Cây hoa hồng trên đất Nam Mỹ

08:05, 15/05/2020

Vài năm trở lại đây ngày càng có nhiều nhà vườn ở xã Nam Mỹ (Nam Trực) chuyển sang trồng hoa hồng. “Chúng tôi trồng đa dạng các loại hồng từ hồng cổ Sa Pa, hồng cổ Hải Phòng, nhung cổ, bạch cổ, hồng điều, vân khôi cho đến bạch xếp... Trồng hoa hồng có nhiều ưu điểm, công chăm sóc ít, chỉ phải đầu tư giống một lần, quan trọng là mang lại giá trị kinh tế tương đối cao, được thị trường ưa chuộng” - chị Nguyễn Thị Hòa, chủ nhà vườn, xóm 3, xã Nam Mỹ chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hòa, chủ nhà vườn, xóm 3, xã Nam Mỹ chăm sóc vườn hoa hồng.
Chị Nguyễn Thị Hòa, chủ nhà vườn, xóm 3, xã Nam Mỹ chăm sóc vườn hoa hồng.

Năm 2015, nhận thấy giá trị kinh tế của cây hoa hồng, chị Hòa đã phá bỏ phần lớn diện tích trồng đào của gia đình để chuyển sang trồng hoa hồng. Ban đầu chị Hòa chỉ trồng thử nghiệm với số lượng ít. Sau khoảng 5-7 tháng, chị đã có những lứa hoa hồng đầu tiên để xuất bán. Vụ hoa hồng đầu thắng lợi, cây sinh trưởng tốt, được giá càng làm cho chị phấn khởi, quyết tâm chuyển hẳn sang trồng hoa hồng. Ngoài Tết, chọn khi đất hãy còn ẩm ướt, chị Hòa chuyển cây phôi ra vườn trồng. Chị đào sẵn các hốc to hơn bầu cây hoa hồng để tránh làm vỡ bầu. Đối với các cây trồng trong chậu, chị trộn sỉ thêm trấu hun và xỉ than sàng nhỏ. Ngoài ra, chị còn trồng bằng cách chiết cành. Khi chiết, chị cẩn thận lựa chọn những khúc cành khỏe mạnh, không quá già cũng không quá non, to bằng chiếc đũa để chiết. “Muốn chiết thì phải chọn cành bánh tẻ, không nên chiết cành già quá vì khó ra rễ. Trước khi chiết, phải khoanh vỏ, cạo lớp màng giữa vỏ và lõi, qua 1-2 ngày cho khô se chân cành chiết thì lấy túi ni lông bọc bèo tây (đã vắt khô nước) vào chỗ đã cạo vỏ để bọc lại” - chị Hòa cho biết. Để kích thích cho cành chiết, hàng ngày chị phun nhẹ nước. Sau khoảng 25-35 ngày cành sẽ ra rễ. Chừng 2-2,5 tháng, chị mang cành chiết ra trồng trong vườn. Để cây hoa phát triển tốt, chị chú trọng khâu làm đất theo tỷ lệ: 30% đất trồng hoa; đất ải, xơ dừa, phân ủ mục, cát vàng hoặc xỉ than (mỗi loại 20%). Quá trình trồng chị tính toán để bón lót phân hữu cơ, phân lân và tưới nước cho cây hợp lý. Hoa hồng là giống ưa nước nên chị đặc biệt chú ý đến việc cung cấp nước, độ ẩm cho cây. Đối với cây trồng dưới đất vườn, chị tưới cho cây từ 1-2 lần/ngày. Đối với các cây trồng trong chậu chị tưới 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều muộn. Khi tưới nước cho hoa hồng, chị sẽ tưới đẫm chứ không chỉ tưới trên bề mặt. Như vậy thì cây mới đủ nước cho lá quang hợp. Chị tuyệt đối không tưới hoa hồng vào buổi tối, bởi nếu nước đọng lại trên lá sẽ dễ khiến lá cây bị nấm bệnh. Khi cây hoa cao khoảng 25cm, chị Hòa tiến hành bấm ngọn để tạo thế. Đối với mỗi cây hoa hồng chị chỉ để 4-5 cành cấp 1 toả đều xung quanh, tạo thành bộ khung chính của cây. Mặc dù là giống cây khỏe, sinh trưởng và phát triển tốt nhưng hoa hồng vẫn bị một số loại sâu và nấm gây hại như: nấm cây, bệnh gỉ sắt, bệnh phấn trắng, rệp sáp… Đối với các loại sâu hại bình thường, quá trình thăm vườn chị Hòa sẽ thường xuyên ngắt bỏ các lá sâu. Nếu phức tạp hơn, chị sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp để phun cho cây. Ngoài ra cũng thường xuyên tỉa bỏ các lá già, cành tăm hương để tán cây được thông thoáng, từ đó giảm sâu, bệnh cho cây. Khác với nhiều nhà vườn khác, chỉ trồng 1 loại hồng, vườn của chị Hòa có rất nhiều giống hồng khác nhau. Do đó, việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cũng đòi hỏi phải công phu, tỉ mẩn hơn. Để có thêm kinh nghiệm chăm sóc hoa, chị Hòa thường xuyên quan sát thực tế, đọc các loại sách báo, xem các chương trình phổ biến kiến thức nông nghiệp trên ti vi… Đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trong trồng trọt, vườn hồng của chị sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều hoa, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng nghìn cây hoa hồng giống và chậu hoa hồng thương phẩm, với mức giá từ 200 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/cây tùy chủng loại, kích thước. Năm 2019, trừ chi phí chị thu về trên 100 triệu đồng. “Ưu điểm lớn nhất của cây là dễ trồng, không tốn nhiều chi phí phân bón, thuốc trừ sâu. Đặc biệt nếu vào chính vụ, hoa hồng hầu như không có sâu. Hồng cồn là giống cây trồng 1 lần “ăn” cả năm, không phải đầu tư giống mới, rất phù hợp với điều kiện kinh tế của bà con nông dân. Trồng các giống hoa hồng cổ còn giúp các chủ nhà vườn tiết kiệm công chăm sóc, làm cỏ. Đối với nhiều loại hoa khác, nếu không chăm, cây sẽ không cho thu hoạch. Nhưng nếu trồng hồng, thậm chí bỏ “dại” vẫn có thể cho thu hoạch. Theo ước tính của tôi, trồng hồng ít nhất cũng có thu nhập cao gấp 2-3 lần so với các loại hoa khác”, chị Hòa khẳng định. Việc trồng hồng, đặc biệt là các giống hoa hồng cổ đã giúp nhiều nhà vườn ở Nam Mỹ ổn định cuộc sống và làm giàu ngay trên chính quê hương. Những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên ngày càng nhiều khiến diện mạo nông thôn của xã ngày thêm sáng - xanh - sạch - đẹp. Việc đưa các giống hồng về trồng tại địa phương còn có ý nghĩa lớn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhất là nâng cao giá trị sản xuất trên một diện tích canh tác. Do đó người dân trồng hồng, đặc biệt là giống hồng cổ Sa Pa ngày càng nhiều. Một số hộ trong xã trồng với số lượng lớn có thể kể đến như: gia đình chị Hòa, chị Hiền, anh Hiếu, anh Thiêm…

