Những bài học khi mới vào nghề

08:06, 19/06/2020

Năm 2005, tôi được tiếp nhận vào làm việc tại cơ quan Báo Nam Định với bao bỡ ngỡ khi các bạn cùng lứa vào cơ quan đều học chuyên ngành báo chí, ít nhiều từng có kiến thức, kinh nghiệm viết tin, bài, chụp ảnh thì tôi trái hẳn ngành nghề. Dù biết nghề báo là vất vả, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi luôn nôn nóng được khẳng định mình và suýt phải “trả giá”. 

Các nhà báo tác nghiệp tại Lễ khánh thành, thông xe cầu Thịnh Long.
Các nhà báo tác nghiệp tại Lễ khánh thành, thông xe cầu Thịnh Long.

Vào cơ quan được khoảng 2 tuần, tôi được phân công đi viết về một cựu chiến binh (CCB) tiêu biểu ở huyện Vụ Bản. Theo như giới thiệu của cơ quan Hội CCB tỉnh, nhân vật của tôi dù tuổi đã cao nhưng còn minh mẫn, hoạt bát, tích cực tham gia các phong trào của hội, địa phương nơi cư trú. Khi gặp tôi, bác rất vui vẻ, nhiệt tình kể về chuyện những ngày mới nhập ngũ, những năm tháng chiến đấu, những địa danh bác đã từng đặt chân qua, thành tích được cấp trên khen thưởng cũng như quá trình công tác ở địa phương. Tôi như cuốn vào lối nói chuyện đầy nhiệt huyết của bác, ghi chép đầy đủ và tự nhủ, với tư liệu này mình sẽ viết một bài “ra trò” để khẳng định với đồng nghiệp. Về nhà, tôi viết ngay và rất nhanh, sau đó trải qua các khâu biên tập, bài báo được đăng. Niềm vui vì mới vào nghề đã có tác phẩm đăng chưa lâu, thì sau 2 ngày lãnh đạo phòng gọi tôi đến gấp. Lúc này, tôi mới biết, bài báo kia nhận được sự phản ánh của độc giả khi số liệu về một số mốc thời gian, địa danh trận đánh, tên đồng đội mà nhân vật cung cấp bị sai. Điều đáng nói, những chi tiết kia được tôi ghi chép cẩn thận, không thể cho là bịa đặt được, còn những độc giả có ý kiến với bài viết trên lại là đồng đội cũ của bác CCB. Mặc dù thông tin không phản ánh lên Ban biên tập, chỉ để rút kinh nghiệm nội bộ phòng nhưng tôi rất lo lắng, không hiểu mình làm sai do nguyên nhân nào. Chiều hôm đó, tôi về Vụ Bản gặp bác CCB để tìm hiểu ngọn ngành. Vừa gặp, bác cười rõ tươi: “Xin lỗi cháu, bác nhớ nhầm, có lẽ do tuổi già rồi. Mấy đồng đội vừa rồi “tố” bác trưa nay hẹn đến đây giao lưu, thôi cháu ở lại đây luôn nhé”. Trưa hôm đấy, tôi có cuộc trò chuyện vui vẻ với các bác CCB, thấy họ sống chan hòa, tình nghĩa. Lý do đơn giản mà họ phản ánh lên tòa soạn bài viết của tôi, vì họ luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng những sự kiện lịch sử, địa danh, cũng như với những người đồng chí, đồng đội của họ đã bỏ lại một phần xương máu, thậm chí là tính mạng cho đất nước hòa bình hôm nay. Bài học đầu tiên vào nghề khiến tôi nhớ mãi sau này luôn rút kinh nghiệm phải đối chiếu, xác minh nguồn tư liệu, nhất là tư liệu về lịch sử... 

