Đầu năm 2019, tôi được Ban Biên tập phân công tham gia đoàn công tác số 2, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đến thăm, chúc Tết Kỷ Hợi cán bộ chiến sĩ tại nhà giàn DK1, trạm Rada 950 và một số cơ quan, đơn vị ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phóng viên được các chiến sĩ kéo lên nhà giàn DK1/10 bằng ròng rọc. |
Trước chuyến công tác, tôi được anh em đồng nghiệp trong cơ quan từng tham gia các đoàn công tác trước đó chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị hành lý, bảo quản thiết bị, phương thức tác nghiệp, cách chống say sóng…; nhất là giữ gìn sức khỏe cho chuyến đi dài ngày. Ngày 5-1, từ cảng vụ Lữ đoàn 171 (thành phố Vũng Tàu), sau 3 hồi còi ngân vang, tàu Trường Sa 19 với hơn 30 phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương và báo địa phương trong cả nước bắt đầu vào hải trình theo kế hoạch. Những ngày đầu, nhiều phóng viên bị say sóng, có bữa ăn vắng tới gần 1/3 số người trên tàu. Để phóng viên có đủ sức khỏe tiếp tục hải trình, bộ phận quân y và hậu cần trên tàu Trường Sa 19 thường xuyên đến từng phòng để thăm hỏi, chuẩn bị các loại thực phẩm phù hợp với thể trạng từng người trong đoàn công tác. Sáng sớm hôm sau đoàn phóng viên trên tàu họp, triển khai kế hoạch tác nghiệp theo từng nhóm như: nhóm phóng viên truyền hình; nhóm phóng viên chụp ảnh... nhằm đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng trong quá trình làm việc. Nhờ ghi nội dung khá chi tiết trên phiếu đăng ký tác nghiệp nên đồng chí Chính trị viên tàu Trường Sa 19 đã sớm kết nối tôi với những người con quê hương Nam Định đang công tác trên tàu là Thiếu tá Nguyễn Văn Chính và Trung úy Vũ Văn Ninh. Gặp tôi, cả anh Chính và anh Ninh đều vui mừng trò chuyện như gặp người thân trong gia đình. Cũng từ những chia sẻ của anh Chính, tôi thấu hiểu sự vất vả, hy sinh của các chiến sĩ đang gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh việc thu thập tư liệu để viết bài về chuyến công tác, một trải nghiệm làm báo với chúng tôi là thực hiện chương trình “Bản tin phát thanh nội bộ tàu Trường Sa 19”. Vào 10h30’ và 18h giờ hàng ngày, chương trình phát thanh trên tàu Trường Sa 19 truyền đi thông tin về hải trình của Đoàn như vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, thành tích của cán bộ, chiến sĩ. Chương trình xen kẽ chuyên mục “Quà tặng âm nhạc” và các cuộc trò chuyện giao lưu với thành viên trên tàu... Để bản tin duy trì liên tục và phong phú trong suốt hải trình, ekip sản xuất chương trình giao chỉ tiêu mỗi nhóm phóng viên mỗi ngày phải có ít nhất một tác phẩm thuộc các thể loại như ghi nhanh, ký, thơ, tản văn. Kịch bản chương trình nhanh chóng được xây dựng, mỗi người một việc, ai cũng tập trung cao độ để thực hiện chương trình. Trong điều kiện khó khăn, ekip vẫn chuẩn bị đầy đủ nhạc hiệu, nhạc cắt, nhạc nền cùng những giọng đọc truyền cảm của các phát thanh viên: Phạm An (Đài Tiếng nói Việt Nam), Nguyễn Dung (Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Giang), Phước Duyên (Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang)… Bản tin Phát thanh nội bộ của tàu Trường Sa 19 ngoài việc cung cấp thông tin hữu ích cho các thành viên trên tàu còn là dịp để các phóng viên học hỏi kinh nghiệm làm việc theo nhóm, hiểu biết hơn về quy trình sáng tạo các loại hình báo chí.
Tác giả bài viết đang tác nghiệp tại tàu Trường Sa 19. |
Những ngày sau đó, dù đưa ra nhiều phương án nhưng kế hoạch đưa người lên các nhà giàn Tư Chính 5 (DK1/14), DK1/11, DK1/12 đều không thành công. Không lên được nhà giàn nên việc gửi lời chúc Tết hay giao lưu của các thành viên trong đoàn với cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn đều phải thực hiện từ bộ đàm. Hy vọng của đoàn chúng tôi được dồn vào nhà giàn cuối cùng trong chuyến đi - DK1/10. Vượt qua hành trình dài trên biển, tàu Trường Sa 19 đến nhà giàn DK1/10 và neo lại. Cả đêm, nhiều anh em phóng viên trằn trọc không yên giấc chỉ mong trời mau sáng và biển lặng để lên nhà giàn. Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến, Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Trưởng đoàn công tác trên tàu Trường Sa 19 đã quyết định đưa người và hàng Tết lên nhà giàn DK1/10 bằng phương pháp “Ròng rọc kéo tay” bởi sóng biển vẫn còn mạnh. Ngay từ sáng sớm công tác chuẩn bị cho việc lên nhà giàn được thực hiện khẩn trương. Quà Tết buộc chặt trong túi nilon chống nước. Xuồng máy hạ xuống, áo phao cho mọi người trong đoàn đã sẵn sàng. Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến liên tục nhắc các phóng viên khi bước từ tàu xuống xuồng phải thực hiện đúng thao tác “Chờ sóng nâng xuồng lên cao nhất mới được bước xuống”. Từ tàu xuống xuồng đã khó khăn, việc đưa đoàn công tác lên nhà giàn còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần vì nước chảy xiết, chỉ một sơ suất nhỏ là xuồng sẽ bị hút xuống chân nhà giàn. Thượng úy Đào Văn Hưng khéo léo điều khiển xuồng lựa sóng, căn theo lực hút tiếp cận nhà giàn ở khoảng cách an toàn. Sau khi buộc dây an toàn, từng thành viên đoàn công tác được chiến sĩ nhà giàn kéo lên bằng dây ròng rọc. Vật lộn với sóng gió gần 3 giờ, toàn bộ đoàn công tác cùng quà tết từ đất liền chuyển ra đã được đưa lên nhà giàn DK1/10 an toàn. Lên được nhà giàn, những nụ cười xua tan sự căng thẳng trên khuôn mặt mỗi người. Không để lãng phí thời gian, từng nhóm phóng viên tổ chức họp nhanh phân công cụ thể từng góc đứng quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn để tránh chồng chéo. Bị giới hạn về thời gian, không gian nhưng với sự phối hợp đồng bộ nhịp nhàng của từng phóng viên nên ai cũng có tư liệu dày dặn để về đất liền viết bài.
Chuyến công tác đã giúp tôi cảm nhận rõ hơn về sự cống hiến, hy sinh của các chiến sĩ Hải quân để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi mong sẽ có dịp được tiếp tục đến với nơi đảo xa, những cột mốc DK trên biển để truyền tải những hình ảnh, câu chuyện về cuộc sống của những chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc./.
Bài và ảnh: Viết Dư