Đam mê với nghề trồng nấm sạch

08:04, 24/04/2020

 

Anh Trần Văn Cấp, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) kiểm tra nguyên liệu trước khi đưa vào trồng nấm.  Ảnh: Do nhân vật cung cấp
Anh Trần Văn Cấp, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) kiểm tra nguyên liệu trước khi đưa vào trồng nấm. Ảnh: Do nhân vật cung cấp

Tốt nghiệp Đại học Mỏ địa chất, Trần Văn Cấp xin vào một công ty chuyên thăm dò địa chất tại Hà Nội và mải mê với những công trình từ miền núi phía Bắc đến những tỉnh miền Nam của nước Lào. Với mong muốn một cuộc sống sum vầy trên chính mảnh đất quê hương, năm 2014, Cấp xin thôi công việc đã gắn bó 4 năm để về quê nhà xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) trồng nấm. Đây là một quyết định khó khăn bởi anh vấp phải sự phản đối của người thân, đặc biệt là người vợ đang làm việc tại một ngân hàng ở Hà Nội. Bằng sự quyết tâm và kế hoạch rõ ràng, cuối cùng vợ anh đã đồng ý từ bỏ công việc đúng chuyên môn, đưa con nhỏ về quê lập nghiệp. Tuy nhiên, đến ngày về, bố mẹ vẫn không chấp nhận việc vợ chồng anh bỏ công việc ổn định với bao công sức học hành, trong khi những người làm nông ở quê tháng ngày dầu dãi nắng mưa vẫn còn nghèo. Với vốn kiến thức “học lỏm” được trong những ngày ở Lào khi chứng kiến một số người Việt sang dạy kỹ thuật nuôi nấm cho người dân nước bạn và họ đã làm rất hiệu quả khi tận dụng được nguồn rơm rạ có sẵn đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh nghĩ ngay đến cánh đồng bát ngát ở quê, nơi nguồn rơm, rạ sau mỗi vụ lúa dư thừa nhiều, không được xử lý đúng cách gây ô nhiễm môi trường, trong khi đây là loại vật liệu rất tốt để trồng nấm. Anh đã đăng ký khóa học về kỹ thuật trồng nấm tại Học viện Nông nghiệp Hà Nội và đi tham quan một số mô hình trồng nấm ở các địa phương, tìm mua giống nấm rơm tại Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và trồng trên diện tích 300m2 của gia đình. Nguồn vốn ban đầu còn hạn hẹp, không có tiền thuê nhân công, hai vợ chồng phải làm thủ công, mỗi ngày vài trăm bịch, thu được khoảng 5-10kg nấm. Do chưa có kinh nghiệm, anh liên tiếp phải nhận thất bại khi nấm chết hàng loạt, sản lượng thu về chẳng đủ cho gia đình ăn, bị thiệt hại mất 70 triệu đồng. Không nản chí, cùng với những kinh nghiệm rút ra sau những lần thất bại, anh bắt tay vào trồng tiếp và bắt đầu chuyển từ hòa vốn sang có lãi. Anh huy động mọi nguồn vốn mở rộng cơ sở sản xuất, từ 300m2 thành 1.000m2 và hiện tại là 3.000m2, đồng thời đầu tư máy móc, thuê thêm nhân công. Anh tìm đến những xưởng gỗ lớn để thu mua mùn cưa, bông phế phẩm ở các nhà máy dệt và thu gom rơm rạ ngoài cánh đồng. Anh thường xuyên lên các trang mạng tham khảo và tham gia các lớp tập huấn để nâng cao trình độ. Ngoài nấm rơm, anh nghiên cứu trồng thêm các loại nấm khác để đáp ứng nhu cầu thị trường như nấm linh chi, nấm sò, nấm hoàng đế… Do trồng nấm theo quy trình khép kín, nguồn nguyên liệu, nguồn nước tưới cho nấm đều phải đảm bảo sạch, ngoài nguồn nước từ nhà máy, anh dùng nước giếng khoan không nhiễm phèn, nhiễm khuẩn, thừa sắt để tránh nấm bị chết. Đặc biệt, không dùng các chất kích thích nên sản phẩm nấm của cơ sở nhà anh luôn đảm bảo, chất lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Thị trường chủ yếu tại Hà Nội, các siêu thị BigC, Metro. Chỉ tính riêng các loại nấm ăn, mỗi tháng gia đình anh xuất bán khoảng 2 tấn, thu lãi hơn 30 triệu đồng. Đối với nấm linh chi có giá trị cao hơn, dao động khoảng 500-700 nghìn đồng/kg, sản lượng mỗi năm được khoảng 2 tấn, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu/năm. Bên cạnh đó, cơ sở trồng nấm của anh tạo việc làm cho 5-8 lao động địa phương với thu nhập 3-4 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra, anh nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho bà con ở địa phương muốn trồng nấm, cải thiện, nâng cao thu nhập. 

Sắp tới, anh tiếp tục mở rộng sản xuất và thử nghiệm thêm mô hình trồng rau quả sạch. Ở độ tuổi 30, với quyết tâm và sự nỗ lực của bản thân, anh Trần Văn Cấp đã mang lại thu nhập gần nửa tỷ đồng mỗi năm./.

Hồng Minh



Tường thuật xổ số miền bắc siêu nhanh giám sát an toàn là gìHướng dẫn đọc sách online hiệu quả

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com