Gặp những cựu chiến binh tham gia giải phóng miền Nam

09:04, 30/04/2020

Những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước đang náo nức kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), chúng tôi được gặp và trò chuyện với những cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Ký ức hào hùng về đại thắng mùa Xuân năm 1975 của toàn dân tộc vẫn in đậm trong tâm trí những người lính năm xưa.

Dùng thân mình chèn bom bảo vệ đồng đội

Anh hùng LLVTND Nguyễn Thế Cự (bên trái) và đồng đội ôn lại kỷ niệm về ngày đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Anh hùng LLVTND Nguyễn Thế Cự (bên trái) và đồng đội ôn lại kỷ niệm về ngày đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Chúng tôi tìm đến gia đình Trung tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thế Cự tại phường Thống Nhất (thành phố Nam Định), nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Nghĩa Hưng. Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, những ký ức năm xưa lại ùa về trong tâm trí người lính già. Ông Cự sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng). Năm 1969, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, khi mới 17 tuổi, anh thanh niên Nguyễn Thế Cự đã xung phong lên đường nhập ngũ. Sau 6 tháng huấn luyện và hành quân ròng rã, ông gia nhập Đại đội Thông tin 20, Trung đoàn 3, Sư đoàn 5, Bộ Tư lệnh Miền. Trên chiến trường Lộc Ninh (Tây Ninh), cùng với đồng đội, ông đã tham gia 38 trận đánh lớn nhỏ và lập nhiều chiến công xuất sắc. Ông Cự nhớ lại, Lộc Ninh là một trong 3 trận địa có tính quyết định trong chiến dịch Đông Nam Bộ 1972 (còn gọi là chiến dịch Nguyễn Huệ). Mục tiêu các trận đánh này là phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tại phía Bắc miền Đông Nam Bộ, chiếm giữ các bàn đạp có lợi để tiếp tục tấn công tuyến phòng thủ vòng trong của chính quyền ngụy quân Sài Gòn, phát triển đến tuyến Bình Long - Tây Ninh, nếu có điều kiện, có thể thọc sâu đến Gò Dầu - Bến Cát; giải phóng các tỉnh Bình Long, Lộc Ninh theo kế hoạch chiến dịch Nguyễn Huệ. Vinh dự cho ông là được ở mặt trận này từ năm 1970 đến năm 1973. Trên hướng mặt trận này, ông Cự có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc cho Trung đoàn. Mưu trí dũng cảm, phục vụ tốt cho chỉ huy chiến đấu là ấn tượng của cấp trên, đồng đội về ông. Nhiều lần bị sốt rét, sức khỏe yếu, đơn vị cho nghỉ điều trị nhưng vì thiết tha với nhiệm vụ, ông vẫn xin đi chiến đấu bằng được. Theo dòng hồi tưởng, ông Cự chia sẻ: “Vào cuối tháng 12-1970, trong lúc đang thu dây điện thoại thì địch bất ngờ đánh ra. Dưới làn hỏa lực của địch, tôi đã thu dây xong trước khi địch sục xuống, vì vậy, Sở chỉ huy giữ được bí mật an toàn”. Cũng tại mặt trận Lộc Ninh khoảng đầu tháng 4-1972, ông Cự được giao phụ trách đường dây ở hướng chủ yếu dài 6km, máy bay địch bắn phá ác liệt, dây điện thoại bị đứt hàng chục lần. Mỗi lần đứt dây là ông lại nhanh chóng xông ra nối bằng được, có lần bom nổ bị ngất đi, khi tỉnh lại ông lại tiếp tục đi nối dây đảm bảo đường dây luôn thông suốt phục vụ đắc lực cho chỉ huy chiến đấu. Với ông, đáng nhớ nhất trận chiến mà sau này giúp ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Khi đó, ông đang làm nhiệm vụ ở Sở chỉ huy với tham mưu trung đoàn thì máy bay địch đến đánh phá, một quả bom bi rơi ngay chỗ làm việc. Nguyễn Thế Cự nhanh chóng nằm đè lên quả bom đã giúp cứu sống nhiều đồng đội. Với thành tích xuất sắc trong các trận đánh giải phóng thị xã Lộc Ninh, ông được trao tặng Huy hiệu Chiến sĩ thi đua; Huy hiệu chiến sĩ Quyết thắng cấp 2 và Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông tiếp tục tham gia quân ngũ và trải qua nhiều chức vụ như: Trợ lý Thanh niên, Ban Thanh niên Quân đội (Bộ Quốc phòng); Trợ lý Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Nam Hà; Trợ lý Chính trị Ban CHQS huyện Nghĩa Hưng. Từ tháng 1-1988 đến tháng 11-1990, ông là Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Nghĩa Hưng và nghỉ chế độ đến nay.

Giải phóng Xuân Lộc, thẳng tiến Sài Gòn

Cựu chiến binh Vũ Tuấn Đạt (bên trái) và đồng đội ôn lại kỷ niệm trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Cựu chiến binh Vũ Tuấn Đạt (bên trái) và đồng đội ôn lại kỷ niệm trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nhiều người con quê hương Nam Định đã xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, ông Vũ Tuấn Đạt, tổ dân phố 5, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) cũng được vinh dự góp phần vào chiến thắng lịch sử 1975. Tháng 8-1972, được lệnh tổng động viên, ông Đạt xung phong đi bộ đội. Sau thời gian huấn luyện ở Trung đoàn 19, Tỉnh đội Nam Hà, tháng 1-1973, ông cùng đồng đội được điều động tăng cường cho đơn vị H32, Đoàn Bắc Thái và hành quân dọc đường Trường Sơn vào miền Đông Nam Bộ. Sau gần 6 tháng hành quân, đơn vị được bổ sung và nhập vào Tiểu đoàn 24 (tiểu đoàn chống Bồ Đề) là Tiểu đoàn súng máy 12 ly 8 trực thuộc Sư đoàn 7 (khi đó mang mật danh “Công trường 7” thuộc Bộ Tư lệnh miền Đông Nam Bộ), trực tiếp chiến đấu ở khu vực sông Bé, sông Đồng Nai. Ông Đạt hồi tưởng, sau khi giải phóng Lâm Đồng (tháng 3-1975), đến đầu tháng 4, đơn vị của ông được lệnh chuyển quân về Xuân Lộc (Đồng  Nai) - một trong những khu vực phòng thủ trọng yếu cơ bản của ngụy quyền Sài Gòn để phòng giữ cửa ngõ phía đông của thành phố, nằm trên trục đường giao thông quan trọng là Quốc  lộ 1, đường 20 và đường 15 là những tuyến cơ động chủ yếu vào Sài Gòn. Chính diện tuyến phòng ngự Xuân Lộc khoảng 40km kéo dài từ Túc Trưng qua Dầu Giây, thị xã Long Khánh đến ngã 3 Tân Phong. Khu vực này có nhiều núi cao, rừng già che phủ địa thế rất hiểm yếu cho hoạt động quân sự. Trong trận chiến Xuân Lộc, đơn vị của ông gặp chiến đoàn xe tăng của địch nằm bên vệ đường, cách đơn vị của ông chưa đến 100m. Để chống trả địch, đơn vị của ông chọn điểm cao và nã súng 12 ly 8 xuống phía địch, khiến địch cảm giác như bị pháo chống tăng bắn. Một kỷ niệm đáng nhớ với ông nhất là vào sáng 18-4-1975, khi đó, một đồng chí trinh sát trong quá trình thám thính bị địch phát hiện nên địch đã gọi pháo cối nã về phía đơn vị trú quân rát rạt. Trong làn đạn, đồng chí Cường, Đại đội phó vừa chạy đến trước cửa hầm thì hy sinh do bị trúng đạn cối 61 của địch bắn, nhưng cánh tay anh vẫn chỉ hướng báo hiệu địch ở trước mặt. Bản thân ông vừa nhô người ra khỏi cửa hầm để nhận lệnh từ đồng chí Đại đội phó thì một cảm giác sượt qua mặt lạnh toát, đến khi đồng đội nói ông bị trúng đạn, ông mới biết là mình bị thương. Sau khi được băng bó, điều trị, cùng với các đơn vị bạn, đơn vị Sư đoàn 7 của ông đã tập trung hỏa lực và tiến công trên hướng chủ yếu từ phía đông thị xã, đánh chiếm hậu cứ Trung đoàn 5, Chiến đoàn 43, Sở Chỉ huy Sư đoàn 18 ngụy, diệt toàn bộ quân địch ở phía đông thị xã và phát triển xuống phía nam. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Sư đoàn 18 ngụy rút chạy, đến chiều tối 20-4, toàn bộ địch ở Xuân Lộc tháo chạy. Ngày 21-4, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng, chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc thắng lợi. Đây có thể nói là một thắng lợi lớn có ý nghĩa quyết định mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.

Sau giải phóng miền Nam, tháng 11-1977, do điều kiện sức khỏe bị ảnh hưởng bởi nhiều vết thương, ông Đạt được phục viên về quê hương với thương binh hạng 3/4 (44%). Với những chiến công trong cuộc kháng chiến, ông được phong tặng Huy chương Chiến sĩ giải phóng miền Nam hạng Ba; Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.

***

45 năm đã qua, ký ức về những trận chiến mở màn đến Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn như mới ngày nào. Những người lính năm xưa như ông Cự, ông Đạt nay đều đã bước sang tuổi gần 70. Tuy nhiên khi gặp lại đồng đội giữa những ngày tháng Tư lịch sử, những trang ký ức cứ lần lượt hiện về như thước phim quay chậm. Những người lính cựu chiến binh năm đó vẫn mãi không thể nào quên ngày hội thống nhất, non sông thu về một mối. Những câu chuyện hào hùng đó thường xuyên được kể lại nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tiếp bước cha ông trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com