Nghề sửa chữa điện lạnh mùa nắng nóng

06:06, 26/06/2020

Thời tiết đang trong giai đoạn nắng nóng nhất trong năm nên không chỉ các đơn vị kinh doanh điện máy hút khách mà các cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo trì, lắp đặt điện máy trên địa bàn thành phố Nam Định cũng đang hoạt động hết công suất. Điều này đồng nghĩa với nghề điện lạnh trở nên đắt khách hơn lúc nào hết, thu nhập của những người theo nghề điện lạnh cũng tăng lên đáng kể.

Anh Vũ Văn Thi, Trung tâm điện lạnh Duy Khánh ở số nhà 13, đường Lương Văn Can, phường Hạ Long (thành phố Nam Định) đang sửa chữa điều hòa cho khách.
Anh Vũ Văn Thi, Trung tâm điện lạnh Duy Khánh ở số nhà 13, đường Lương Văn Can, phường Hạ Long (thành phố Nam Định) đang sửa chữa điều hòa cho khách.

Mặc cho cái nóng oi bức của buổi trưa, mặt lấm tấm mồ hôi, anh Vũ Văn Thi, Trung tâm điện lạnh Duy Khánh ở số nhà 13, đường Lương Văn Can, phường Hạ Long (thành phố Nam Định) đang chuẩn bị lên đường lắp điều hòa cho khách hàng. Anh Thi cho biết, kể từ khi bước vào mùa nắng nóng, lượng khách gọi điện đến cơ sở để sửa chữa, lắp đặt điều hòa tăng rất nhiều. Trung bình, một tuần anh nhận đến hơn 20 cuộc điện thoại, chưa sửa xong nhà này nhà khác đã thúc giục. Thông thường những người như anh Thi sẽ đến tận nhà khách hàng để sửa chữa. Nếu trường hợp máy hỏng nặng, cần nhiều thời gian thợ sẽ tháo máy mang về cửa hàng để sửa chữa. Tuy nhiên, do rủi ro trong quá trình vận chuyển, diện tích chứa có hạn, tâm lý khách nghi ngại… nên dịch vụ sửa chữa tại nhà luôn được khách hàng ưu tiên. Liên tục từ đầu tháng 4 đến nay, trung tâm của anh nhận khối lượng công việc gấp 3 lần so với đầu mùa. Nhóm thợ 5 người trong cửa hàng sắp xếp lịch hoạt động tối đa vẫn chưa đáp ứng hết các đơn hàng của khách. Đây là mùa cao điểm nên khối lượng công việc tăng cao, vì thế thu nhập của thợ sửa điều hòa cũng tăng gấp 5-6 lần ngày thường. Mỗi ngày, một người thợ lành nghề có thể sửa từ 8-10 chiếc điều hòa, tiền công mỗi chiếc tầm 200 nghìn đồng. Nếu bảo dưỡng, lau chùi, bơm gas thì mất tầm 40 phút, giá mỗi lần bơm gas 200 nghìn đồng, tiền công 150 nghìn đồng. Đối với thợ lành nghề, việc phát hiện máy móc bị hỏng rất nhanh và sửa chữa cũng không mấy khó khăn. Đa số máy điều hòa thường hỏng ở mạch, dàn nóng, dàn lạnh, hết gas, màng lọc không được vệ sinh. Người dân vẫn hay dùng điều hòa một mùa lại không có thói quen vệ sinh, bảo dưỡng thường xuyên nên mới sinh ra hỏng. Tùy “bệnh” của máy mà giá các loại dịch vụ được tính khác nhau. Anh Thi cho hay, mức giá bảo dưỡng sạc gas dao động từ 250-350 nghìn đồng/máy, sửa chữa bo mạch chủ hỏng tụ khoảng 350-450 nghìn đồng/máy, hỏng máy nén khoảng 1,5-3,5 triệu đồng/máy, hỏng quạt nóng, quạt lạnh khoảng 500-700 nghìn đồng/máy. Riêng chi phí lắp mới và công lắp đặt là 350 nghìn đồng/máy với máy dưới 3m ống đồng, trên 3m giá sẽ cao hơn. Cũng theo những người trong nghề, không ít thợ sửa điều hòa là dân tay ngang, có người từng là thợ sửa xe, thợ nề, thợ điện nhưng thu nhập bấp bênh nên chuyển hướng sang sửa chữa điều hòa vì nhận thấy nghề này đang rất thịnh hành, nhà nhà dùng điều hòa nhưng thợ thì luôn khan hiếm. Anh Phạm Văn Công, một thợ sửa điều hòa ở đường Giải Phóng (thành phố Nam Định) cho biết, trước đây anh từng làm thợ điện nhưng thu nhập không ổn định, công việc bấp bênh nên anh mạnh dạn chuyển đổi sang nghề sửa điện lạnh. Vốn có sẵn kiến thức, cộng với niềm đam mê sửa chữa điện tử nên đến nay sau 4 năm làm nghề, anh đã có một lượng khách hàng ổn định, nhờ đó kinh tế gia đình anh ổn định hơn trước rất nhiều. Dưới cái nắng 39-400C, việc treo mình lơ lửng trên các toà nhà cao 5-6 tầng để lắp đặt hay tháo dỡ các thiết bị điều hòa là một chuyện quá đỗi bình thường đối với những người thợ sửa điều hòa trong khi đồ bảo hộ lao động rất sơ sài. Anh Công cho biết thêm: “Nghề nào cũng có nỗi vất vả riêng, phải theo nghề thì mới hiểu hết sự vất vả, nhọc nhằn của nghề mình làm. Có khi đang ăn trưa khách gọi cũng phải ăn vội cho xong bữa, chứ đợi lâu khách hàng lại phàn nàn là lần sau mất khách. Đối với khách hàng là các nhà nghỉ, khách sạn có khi tối muộn họ gọi tới sửa điều hòa cũng phải lọ mọ chạy đi”. Những người thợ sửa điều hòa như anh Thi, anh Công phải bắt đầu công việc từ sáng sớm đến tối muộn, ngày nối ngày cứ quần quật với những chiếc điều hòa. Đồ nghề của họ mang vác cũng không nhẹ nhàng gì, rồi leo tường, đục tường… tất cả những công việc này đều không hề đơn giản chút nào. Những tai nạn nghề nghiệp như đứt tay, đau chân, ngã từ thang xuống là chuyện xảy ra thường xuyên đối với họ trong quá trình làm việc. Đó là chưa kể đến những tai nạn như cháy nổ, giật điện, tiếng ồn, say nắng, khói bụi, chói mắt… Mỗi nghề đều có những chuyện buồn, vui riêng, tuy nhiên, có yêu nghề thì người thợ mới có thể bám trụ với nghề lâu dài. 

Lắp đặt, sửa chữa thiết bị điện lạnh đang là một trong những nghề “hốt bạc” mùa nắng nóng, còn những tháng mùa mưa dù nhu cầu lắp đặt ít, nhưng bù lại thợ sửa chữa điện lạnh có thể sửa chữa thêm các công việc như lò vi sóng, máy giặt, tủ lạnh… chứ không phụ thuộc những tháng nắng nóng. Cũng nhờ vậy, trung bình mỗi tháng người thợ sửa chữa điện lạnh đều có thu nhập ổn định, kinh tế gia đình ngày càng cải thiện./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com