Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy (Giao Thủy) là khu rừng ngập nước quan trọng của Việt Nam và quốc tế, là điểm “dừng chân” của nhiều loài chim di cư quý hiếm. Nơi đây đã trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
VQG Xuân Thủy có diện tích tự nhiên trong vùng lõi 7.100ha, trong đó có 3.100ha diện tích đất nổi có rừng, 4.000ha diện tích đất rừng ngập nước. Vùng đệm rộng 8.000ha, bao gồm diện tích tự nhiên của 5 xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải. Theo các nhà khoa học, VQG Xuân Thủy đạt “3 nhất” gồm: đa dạng sinh học cao nhất, năng suất sinh học lớn nhất, hệ sinh thái nhạy cảm nhất trong khu vực Đông Nam Á. Vùng rừng ngập mặn có khoảng 165 loài động vật nổi, 154 loài động vật đáy, 120 loài thực vật bậc cao với rất nhiều loài rong tảo có giá trị kinh tế cao, trong đó có gần 20 loài thích nghi với điều kiện sống ngập nước. Rừng ngập mặn giữ vai trò định hình hệ sinh thái, cố định phù sa tạo các cồn bãi mới, tạo nguồn năng lượng sơ cấp, làm vườn ươm và là nguồn cung cấp thức ăn dồi dào cho các loài thủy sinh, đồng thời là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài thú nước quý hiếm: mèo biển, cáo biển, rái cá… Tại đây, có hàng trăm loài bò sát, côn trùng sống lưỡng cư, tạo nên môi trường đa dạng sinh học độc đáo và vô giá. Tại VQG Xuân Thủy, các nhà nghiên cứu đã thống kê được 219 loài chim thuộc 41 họ, trong đó có 9 loài có tên trong sách đỏ quốc tế là: rẽ mỏ thìa, cò thìa, choắt mỏ thìa, mòng biển mỏ ngắn, bồ nông, choắt chân màng lớn, cò lạo Ấn Độ, choắt mỏ vàng, cò trắng Trung Quốc. Vào tháng 11, 12 hàng năm VQG Xuân Thủy là điểm dừng chân, kiếm ăn và tích lũy năng lượng cho hành trình tiếp theo của đàn chim từ phương Bắc di cư tránh rét. Lúc cao điểm, số lượng chim di trú lên tới 40 vạn con, thuộc hơn 100 loài. Đặc biệt chỉ ở VQG Xuân Thủy mới có cò thìa và choi choi mỏ thìa (có lúc cò thìa chiếm tới 20% tổng số lượng trên toàn thế giới). Với sự độc đáo đó, năm 1989, VQG Xuân Thuỷ được UNESCO công nhận là thành viên Công ước quốc tế Ramsar là công ước bảo vệ những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của những loài chim nước; trở thành điểm Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á.
Để khai thác du lịch, gắn với bảo tồn hệ sinh thái VQG Xuân Thủy, huyện Giao Thuỷ chủ trương không quy hoạch xây dựng hệ thống khách sạn, nhà nghỉ tập trung tại khu vực VQG để giảm thiểu tác động của con người đối với rừng ngập mặn và chim di trú, giữ vẻ đẹp của thiên nhiên. Huyện xây dựng bến tàu đón khách tại cống Cai Đề; hệ thống nhà sàn, chòi quan sát, bãi cắm trại du lịch làm điểm dừng chân cho du khách trên đảo Cồn Lu. Năm 2019, VQG Xuân Thủy đã khai trương Trung tâm du khách bao gồm 1 phòng chiếu phim, cung cấp thông tin cho du khách với sức chứa khoảng 100 khách, 1 phòng họp lớn với sức chứa khoảng 150 người và 1 phòng thư viện. Các phòng được trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng cùng các thiết bị điện tử hiện đại nhằm phục vụ cho việc tiếp đón, hỗ trợ du khách khi tham quan VQG, cũng như các chương trình hội nghị, tập huấn chuyên môn. Tại Trung tâm, du khách được tư vấn, hỗ trợ miễn phí thông tin, các ấn phẩm truyền thông, xem các bộ phim, hình ảnh đặc trưng, tiêu biểu về VQG Xuân Thủy. Ngoài ra, du khách có thể phản ánh những thông tin, vướng mắc phát sinh trong hành trình tham quan VQG, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời các kiến nghị. Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) - Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở các xã vùng đệm, thành lập Hợp tác xã du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân với lực lượng nòng cốt là các hộ dân địa phương. Đến với VQG Xuân Thủy, du khách di chuyển bằng thuyền máy, xuất phát tại cống Cai Đề, sau đó len lỏi theo các kênh rạch vào trong các khu rừng ngập mặn, nơi sinh sống tập trung của những đàn chim di trú, các loài động, thực vật quý hiếm. Đội ngũ hướng dẫn viên là người bản địa giới thiệu sự đa dạng, phong phú của hệ sinh thái rừng ngập mặn; các hoạt động khai thác hải sản bằng các phương tiện đánh bắt thủ công truyền thống của ngư dân địa phương. Rời khu rừng ngập mặn, du khách đi thăm khu nuôi thả ngao vạng, ngắm hàng trăm chòi canh “mọc” lên giữa biển, trò chuyện với ngư dân, nghỉ tại nhà dân, tham gia ăn uống sinh hoạt cùng gia đình. Kết thúc hành trình khám phá thiên nhiên hoang dã, du khách tham gia chuyến du khảo đồng quê. Bằng phương tiện xe đạp, du khách đi dọc theo tuyến đê biển để tìm hiểu đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư vùng đệm VQG Xuân Thủy, thăm bến cá Tiền Lang - Giao Hải vào buổi chiều với hàng trăm chiếc thuyền của ngư dân trở về; tham quan làng nghề nước mắm Sa Châu, cánh đồng muối Bạch Long... Du khách có thể đi sâu vào các làng quê để tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của cộng đồng dân cư địa phương: thăm làng nghề chế biến thủy hải sản, tham dự phiên chợ quê, chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc tôn giáo, ngôi nhà mái bổi truyền thống với những công cụ lao động thủ công đã qua nhiều thế hệ; hòa mình vào các hoạt động văn hóa làng xã trong các dịp lễ hội để tận mắt chứng kiến và tham gia các trò chơi dân gian như đấu vật, bơi chải, đi cà kheo...
Du lịch VQG Xuân Thủy đang trở thành điểm đến hấp dẫn; trung bình mỗi năm, đón tiếp gần 20 nghìn lượt khách, trong đó có 60% là khách quốc tế đến học tập, nghiên cứu./.
Hoàng Anh