Nghề báo luôn đòi hỏi chính xác, nhưng cũng cần bản lĩnh của người cầm bút, nhất là khi đối mặt với các sự kiện nhạy cảm, có tính chiến đấu cao. Mặc dù đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm với các bài phản ảnh, gương “người tốt, việc tốt”, nhưng đối với các bài điều tra mặt trái xã hội thì tôi chưa “va” phải bao giờ. Tuy vậy, vào giữa năm 2007, trên đường đến cơ quan, khi đi qua phố Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) tôi thấy có đông người cao tuổi đứng xếp hàng để vào một cửa hàng dù trời khá nắng. Có người còn đánh dấu nhận chỗ bằng viên gạch. Hàng người xếp hàng rồng rắn có khi đến mấy chục mét, xe cộ ngổn ngang ảnh hưởng đến giao thông. Đi lại nhiều ngày, tò mò nên tôi cũng vào xếp hàng. Khi lên đến tầng 2, mới biết nơi này đang cho người cao tuổi, người có bệnh đến nằm giường “mát xa” miễn phí. Người đến không chỉ được nằm giường chữa bệnh mà còn được doanh nghiệp khuyến khích bằng cách đến càng nhiều sẽ được tích điểm tặng quà, nếu có giới thiệu thêm người khác thì được tặng các viên đá “chữa bệnh thần kỳ”. Lúc đầu, tôi nghĩ đây là hành động đẹp của doanh nghiệp với những người thường xuyên đau xương khớp, tim mạch, tiểu đường... Tuy nhiên, qua quan sát thì tôi nhận ra sự vô lý. Với gần 10 giường mát xa chạy hết công suất gần như cả ngày, chi phí máy điều hòa, chi phí thuê hàng chục nhân viên không thể chỉ để phục vụ người có bệnh nằm miễn phí. Sau khi nói chuyện với người bệnh, tôi mới hiểu ra doanh nghiệp này mở cơ sở với mục đích bán giường mát xa. Điều đáng nói, các nhân viên ở đây đều khẳng định, giường này chữa được tất cả các bệnh trên đời từ tim mạch, tiểu đường đến ung thư… khiến nhiều người già đã mang tiền tiết kiệm nhiều năm của mình ra mua giường. Thực tế, việc tổ chức giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp không vi phạm pháp luật, nhưng các quảng cáo quá lời kia sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Sau đó, tôi cũng có bài viết về vấn đề này, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra sản phẩm có đúng chức năng quảng cáo hay không. Không ngờ, sau khi bài viết được đăng số Báo Nam Định cuối tuần, ngày hôm sau có tới 4 cụ cao tuổi chống gậy đến cơ quan đòi gặp tác giả. Lãnh đạo cơ quan đã khéo léo hỏi chuyện các cụ, biết là do doanh nghiệp dọa không cho các cụ nằm miễn phí nên “xui” các cụ lên đây “kiện”. Sự việc làm tôi khá lo lắng song sau khi được lãnh đạo cơ quan động viên, tôi cùng với một đồng nghiệp khác sang làm việc với Sở Y tế về điều kiện hành nghề chữa bệnh, làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư về giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp này... Tất cả giấy tờ, doanh nghiệp đều không có. Mở rộng điều tra, tôi còn biết doanh nghiệp này còn có mạng lưới khắp các huyện, dẫn tới tình hình an ninh trật tự khá phức tạp, đã có trường hợp xô xát do tranh nhau xếp hàng, bán hàng không đúng giá… Sau khi có ý kiến của Báo Nam Định, đoàn thanh tra liên ngành đã vào cuộc kiểm tra hoạt động doanh nghiệp trên. Lúc đầu, giám đốc doanh nghiệp trốn tránh gặp, lấy lý do đi công tác, nhưng sau đó buộc phải quay về làm việc. Tại buổi làm việc, giám đốc thừa nhận kinh doanh không có giấy phép, quảng cáo quá lời để bán hàng; bán sản phẩm với giá gấp 3, gấp 4 lần giá nhập... Bài báo đăng tiếp theo được dư luận quan tâm, góp phần đưa doanh nghiệp hoạt động mập mờ, lừa dối khách hàng ra ánh sáng. Qua vụ việc này, tôi rút kinh nghiệm đã làm báo phải luôn kiên định, vững vàng trước khó khăn, luôn có trách nhiệm với bài viết của mình. 

Sau 15 năm làm báo, tôi nhận ra rằng nghề báo không chỉ khó khăn, vất vả, mà việc phản ánh một sự việc nào đó cần có sự kiểm định rõ ràng, đặc biệt phải luôn giữ cho “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”. Có thể khẳng định, không một nhà báo nào trưởng thành mà không đi qua đôi ba lần sai sót dù khách quan hay chủ quan. Đó là điều khó tránh khỏi, nhưng mỗi nhà báo, nhất là những phóng viên trẻ, mới vào nghề phải biết tự nhìn nhận, sửa chữa để hoàn thiện các kỹ năng, bổ sung các kinh nghiệm để cho ra đời những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc, xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com