Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, gần đây hàng loạt doanh nghiệp đa cấp lớn như: Thiên Ngọc Minh Uy, Thiên Rồng Việt, Liên Kết Việt… bị phát hiện sai phạm phải chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh đa cấp online lại đang phát triển, biến tướng rất khó kiểm soát. Đặc biệt, các ứng dụng internet ngày càng phổ biến trong khi kinh nghiệm, kiến thức của người sử dụng còn hạn chế dẫn đến số lượng nạn nhân và mức độ thiệt hại do kinh doanh đa cấp online biến tướng ngày càng phức tạp.
Cán bộ Cục Quản lý thị trường thu giữ mỹ phẩm kinh doanh theo hình thức bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố Nam Định. |
Theo thông báo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) thời gian gần đây một số tổ chức có tên Atomy, Vital4u/Vital Group và Juenesses hoạt động kinh doanh bán hàng theo phương thức đa cấp, tiến hành các hoạt động tuyển dụng người tham gia giới thiệu về sản phẩm, tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm, bồi dưỡng kỹ năng bán hàng qua mạng cũng như hướng dẫn về kế hoạch trả thưởng khi tham gia mạng lưới tại nhiều địa phương. Các tổ chức trên đều có phương thức kinh doanh trên các phương tiện của mạng internet như website, tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo hay Youtube) quảng cáo và bán nhiều sản phẩm là thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm. Người dân sau khi mua hàng trực tiếp qua các kênh kể trên lại được mời tham gia trở thành cộng tác viên hay đại lý bán sản phẩm để hưởng mức hoa hồng theo doanh số của mạng lưới người tham gia cấp dưới. Ngoài các tổ chức này, theo ngành chức năng hình thức bán hàng đa cấp cũng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 40/NĐ-CP ngày 12-3-2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Những tổ chức này thường sử dụng phương thức quảng cáo: Cơ hội làm giàu và kiếm tiền mà không cần kiến thức, không cần kinh nghiệm, không cần ra khỏi nhà… chỉ cần làm việc online qua mạng mỗi ngày vài giờ đồng hồ có thể thu nhập từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/tháng. Một số công ty đưa ra các “gói” hàng (combo) để bắt buộc người mua mới được tham gia hệ thống hoặc huy động đầu tư tài chính và hứa hẹn thưởng hoa hồng hấp dẫn khi mời được người tham gia. Thậm chí một số sàn giao dịch cho - nhận online với cách thức: Người chơi tạo tài khoản, nộp tiền vào tài khoản, đặt lệnh cho tiền với phí 150 nghìn đồng và đợi hệ thống cung cấp danh sách người nhận, sau đó, chuyển tiền cho những người nhận và tới lượt đăng ký nhận tiền. Số tiền cho đi mỗi lần từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tùy từng sàn. Khi giao dịch được hoàn tất từ 8 đến 10 ngày thì người cho sẽ được chuyển về đầy đủ số tiền gốc và lãi suất tính trên số ngày chờ với mức từ 1-1,5%/ngày (tương đương 360-540%/năm). Chị Vũ Thúy Hà, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) đang nghỉ làm nuôi con thơ, thời gian nhiều nên ngay khi thấy quảng cáo làm việc online chị đã không ngần ngại đầu tư. Chị cho biết chỉ với 150 nghìn đồng đăng ký tài khoản tại sàn giao dịch cho - nhận, cộng với việc đầu tư tài chính mức thấp nhất là trên 1 triệu đồng gửi cho 2 tài khoản khác và đợi đến lượt mình được nhận lại số tiền sẽ tăng lên gấp cả chục lần số tiền đầu tư ban đầu. Ngoài ra khi mời thêm thành viên tham gia, lãi suất tính cho số tiền đầu tư ban đầu sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Tuy nhiên tiền nộp đi thì thấy nhưng đợi mãi không đến lượt nhận lại trong khi thời hạn cam kết là 8-10 ngày, nơi đầu tư trên mạng không biết đâu mà đòi nên đành “tặc lưỡi” cho qua, chịu mất khoản tiền. Tuy nhiên, cộng cả số tiền của những người chị tư vấn tham gia cùng bị mất thì lại là một khoản lớn. Tuy nhiên với khoản tiền nhỏ lại không có chứng cớ để đưa ra pháp luật nên hầu hết người bị hại đều chấp nhận thiệt thòi cho qua. Trong khi các cơ quan chức năng khó xử lý bởi hầu hết người dân tham gia kinh doanh đa cấp online dù theo phương thức nào cũng là sự tự nguyện, không hợp đồng, không chứng từ, cam kết, không tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật. Lợi dụng tâm lý này, hoạt động kinh doanh, dịch vụ đa cấp lại tiếp tục có cơ hội phát triển.
Trước tình trạng này, Sở Công Thương ban hành Văn bản số 493/SCT-QLTM đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp quản lý Nhà nước về bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về kinh doanh đa cấp; báo cáo định kỳ, thông tin về doanh nghiệp, tên và số điện thoại của người liên hệ, kết quả hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương (doanh thu bán hàng đa cấp, thống kê các sản phẩm kinh doanh đa cấp, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp, hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế trả cho người tham gia bán hàng đa cấp). Chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ hoạt động bán hàng của các thành viên trong hệ thống đảm bảo người tham gia thực hiện đúng quy tắc hoạt động, chương trình trả thưởng của doanh nghiệp, nghiêm cấm tình trạng nhà phân phối chạy theo lợi nhuận, nói sai sự thật về công dụng sản phẩm, chính sách hoa hồng… lừa dối người tiêu dùng. Trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh ngoài thông tin về người đại diện tại địa phương, các doanh nghiệp cần cung cấp thêm thông tin liên lạc của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp để liên lạc, giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết. Vận hành hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp, bao gồm điện thoại, email và địa chỉ tiếp nhận cũng như cung cấp quyền truy cập vào tài khoản quản lý hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp được quy định tại khoản 11 điều 40 của Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12-3-2018 bằng văn bản về Sở Công Thương. Bên cạnh đó người dân cần chủ động tố giác nếu phát hiện thấy những biểu hiện vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn với chính quyền địa phương, Sở Công Thương hoặc cơ quan công an gần nhất./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương