Huyện Nam Trực có làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh và làng nghề Vân Chàng, thị trấn Nam Giang chuyên sản xuất cơ khí, tái chế, cô đúc nhôm có hoạt động và công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường như: nấu chảy và cô đúc nhôm từ phế liệu; nhúng tẩy rửa nhôm bằng xút và axit, không được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên nghề này đang tạo việc làm và cho thu nhập khá cho số lượng lớn lao động địa phương. Việc di chuyển làng nghề cũng như chuyển đổi sinh kế đối với các hộ sản xuất và làm các dịch vụ phụ trợ... khá phức tạp, khó khăn. Trước thực trạng này, từ năm 2018 UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường hướng dẫn, giám sát các làng nghề thực hiện nghiêm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề; trong đó chú trọng đảm bảo các yêu cầu theo Điều 14 Thông tư 31/2016/TT-BTNMT ngày 14-10-2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Điều 11 Quyết định 12/2017/QĐ-UBND ngày 16-5-2017 của UBND tỉnh ban hành quy định trách nhiệm BVMT trên địa bàn tỉnh. Theo đó quy định trách nhiệm BVMT làng nghề thuộc về UBND cấp xã và UBND cấp huyện nơi có làng nghề. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Nam Trực, xã Nam Thanh và thị trấn Nam Giang đã có cam kết BVMT các làng nghề Bình Yên, Vân Chàng.
Hệ thống sông, kênh quanh làng nghề Bình Yên đã được xã Nam Thanh nạo vét, nâng cấp, đảm bảo lưu thông nước thải. |
Tuy nhiên, đến hết quý I-2020, qua kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy công tác BVMT tại làng nghề Bình Yên và làng nghề Vân Chàng vẫn còn một số tồn tại, chưa thực hiện đúng cam kết. Tại làng nghề Bình Yên, hiện có 222 hộ sản xuất, kinh doanh làm nghề cơ khí, đúc nhôm với các sản phẩm chủ yếu là đồ nhôm gia dụng, nhôm thỏi. Công tác quản lý Nhà nước về công tác BVMT đã được UBND xã đẩy mạnh như: Xã đã lập phương án BVMT, được UBND huyện Nam Trực phê duyệt tại Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 11-1-2019; tổ chức công khai và triển khai thực hiện phương án BVMT làng nghề đã được phê duyệt. Xã đã xác nhận Đề án BVMT đơn giản cho 222 hộ sản xuất trong làng nghề theo quy định; Đã hướng dẫn, đốc thúc các hộ làm nghề thực hiện nghiêm cam kết về các quy trình, công đoạn BVMT gồm: xử lý sơ bộ nước thải; thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn nguy hại... Tuy nhiên, Trạm xử lý nước thải tập trung của làng nghề dù đã được Trung ương, tỉnh hỗ trợ đầu tư, đưa vào hoạt động, bàn giao cho chính quyền địa phương tiếp nhận, quản lý đến nay vẫn không vận hành được. Nguyên nhân do UBND xã không có cán bộ chuyên môn và chi phí để vận hành trạm xử lý nước thải; toàn bộ nước thải của làng nghề được dẫn đến hồ lắng (có lót vải địa kỹ thuật) sau đó nước chảy ra sông Ba Cồn, dẫn ra sông Hàng, sông Trục xung quanh làng nghề. Tất cả các hộ sản xuất trong làng nghề chưa đầu tư hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra ngoài môi trường trong khi đó, thành phần khí thải phát sinh từ công đoạn cô nhôm, đốt than, tẩy rửa sản phẩm bao gồm khí CO, SO2, NO2, bụi kim loại, hơi axit, hơi xút và các hợp chất độc hại khác. UBND xã Nam Thanh đã thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác BVMT của các hộ sản xuất trong làng nghề song mới chỉ tiến hành nhắc nhở các trường hợp sai phạm, vận động hộ sản xuất khắc phục; không lập biên bản kiểm tra, cũng như chưa xử lý vi phạm hành chính theo quy định bất cứ trường hợp nào. Công tác cải tạo cảnh quan môi trường được xã đẩy mạnh, đã nạo vét, nâng cấp, đảm bảo lưu thông nước thải toàn bộ hệ thống kênh dẫn, tiêu thoát nước, các đoạn sông xung quanh làng nghề; Toàn xã đã trồng được 5,5km đường hoa, 2,5km đường cây. Riêng làng nghề Bình Yên đã trồng bổ sung 1.000 cây keo ven đường làng, bờ sông, khu xử lý rác thải làng nghề; giải tỏa đường làng ngõ xóm. Tuy nhiên xung quanh làng nghề vẫn còn rác thải xây dựng, rác thải công nghiệp không được thu gom, lưu chứa đúng nơi quy định. Tại khu vực xử lý rác thải sinh hoạt tập trung còn rất nhiều rác, do lò đốt công suất nhỏ, không xử lý kịp lượng rác thải phát sinh, gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường làng nghề. Làng nghề cơ khí Vân Chàng có 283 hộ sản xuất các sản phẩm chủ yếu gồm: nhôm thỏi, dao, kéo, xẻng, bánh lồng, phụ tùng xe máy, xe đạp... Làng nghề đã tồn tại hơn 700 năm nhưng chưa được UBND tỉnh công nhận làng nghề. Thị trấn Nam Giang đã lập phương án BVMT và được UBND huyện Nam Trực phê duyệt tại Quyết định số 1000/QĐ-UBND ngày 17-9-2018; đã xác nhận Đề án BVMT đơn giản cho 283 hộ làm nghề theo quy định; tổ chức công khai và triển khai thực hiện phương án BVMT làng nghề đã được phê duyệt. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy: nhận thức, ý thức về BVMT của các hộ sản xuất trong làng nghề còn hạn chế. Thị trấn Nam Giang chưa thực hiện đầy đủ một số nội dung theo phương án BVMT đã được phê duyệt. Cụ thể, chưa xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về BVMT đối với từng hộ sản xuất trong làng nghề. Công tác kiểm tra hộ sản xuất chỉ dừng ở đôn đốc, nhắc nhở mà chưa xây dựng kế hoạch và không tiến hành xử lý các vi phạm hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. UBND huyện Nam Trực chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại CCN Đồng Côi; Chưa tách riêng hệ thống thu gom nước mưa và nước thải sản xuất; Chưa tổ chức thu gom chất thải nguy hại về kho chứa, chưa hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý loại chất thải này, còn thu gom chất thải nguy hại cùng chất thải thông thường; Chưa xây dựng quy chế, mức thu phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại; Chưa thực hiện báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ của làng nghề. 124 hộ sản xuất trong làng nghề có phát sinh khí thải chưa có biện pháp xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường. Tỷ lệ cây xanh tại làng nghề thấp.
Theo phân cấp trách nhiệm quản lý, UBND huyện Nam Trực chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Đoàn phúc tra hồ sơ, khảo sát thực tế kết quả xây dựng nông thôn mới của Trung ương về công tác BVMT tại làng nghề Bình Yên và làng nghề Vân Chàng. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu UBND huyện Nam Trực tăng cường công tác BVMT làng nghề theo nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 757/UBND-VP3 ngày 18-9-2019 và các nội dung địa phương có làng nghề đã cam kết. Xây dựng lộ trình di dời các cơ sở sản xuất có hoạt động nấu chảy, cô đúc, nhúng tẩy, rửa nhôm gây ô nhiễm môi trường ra các cụm công nghiệp tập trung xa khu dân cư; Yêu cầu các cơ sở này cam kết lộ trình chuyển đổi hoặc chấm dứt sản xuất. Tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất có biện pháp tự thu gom, xử lý chất thải phát sinh trước khi thải ra ngoài môi trường. Thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác BVMT của các cơ sở sản xuất trong làng nghề và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về BVMT./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý