Trong các chuyến thăm và làm việc tại tỉnh ta, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều đến thăm huyện Hải Hậu và đánh giá cao những kết quả huyện Hải Hậu nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đặc biệt là sự chủ động, sáng tạo của cấp ủy và chính quyền cơ sở trong việc vận dụng các tiêu chí của Trung ương vào thực tế của địa phương.
Một góc thị trấn Yên Định. |
Phát triển “Tam nông” với tầm nhìn lâu dài
Đến Hải Hậu hôm nay, sẽ dễ dàng cảm nhận rõ sự khởi sắc của các làng quê. Đường giao thông, kênh mương nội đồng, khu trồng cây dược liệu, vùng nuôi tôm, hay trồng lúa chất lượng cao,... được quy hoạch thuận tiện cho việc tổ chức sản xuất và đi lại. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết “Tam nông”, với cách thức vừa học, vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, vừa tổng kết thực tiễn, việc lựa chọn khâu đột phá, hướng đi đúng, cách làm sáng tạo của Hải Hậu đã trở thành “công thức” chung: Xây dựng NTM trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; các xã, thị trấn, các thôn, xóm và người dân nông thôn phải chủ động, sáng tạo trong xây dựng NTM; không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Năm 2009, khi được Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn làm huyện điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, dồn điền, đổi thửa được huyện xác định là điều kiện, là tiền đề quan trọng để tạo đột phá trong xây dựng NTM. Do vậy, năm 2011, toàn huyện đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp và giao xong đất ngoài thực địa. Thông qua dồn điền, đổi thửa đã quy gọn được quỹ đất công ích từ 506 vùng xuống còn 321 vùng; đã vận động nhân dân góp được trên 345ha đất nông nghiệp và trên 25ha đất thổ cư để làm đường giao thông, thủy lợi và xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng NTM. 100% xã, thị trấn của huyện đã hoàn thành việc lập, phê duyệt và công khai 3 quy hoạch cấp xã đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Chương trình xây dựng NTM đều được cụ thể hóa thành các phong trào thi đua, các cuộc vận động và triển khai tới tất cả các cơ quan, đoàn thể, các thôn xóm và các hộ gia đình. Giai đoạn 2010-2015 tổng vốn huy động nguồn lực xây dựng NTM đạt trên 3.200 tỷ đồng. Ngày 23-6-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 921/QĐ-TTg công nhận huyện Hải Hậu đạt chuẩn huyện NTM; là một trong 5 huyện NTM đầu tiên của cả nước, nhưng là huyện duy nhất có 100% số xã, thị trấn cùng đạt chuẩn NTM.
Đồng chí Đỗ Hải Điền, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết: Năm 2018, Hải Hậu tiếp tục được Trung ương chọn là 1 trong 4 huyện điểm của cả nước xây dựng mô hình huyện NTM kiểu mẫu. Với phương châm “Xây dựng NTM là việc làm thường xuyên, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm dừng”, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành 1 nghị quyết chuyên đề, 3 chỉ thị và nhiều văn bản chỉ đạo về xây dựng NTM. Phát động phong trào thi đua và tập trung quyết liệt chỉ đạo triển khai xây dựng NTM bền vững và phát triển (NTM nâng cao) giai đoạn 2016-2020; nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, trong đó lựa chọn khâu đột phá là xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp... Đồng thời tập trung cao chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng huyện Hải Hậu NTM kiểu mẫu “Sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững” giai đoạn 2019-2025 theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung chỉ đạo phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh theo chương trình OCOP. Chỉ đạo thực hiện tốt Đề án phát triển CN-TTCN.
Đến nay, cơ cấu giá trị sản xuất nội bộ ngành nông nghiệp - thuỷ sản của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 72% xuống còn 59,9%; tỷ trọng ngành thuỷ sản tăng từ 28% lên 40,1%. Giá trị sản xuất bình quân 1 héc-ta canh tác đạt 135 triệu đồng năm 2020; nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung được hình thành, trong đó có 81 vùng tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, 22 vùng sản xuất cây dược liệu, 10 vùng trồng hoa cây cảnh, 11 vùng trồng rau màu... Công nghiệp, xây dựng phát triển cả về quy mô và chất lượng; kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và thu nhập cho nhân dân. Hiện có 35 doanh nghiệp đầu tư tại 3 cụm công nghiệp với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, thu hút trên 19 nghìn lao động. Giữ vững thành tích 41 năm liên tục là điển hình văn hoá thông tin cấp huyện của cả nước; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn về y tế.
Xứng đáng với niềm tin của nhân dân
Đồng chí Trần Minh Hải, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hải Hậu cho biết: Để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nghị quyết, nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng Hải Hậu trở thành “miền quê đáng sống”, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn giữ vững sự đoàn kết thống nhất; bảo đảm mối quan hệ giữa cấp uỷ với chính quyền, đoàn thể, các cấp, các ngành. Thực hiện đúng quy chế, chức trách, nhiệm vụ; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể đồng thời đề cao trách nhiệm từng cấp uỷ viên. Quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương. Lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, kiên quyết, dứt điểm những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi cộm phát sinh từ cơ sở. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về lý luận và thực tiễn, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bản thân và gia đình mỗi Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ thực hiện tốt quy định và có ý thức về việc nêu gương bản thân trong đời sống và công tác.
Nhiệm kỳ qua, trên cơ sở nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng và ban hành 2 nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, 7 Đề án về phát triển kinh tế - xã hội và đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của huyện. Ngoài ra còn ban hành 18 nghị quyết, 12 chỉ thị, 23 thông tri và 29 chương trình để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện toàn diện trên các mặt công tác của Đảng bộ.
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Huyện ủy đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách và lề lối làm việc; đảm bảo dân chủ, công khai, giữ vững nguyên tắc tập trung, mở rộng dân chủ trong lãnh đạo tập thể, đề cao trách nhiệm từng cấp uỷ viên, đồng thời nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân, nhất là người đứng đầu. Trong tổ chức thực hiện luôn coi trọng sự lãnh đạo toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên duy trì nền nếp các kỳ họp theo Quy chế làm việc (Ban Thường vụ họp mỗi tuần 1 lần; Ban Chấp hành họp mỗi quý 1 lần và họp đột xuất khi cần thiết). Định kỳ Thường trực Huyện uỷ nghe phản ánh tình hình hoạt động của UBND, các đoàn thể chính trị - xã hội và cho ý kiến chỉ đạo.
Chỉ đạo và tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đaọ đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đến toàn thể cán bộ, đảng viên, các đoàn thể chính trị - xã hội và tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Thực hiện đồng bộ công tác tổ chức cán bộ; quy hoạch, luân chuyển, bố trí cán bộ, bảo đảm khách quan, dân chủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện chặt chẽ các quy trình bổ nhiệm cán bộ. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên các cấp. Tập trung tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ, sinh hoạt của cấp ủy và nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; quan tâm tạo nguồn đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên gốc giáo, người trực tiếp lao động sản xuất và ở những địa bàn khó khăn; đồng thời rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Công tác kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đã đi vào những lĩnh vực, những nơi khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, những vụ việc bức xúc, nổi cộm; tính chất, mức độ kiểm tra sâu sát hơn, quyết liệt hơn và không có “vùng cấm”. Kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Tập trung cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh củng cố tổ chức của Mặt trận và các đoàn thể; chú trọng chỉ đạo đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo, tạo sự đồng thuận trong xã hội, huy động sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương./.
Bài và ảnh: Việt Thắng