đò Quan (thành phố Nam Định).

Quanh các chợ lớn, chợ nhỏ trên địa bàn tỉnh, hầu như nơi nào cũng có người mài dao kéo dạo. Ở một góc chợ trên địa bàn phường Mỹ Xá (thành phố Nam Định), ông Nguyễn Văn Quỳnh đang miệt mài mài những chiếc dao, kéo cho các chị hàng cá, hàng thịt... Phải mất nhiều thời gian làm nghề, học hỏi và sáng tạo, ông Quỳnh mới sắm cho mình bộ đồ nghề ưng ý. Sinh ra trong một gia đình có nghề làm lò rèn nên ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, lại thêm bản tính cẩn thận, ông cần mẫn mài dũa từng cái kéo, cây dao để đảm bảo độ sắc bén, nên tạo được sự tin tưởng nơi khách hàng, có nhiều “mối” gắn bó hàng chục năm nay. Phương tiện và đồ nghề của ông Quỳnh là chiếc xe máy cũ gắn cái loa nhỏ để rao, cùng lỉnh kỉnh máy mài, đá mài, búa, xô đựng nước nhỏ... Mài một con dao, ông Quỳnh lấy tiền công từ 5.000-7.000 đồng, mài kéo thì 10 nghìn đồng/chiếc. Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm nghề, ông Quỳnh cho biết, làm cho cây dao, chiếc kéo sắc bén tưởng chừng đơn giản nhưng nghề nào cũng phải đòi hỏi công phu, kinh nghiệm, nhìn đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Việc mài dao kéo thủ công không phải bằng máy móc hiện đại nên đòi hỏi phải mài dũa tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Những con dao mua ở siêu thị, cửa hàng được làm công nghiệp nên rất cứng, phải mài bằng máy, còn dao mua ở các lò rèn thì chỉ cần mài bằng đá mài. Mỗi chiếc dao lại phù hợp với từng loại đá mài khác nhau. Dao mỏng lưỡi khác dao dày lưỡi, dao đã dùng lâu ngày hay dao mới mua vài ba tháng... cần lực mài khác nhau sao cho phù hợp. Có nhiều loại đá mài khác nhau: viên đá mài lớn để mài thô, viên đá mài nhỏ để mài mịn và những viên đá để mài cho dao, kéo lên màu, một chiếc máy mài để dùng khi dao, kéo bị mẻ... Trung bình mỗi con dao ông chỉ mài chục phút, nhưng đôi khi gặp con dao to, hóc búa, máy mài không sử dụng được thì ông đành mài tay. Cánh tay ông chằng chịt đường gân, màu da nâu vì dầm sương gió đều đặn với từng đường mài. 10 phút, rồi 15 phút trôi qua, mỗi con dao, cái kéo được mài sắc bén. Mỗi khi dao, kéo được mài xong, ông Quỳnh lại dùng những ngón tay của mình quẹt nhanh trên lưỡi dao để kiểm tra độ sắc bén. Ông chia sẻ: Người bán hàng thịt, cá, thợ may... vài ba ngày phải mài lại dao, kéo, người dùng bình thường trong gia đình, nếu gặp người mài kỹ, phải 5, 6 tháng mới cần mài lại. Ông Quỳnh tâm sự thêm: “Làm nghề gì cũng vậy, chữ tín luôn phải đặt lên hàng đầu. Tôi luôn lưu ý phải giao hàng cho đúng người, nhầm người là phải bồi thường cho khách hàng và mất uy tín”. Khi được hỏi về sự vất vả của nghề, ông chỉ cười. Với ông, bất cứ nghề nghiệp nào cũng có vất vả riêng nên đã chọn nghề thì tất nhiên phải chấp nhận. Trên tay ông có nhiều vết sẹo sâu, đó là vết tích của những lần gặp tai nạn nghề nghiệp. Hết phiên chợ, ông Quỳnh lại tranh thủ chằng đồ nghề lên xe, đi rong ruổi khắp các con đường. Mỗi ngày rong ruổi như thế, những người thợ mài dao, kéo như ông Quỳnh cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Ngày nắng thì được nhiều, ngày mưa thì ít khách. Dù ngày mưa hay nắng, họ vẫn cần mẫn trên chiếc xe máy cà tàng và bộ đồ nghề vì đằng sau mỗi xe mài dao ấy là cả một gia đình, là sự nhẫn nại, cố gắng vì tương lai, hạnh phúc của người thân và các con.

Cuộc sống hiện đại hôm nay tưởng như không còn chỗ cho một công việc rất đỗi lặng lẽ, bình thường - mài dao, kéo. Thời đại mà hầu hết mọi việc đều có thể làm bằng máy móc, nhưng những người làm nghề mài dao, kéo vẫn cặm cụi mài đi, chuốt lại những cái dao, chiếc kéo bằng chính đôi tay của mình, vẫn cần mẫn và miệt mài với nghề./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



thông tin giá triệt lông chi tiết

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com