Trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước hăng hái lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc. Ở lại hậu phương, những người vợ, người mẹ hy sinh hạnh phúc riêng tư, tiễn chồng, con ra tiền tuyến. Họ chính là hậu phương vững chắc trong trái tim của những người lính, tạo ra sức mạnh to lớn cùng tiền tuyến giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Nếu lỡ có chuyện xấu nhất… tôi sẽ ở vậy nuôi con
Bà Trần Thanh Vân, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) dù tuổi đã cao vẫn thường xuyên đọc, theo dõi, cập nhật tin tức trên báo chí địa phương. |
Năm 1962, cô gái trẻ Trần Thanh Vân lần đầu tiên gặp người bạn đời của mình, người lính xe tăng Trần Minh Công trong một lần anh về phép thăm nhà. Sau lần gặp gỡ họ dần cảm mến nhau rồi thư từ qua lại. Hai năm sau, một đám cưới giản dị với tinh thần thời chiến đã được tổ chức. Cưới xong được mấy hôm, anh ra Hà Nội rồi được cử sang Trung Quốc học tập, đào tạo. Năm 1966, chị Vân sinh con trai đầu lòng thì đến năm 1968, anh Công đi B, mọi liên lạc của vợ chồng trẻ chủ yếu qua những cánh thư. Có những thời điểm hai vợ chồng mất liên lạc thường xuyên. “Tôi chỉ biết tin tức về chồng qua những người bạn chiến đấu cùng đơn vị đi công tác ghé qua nhà chơi, thăm hỏi”. Năm 1971, trong một lần ông về phép, bà Vân có con gái thứ hai. Cuối năm 1978, theo yêu cầu nhiệm vụ lần thứ 2, ông Công tiếp tục hành quân vào An Giang tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế. Tháng 5-1985, ông được bổ nhiệm làm Tham mưu phó, Quân đoàn 2, đến năm 1990 thì về nghỉ hưu. Từ khi cưới cho đến lúc ông về nghỉ hưu tròn 26 năm, bà Vân tính, họ ở bên nhau chỉ vỏn vẹn vài tháng. Chồng ở xa, bố mẹ chồng mất sớm, bố mẹ đẻ lại ở xa, bà Vân đã rất vất vả để chèo chống nhà cửa, lo cho con cái học hành. Vốn là công nhân nhà máy dệt nhưng do bị bệnh tim, bà phải nghỉ việc từ rất sớm. Không có công việc, không có tiền, bà Vân “xoay” đủ nghề nhằm duy trì cuộc sống cho 3 mẹ con. Bà dựng lán nuôi lợn, tăng gia sản xuất thêm. Ban ngày, bà nhận dệt len, đêm về bóc lạc thuê kiếm tiền. “Ai thuê gì tôi cũng làm, miễn là kiếm được tiền nuôi con. Có những lúc trong nhà không có nổi cân gạo, cơm ăn thay bằng hạt bo bo, ngô và sắn. Đồng đội cùng đơn vị ông nhà tôi vào chơi đúng bữa ăn, con gái tôi “ngại” quá nói, mẹ con cháu ăn vặt ấy mà”, bà Vân nhớ lại. Vất vả là thế nhưng bà Vân không cảm thấy khổ: “bởi hồi đó, ai cũng như thế, khổ như nhau. Những năm tháng ấy, điều tôi canh cánh trong lòng, lo âu nhất là tin tức của chồng bởi trong chiến tranh, không thể nói trước bất cứ điều gì. Tôi xác định, nếu lỡ điều xấu nhất xảy ra, tôi sẽ ở vậy nuôi các con, thờ chồng”, bà Vân chia sẻ. Bà quý lắm những lần ông về phép, gia đình như “có hội”. 4 người quây quần, trò chuyện vui vẻ. Mặc dù bữa ăn hàng ngày ngô sắn thay cơm nhưng khi ông về bà vẫn cố gắng tươm tất mâm cơm cho cả nhà. Để ông không phải lo lắng, băn khoăn cho vợ con, để ông yên tâm đánh giặc. Đến bây giờ, bà Vân vẫn thấy mình may mắn, sau chiến tranh, ông đã trở về lành lặn cùng bà đồng hành trong quãng đời còn lại.
