Cuối năm 1981, đầu năm 1982, sau khi rời quân ngũ, Đoàn Quốc Sỹ - khi đó là chiến sĩ của Binh chủng Đặc công (quê xã Bình Minh, Nam Trực) được chuyển ngành về công tác tại Báo Hà Nam Ninh. 30 năm làm báo, ông luôn tận tâm qua từng trang viết, trách nhiệm, nhiệt huyết với nghề. Trước khi nghỉ hưu, ông là Trưởng phòng Văn xã - Xây dựng Đảng kiêm Trưởng phòng Kinh tế Báo Nam Định.
Nhà báo Đoàn Quốc Sỹ (bên trái) và NGƯT Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh: Do nhân vật cung cấp |
Nhớ lại những ngày bước chân vào nghề, ông từng gặp nhiều khó khăn, thử thách khi hành trang của người lính chỉ là niềm say mê viết báo. Rất may, thời điểm đó, Báo đang cần những bài viết văn phong nhẹ nhàng, những tiểu phẩm, câu chuyện vui vốn là sở trường của ông. Ban đầu, ông viết mảng công nghiệp, thỉnh thoảng được tăng cường viết bổ sung mảng nông nghiệp khi thời vụ, sau chuyển hẳn sang chuyên viết về Xây dựng Đảng - một lĩnh vực vốn được xem là rất “khô, khó, khổ” với mỗi người làm báo. Bài báo “Trong bốn ta ai là người to nhất” của ông về đề tài xây dựng Đảng đã được nêu làm mẫu. Ông cũng từng đạt nhiều Giải báo chí của Hội Nhà báo tỉnh ở mảng đề tài này: Giải A (năm 2005), giải B (năm 2010), giải C (năm 2014). Không chỉ thành công khi viết về xây dựng Đảng, với bút danh Đoàn Quốc, ông còn được biết đến là một cây viết tiểu phẩm hóm hỉnh, có duyên. Các bài viết cho chuyên mục “Mẩu chuyện nhỏ”, “Chuyện vui” và chuyên mục “Nho nhỏ cùng nhau” do ông phụ trách với những câu chuyện đậm chất trào phúng, dí dỏm, nhẹ nhàng mà sâu sắc, phê phán những thói hư tật xấu, những mặt trái trên các lĩnh vực của đời sống không chỉ được bạn đọc hào hứng đón nhận mà còn góp phần làm cho tờ báo thêm sinh động, phong phú. Trong cuộc thi văn thơ trào phúng tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ nhất, ông đã đoạt giải C (không có giải A) với tiểu phẩm “Khoe mẽ”. Chia sẻ về chuyên mục “Nho nhỏ cùng nhau”, một chuyên mục đúng như tôn chỉ đề ra “Lấy lời xây dựng làm câu sửa mình”, ông cho biết: “Năm 1985, nhà báo Trần Đạo nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Nam Ninh thời điểm đó điều tôi xuống Phòng Tòa soạn phụ trách tổ bạn đọc và cùng với nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thế Vinh phụ trách chuyên mục “Nho nhỏ cùng nhau”. Hai chúng tôi thay nhau mỗi người chịu trách nhiệm một số nên chuyên mục này được duy trì rất đều đặn. Qua thư bạn đọc gửi về tòa soạn, những nội dung nào còn chung chung chưa rõ, hoặc chưa đến mức phải viết bài phê bình trên báo, chúng tôi chuyển sang chuyên mục “Nho nhỏ cùng nhau”. Chuyên mục này ngày ấy luôn được bạn đọc chờ đợi đón đọc…”.
Sau khi nghỉ hưu, nhà báo Đoàn Quốc Sỹ vẫn dành thời gian tâm huyết, tham gia viết đều đặn cho Tạp chí Người làm báo Nam Định. Những kỷ niệm vui buồn, những ký ức một thời về thế hệ làm báo vất vả nhưng đầy nhiệt huyết, yêu nghề, say nghề được ông tái hiện lại luôn khiến chúng tôi trân trọng, xem đó là động lực để cố gắng. Bài viết: “Chuyện nhỏ, nhưng nhớ mãi”, là những câu chuyện về những chuyến đi thực tế, tác nghiệp tại cơ sở, cách tiếp cận nhân vật của ông và đồng nghiệp đã cho những người làm báo trẻ sau này nhiều kinh nghiệm quý giá về nghiệp vụ. “Nhà báo thời bao cấp” là những câu chuyện cười ra nước mắt về những năm tháng đã xa, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm một phần cuộc sống khó khăn và phẩm chất đạo đức của các nhà báo cha anh. Đặc biệt, ở mảng “Chân dung nhà báo”, ông rất tài tình khi chỉ cần “lẩy” ra một vài chi tiết đặc sắc trong vẻ bề ngoài, tính cách, công việc, cuộc sống thường ngày đã làm bật lên chân dung về họ thật tự nhiên, chân thực, sống động. Chẳng hạn như: Nhà báo Vũ Kiến Thiết với biệt tài trình bày báo, chỉ cần cầm bài viết lật hết số trang đã biết bài này, tin kia, ảnh nọ chiếm khoảng bao nhiêu chữ, góp phần làm nên diện mạo tờ báo Đảng trình bày đẹp có tiếng ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, từng đoạt giải Nhất toàn quốc về trình bày Báo Xuân. Nhà báo, nhà giáo, nhà thơ Vũ Ngọc Phác với những bài báo thông tin cho người đọc những điều đang diễn ra trong cuộc sống bằng nhãn quan của nhà báo nhưng thấm đậm chất văn, tạo cảm xúc cho người đọc. Nhà báo Văn Yêm trong đời sống thường nhật thích uống rượu, nhưng chỉ uống để đủ độ thăng hoa, bởi trong công việc, ông thường viết chậm, chắc chắn, khúc triết, cẩn trọng trong dùng ngôn ngữ báo chí, mỗi khi nhận đề tài đều dành rất nhiều thời gian suy nghĩ cách đặt vấn đề, nghiền ngẫm chữ nghĩa và đặc biệt rất khéo trong phương pháp khai thác tài liệu, truyền nhiệt huyết, cảm hứng cho người được phỏng vấn… Nhà báo Nguyễn Văn Bạo với sự giản dị, mộc mạc, khiêm nhường trong dáng vẻ giống như một chủ nhiệm HTX nông nghiệp với chiếc xe đạp Thống Nhất đã xỉn màu sơn đi khắp nơi trong tỉnh nhưng phẩm chất đạo đức trong sáng và tài năng của ông đã được khẳng định bằng 2 loạt bài điều tra từng đoạt giải Nhì “Bông lúa vàng”, hàng trăm bài báo có tính phát hiện, cổ vũ những điển hình tập thể, cá nhân tiên tiến xuất sắc và nhiều bài báo phê bình, chống tiêu cực sắc bén. Nhà báo Phạm Quốc Tuấn, đời sống và phong cách làm báo gắn liền với một chữ “Nhanh” bởi tác phong nhanh nhẹn, viết bài, làm tin và cả làm thơ đều rất nhanh. Và điều đáng quý nhất ở nhà báo Đoàn Quốc Sỹ là ông luôn viết về các nhà báo cùng thời với một niềm trân trọng, yêu mến và thái độ quan tâm, luôn tìm thấy ở mỗi người một nét phẩm chất đáng để suy ngẫm, học tập. Sau bao nhiêu năm tháng, nhà báo Đoàn Quốc Sỹ vẫn có thể đọc thuộc một đoạn bài báo hay như văn phong trong sách giáo khoa dạy cho học trò của nhà báo Văn Yêm khi viết về tinh thần người chiến sĩ Điện Biên; thích thú, tâm đắc với những câu thơ hay của nhà báo Phạm Quốc Tuấn viết trong lần đến Huế; nhớ tường tận, chi tiết cả chiếc khăn quàng cổ, chiếc áo véc đen, kẻ dọc màu đỏ nhạt của nhà báo Vũ Ngọc Phác trong lần gặp đầu tiên tại Tòa soạn Báo… Đối với cánh nhà báo trẻ chúng tôi, ông vừa tận tình, ân cần chỉ bảo nghiêm khắc như một người chú người cha, vừa động viên, khích lệ kịp thời mỗi lúc chúng tôi viết được một bài hay, ưng ý.
Nghề chọn người, từ một người lính đặc công, nhà báo Đoàn Quốc Sỹ đã thành công với nghề báo theo ông vốn đầy khó khăn, thử thách, đòi hòi mỗi người luôn phải trau dồi kiến thức, học hỏi không ngừng và sáng tạo, làm mới mình qua mỗi tác phẩm. Dù nghỉ hưu đã gần chục năm, nhưng ký ức của ông luôn có phần quan trọng dành cho thời làm báo sôi nổi, đầy trách nhiệm./.
Lam Hồng