Khu vườn rộng trên 2 sào của nhà chị Hòa hiện đang ở vào thời điểm “đẹp” nhất trong năm. Tô điểm cho khu vườn là hàng nghìn bông hồng với đủ chủng loại, màu sắc. Thoảng trong gió là mùi thơm của hoa hồng đưa lại. Câu chuyện giữa chúng tôi với chị Hòa còn thường xuyên bị ngắt quãng bởi chị có điện thoại khách hẹn đặt mua cây. “Buôn bán bây giờ khác với ngày xưa, thỉnh thoảng tôi mới phải chở cây sang Ninh Bình bán chứ chủ yếu thương lái xuống tận vườn mua. Khi đã quen, nhà vườn chụp ảnh gửi hình qua zalo, khách ưng thì chuyển khoản, đỡ chi phí đi lại tốn kém. Từ vườn nhà, những gốc hồng này được chuyển đi Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nội, Quảng Ninh vào tận miền Nam… làm đẹp cho các khuôn viên, khu nhà” - chị Hòa chia sẻ. Thời gian tới, gia đình chị Hòa dự định tiếp tục mở rộng diện tích, số lượng trồng cây hoa hồng cổ, đặc biệt là hồng cổ Sa Pa. Đây cũng là dự định chung của nhiều chủ nhà vườn trồng hồng ở Nam Mỹ nói chung trước giống cây mà họ xác định là “chủ lực, mũi nhọn” kinh tế./.

Bài và ảnh: Hoa Quyên

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com