Nước mắt chảy ngược
Bà Mai Thị Nhung, Chủ nhiệm câu lạc bộ “Vợ thương binh liệt sĩ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” (thành phố Nam Định) ôn lại truyền thống gia đình cho con cháu. |
Không được may mắn như bà Vân, bà Mai Thị Nhung, Chủ nhiệm câu lạc bộ “Vợ thương binh liệt sĩ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” thành phố Nam Định đã trở thành góa phụ khi mới 22 tuổi. Năm 1971, chàng trai trẻ Trần Văn Dần lúc bấy giờ làm ở Phòng Thiết kế, Nhà máy Pin Văn Điển thường đạp xe xuống Hà Nam thăm em gái học sư phạm sơ tán về đây. Họ gặp nhau, tình yêu nhanh chóng nảy sinh rồi đi đến hôn nhân. Tháng 10-1971, đám cưới ấm cúng diễn ra với sự chứng kiến của cha mẹ hai bên, họ hàng, bạn bè. Cô dâu khi đó tròn 21 tuổi. Ngày 25-12-1971, đúng vào dịp nghỉ lễ Noel, anh Dần nhận được giấy báo tổng động viên. Sau Tết năm 1972, anh nhập ngũ, huấn luyện ở ngoài Bắc thêm khoảng 5-6 tháng rồi hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Tháng 8, anh viết thư về nhà báo với chị Nhung, Hiệp định Pari sắp được ký kết, ngày về với gia đình, với em đang đến gần. Tiếp đó anh được điều động đi Huế, tuy nhiên trên đường hành quân xuống Huế thì đơn vị anh nhận lệnh quay lại chiến trường Quảng Trị. Quay lại Quảng Trị lần 2, anh cùng đồng đội đánh đồi 06 và đã anh dũng hy sinh. “Sau này khi đã bình tâm hơn, tôi đọc kỹ Giấy báo tử thấy ghi như vậy. Lúc đó tôi hầu như không cảm nhận được gì. Theo năm tháng, nỗi đau có lúc trào lên một cách dữ dội rồi dần lắng xuống, dai dẳng” - bà Nhung chia sẻ. Hai tháng sau khi ông Dần hy sinh, bà Nhung sinh con trai đầu lòng. Với bà, con trai vừa là động lực vừa là “cứu cánh” trong những năm tháng dài dặc một mình nuôi con, thờ chồng. Hết nghỉ đẻ theo chế độ, bà một mình mang con xuống trường vừa nuôi con vừa đi dạy. Ban ngày, bà gửi con nhờ nhà dân trông, tối về tranh thủ soạn bài. “Tôi luôn tự động viên bản thân phải nhìn vào con để cố gắng, để xứng đáng với sự hy sinh của chồng”, bà Nhung tâm sự. Là một giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề, bà được cấp trên đánh giá cao. Năm 26 tuổi, bà đã là Hiệu phó Trường cấp 2 Mỹ Trung (Mỹ Lộc). Năm 1977, bà chuyển về làm Hiệu phó ở Trường Tiểu học Lộc Hạ, thành phố Nam Định. Khi mới 33 tuổi bà được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường cấp 1, 2 Lộc Hạ, quản lý hàng trăm giáo viên. Bà cũng là hiệu trưởng trẻ nhất của thành phố Nam Định lúc bấy giờ. Năm 1998, bà được điều động lên làm Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục thành phố cho đến khi nghỉ hưu. Về hưu, bà Nhung rất tích cực tham gia công tác xã hội, đặc biệt là hoạt động khuyến học. Vốn là một giáo viên, bà mong muốn ngành giáo dục nói riêng, xã hội nói chung quan tâm nhiều đến hoạt động khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ cho các tài năng trẻ phát triển, giúp nhiều học sinh nghèo có cơ hội đến trường. Năm 2005, bà được tín nhiệm bầu là Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Nam Định. Trước đó, bà có nhiều năm giữ chức Phó chủ tịch Hội. Từ năm 1988, bà là Chủ nhiệm câu lạc bộ “Vợ thương binh liệt sĩ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” thành phố Nam Định. Với vai trò chủ nhiệm, bà đã kết nối các chị em có cùng hoàn cảnh, vận động hội viên gây quỹ để giúp vốn cho những hội viên khó khăn vay phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Từ đại thắng mùa Xuân năm 1975, đến nay đã 45 năm; những đau thương, mất mát do chiến tranh để lại đang dần lắng xuống. Tuy nhiên, vẫn còn đó hình bóng của những người vợ, người mẹ tảo tần xứng với truyền thống của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân