Đầu tháng 5, gió mùa hè thổi ào ạt trên những ruộng dưa lê, dưa hồng đưa mùi thơm của dưa chín lan khắp cánh đồng. Năm nay 2 sào dưa hồng của bà Phạm Thị Lượt, xóm Làng Cây, thôn Cổ Gia, xã Nam Hùng (Nam Trực) được mùa, được giá làm ông bà rất phấn khởi. Hơn 1 sào dưa lê còn lại mặc dù cho thu hoạch muộn hơn nhưng cũng đã lác đác chín và có người đặt mua với giá khá cao. “Nếu giá dưa như hiện nay thì người trồng dưa có thu nhập ổn định, bù lại những vất vả sớm hôm trên cánh đồng. Người nông dân ngoài mong mưa thuận gió hòa, chỉ mong nông sản được giá” - bà Lượt chia sẻ.
Bà Phạm Thị Lượt (áo đen), xóm Làng Cây, thôn Cổ Gia, xã Nam Hùng (Nam Trực) thu hoạch dưa hồng. |
Vừa tranh thủ trò chuyện, bà Lượt vừa tỷ mẩn cắt tỉa bớt những ngọn dưa để giúp cây tập trung nuôi quả. Gió lồng lộng thổi trên những cánh đồng át cả tiếng bà: “Nghề trồng dưa ở Nam Hùng có từ rất lâu đời, ông bà, bố mẹ tôi bao năm đều trồng dưa. Tôi “quen” với cây dưa cũng như cây lúa. So với các cây màu khác, trồng dưa cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên công chăm sóc và chi phí bỏ ra cũng lớn hơn”, bà Lượt nói. Ăn Tết xong, lựa lúc trời mưa xuân ấm áp, đất ẩm, bà bắt tay ngay vào vụ dưa mới. Bà Lượt chọn mua giống dưa Nông Hữu đưa từ miền Nam ra rồi ươm lên bầu. Khi bỏ bầu, bà trộn đều đất bột với phân chuồng mục đã ủ thêm phân lân được xử lý theo tỷ lệ “2 đất + 1 phân”, cho hỗn hợp đã trộn vào 4/5 chiều cao của bầu. Sau khi đặt hạt vào bầu, bà rắc tiếp một lớp đất bột trộn với trấu mục rồi tưới đủ ẩm. Trong thời gian chờ cây ở trong bầu lớn, bà Lượt tranh thủ dọn cỏ sạch sẽ, làm luống cẩn thận trên đồng rồi mới đưa cây ra trồng. Cách 40 phân bà trồng một cây, mật độ trung bình từ 500-550 cây/sào. Khi cây dưa lên khoảng 3 lá, bà bắt đầu bấm ngọn để kích thích cây đẻ chánh. Cây dưa được 6-8 lá, bà ngắt ngọn thường xuyên với mục đích giúp cho cây ra quả sai, đều, đẹp. Thân dưa dài khoảng 40 phân, bà Lượt tiếp tục bón thúc cho cây. Các loại phân bà sử dụng là phân chuồng, kali và đạm. Hiện, trên đồng đất Nam Hùng, các hộ nông dân áp dụng 2 cách trồng dưa là trồng dưa bò trên mặt luống và trồng giàn. Mật độ trồng dưa giàn vào khoảng 750-800 cây/sào. “Trồng dưa không khó nhưng mất nhiều công chăm sóc. Vì vậy, hầu như ngày nào chúng tôi cũng ra đồng. Mỗi loại dưa có một đặc tính khác nhau nhưng theo tôi trồng dưa lê khó hơn trồng dưa hồng và dưa chuột. Khi trồng, điều quan trọng nhất là phải chú ý phòng trừ sâu bệnh cho cây. Các giống dưa thường hay mắc một số bệnh như vàng lá, bọ trắng. Vì vậy, cần liên tục kiểm tra để có hướng xử lý bệnh kịp thời. Ngoài ra, thời kỳ đầu vụ, việc điều tiết nước phù hợp rất quan trọng cho cây phát triển và làm quả cuối vụ. Dưa là giống “háo nước” nên lúc nào đất dưới chân cũng phải được tưới ẩm. Đối với dưa trồng giàn còn cần làm giàn cẩn thận để quả có mẫu mã đẹp, đặc biệt cần bón nhiều kali để tăng độ ngọt cho dưa”, bà Lượt chia sẻ thêm. Để dưa sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài việc chú trọng phân bón, nước tưới, phòng bệnh… nhằm hạn chế chuột và các loại sâu bọ có thể phá hoại, bà Lượt cũng như các hộ trồng dưa khác ở Nam Hùng còn cẩn thận dùng ni lông phủ kín xung quanh bờ ruộng, hoặc đánh luống cao. Được chăm chút đúng quy trình kỹ thuật, sau 50-60 ngày, ruộng dưa của bà Lượt đã cho thu hoạch với năng suất cao. Theo ước tính của bà, mỗi sào dưa lê thường đạt năng suất từ 7-8 tạ. Riêng với dưa hồng, năng suất bình quân ước đạt khoảng 3 tấn/sào. Mùa thu hoạch, thương lái đến tận ruộng thu mua số lượng lớn. Các bà, các chị, các mẹ còn mang bày bán tại các chợ trong vùng. Hiện giá dưa lê được bán cất tại ruộng cho các đại lý dao động từ 12-15 nghìn đồng/kg. Đầu mùa có những thời điểm bà Lượt cho biết còn có thể bán được tới 15-17 nghìn đồng/kg. Trừ các chi phí, mỗi sào dưa lê bà thu lãi 8-10 triệu đồng. Với dưa hồng, trừ chi phí bà thu về khoảng 4-6 triệu đồng/sào. Đối với các hộ gia đình trồng dưa bằng giàn sẽ cho thu nhập cao hơn trồng dưa bò mặt đất khoảng 1 triệu đồng/sào. Với các ưu điểm hiệu quả kinh tế vượt trội, thời gian thu hoạch ngắn nên khi trồng dưa bà con nông dân vẫn đảm bảo thời vụ sản xuất vụ đông. Ngoài ra, các hộ trồng dưa còn có thể tận dụng giữa các rãnh luống để trồng thêm một số loại cây khác như kê, ngô… Nghề trồng dưa ở Nam Hùng phát triển nên hiện trong xã cũng hình thành khá nhiều các đại lý thu mua. Các loại dưa sau khi được thu gom sẽ được phân loại và đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều nhà có diện tích trồng dưa lớn trên dưới 1 mẫu như các hộ gia đình: anh Bảo, anh Độ, anh Thản… Những nhà ít hơn cũng phải trồng từ 3-4 sào, thôn xóm nào cũng có hộ trồng dưa. Thời điểm hiện nay mùa dưa đang vào chính vụ. Mặc dù thu hoạch rộ vào tháng 5 nhưng trong tháng 6, nông dân Nam Hùng vẫn có thể thu hoạch “vớt” trên những ruộng dưa lê thêm 1 tháng nữa. Lý do là khi đó dưới những nhánh của cây dưa vẫn còn sót lại hoa có thể ra lứa quả cuối. Tuy nhiên năng suất cũng như độ ngọt của quả sẽ không cao như vào giữa mùa.
Rời những ruộng dưa bát ngát ở Nam Hùng, mùi thơm của dưa chín vẫn quấn quýt mãi theo chân chúng tôi. Năm nay, mùa dưa đến muộn hơn mọi năm do có 2 tháng nhuận song không vì thế mà người tiêu dùng “hờ hững” với dưa. Thời điểm hiện tại, ở các chợ dân sinh đâu đâu cũng thấy dưa được bày bán. Trên các ruộng dưa xã Nam Hùng, người mua kẻ bán tấp nập, tiếng cười nói, trả giá xôn xao. Ở những đường dong dẫn ra ruộng các loại xe máy, xe tải nhỏ nổ máy chờ sẵn để vận chuyển dưa. Dưa được thu hoạch chất đầy trên những sọt, trên các xe cải tiến tỏa về các ngả. Bổ đôi quả dưa hồng thơm mát vừa hái tại ruộng mời chúng tôi, bà Lượt tự hào nói: “Nông dân trồng dưa hiện nay đều rất ý thức về việc trồng dưa sạch, hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ sâu để vừa bảo vệ sức khỏe bản thân vừa bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Có như vậy mới có thể canh tác bền vững, đảm bảo thu nhập, “sống” được với nghề lâu dài”. Tạm biệt những người nông dân giản dị, chân thành, chúng tôi cũng như họ mỗi mùa dưa đến mong cho trời đất thuận hòa, mùa màng bội thu, được mùa, được giá./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân