Nghề múa - Khổ luyện để tỏa sáng

08:03, 06/03/2020

Múa là một bộ môn nghệ thuật biểu diễn sử dụng ngôn ngữ hình thể để phản ánh tình cảm, hiện tượng của cuộc sống. Nghề múa đòi hỏi người làm nghề phải hội tụ nhiều tiêu chuẩn, rất khắt khe. Bên cạnh năng khiếu thì để theo đuổi đam mê và sống được với nghề cần phải rất nhiều nỗ lực và khổ luyện.

Cô và trò lớp múa Hoa Nhi, đường Phan Bội Châu (thành phố Nam Định) trong giờ tập luyện.  Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Cô và trò lớp múa Hoa Nhi, đường Phan Bội Châu (thành phố Nam Định) trong giờ tập luyện. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Nghề múa kén người mà cũng nhiều khắc nghiệt. Đằng sau những hình ảnh lộng lẫy trên sân khấu là cả quá trình tập luyện vô cùng vất vả. Chị Nguyễn Thị Hường, giáo viên dạy múa, Đội phó đội tuyên truyền lưu động, Trung tâm Văn hóa Điện ảnh và Triển lãm tỉnh Nam Định đã có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với bộ môn nghệ thuật này. Chị đến với nghề múa như một cái duyên. Thời gian thi đại học, được một người bạn rủ cùng thi vào Trường Múa Việt Nam, dù không hiểu biết về múa, không hề có kinh nghiệm đứng trên sân khấu, chị vẫn đăng ký nộp hồ sơ và không ngờ lại trúng tuyển. Sau khi ra trường, chị là diễn viên múa của các đoàn ca múa nhạc Quân khu 2, Quân khu 3. Mỗi chuyến đi biểu diễn, mỗi tiết mục múa là một trải nghiệm mới và thú vị, giúp chị thêm yêu nghề, yêu đời. Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp hơn 20 năm gắn bó với nghề, chị Hường chia sẻ: “Đó là một buổi biểu diễn cùng các chiến sĩ ở Quân khu 3. Đêm hôm đó, chúng tôi biểu diễn một tác phẩm có đoạn tôi và đồng chí chiến sĩ treo mình trên cao. Đồng chí chiến sĩ đó không phải là diễn viên múa chuyên nghiệp nên đã xảy ra một sơ suất nhỏ khiến tôi bị ngã, dẫn tới bị chùn cột sống, phải nằm viện. Sau sự cố đó, tôi bị hạn chế hơn ở một số động tác múa. Thậm chí, mỗi khi thời tiết thay đổi, tôi cũng bị đau nhức cột sống. Nhưng với tình yêu nghề, đam mê được cống hiến, chúng tôi vẫn luôn cố gắng hết mình”. Tình yêu và đam mê với nghề là động lực để chị Hường truyền “lửa” cho nhiều bạn trẻ. Với chị, ngoài định hướng giảng dạy cho các em về bộ môn múa thì việc truyền cảm hứng cho các em là điều quan trọng. Cái khó buộc chị phải cố gắng, trải nghiệm, đầu tư làm sao để bản thân thoát khỏi lối mòn, để truyền niềm hứng khởi đến với học trò.

Múa xưa nay vẫn là một nghề đào tạo lắm công phu, học nhiều, vất vả nhưng tuổi nghề ngắn vì vậy nhiều bậc phụ huynh không muốn cho con theo đuổi nghệ thuật múa vì sợ con vất vả, băn khoăn về thu nhập quá thấp, cơ hội theo con đường chuyên nghiệp quá hạn hẹp... Tuy nhiên, ngày nay, trong nhiều sự kiện, ngày kỷ niệm lớn, nhỏ của các ngành nghề cho đến các sự kiện trọng đại của tỉnh, của cả nước đều có các tiết mục của các nghệ sĩ, diễn viên múa tham gia. Xã hội ngày càng phát triển, nhiều bạn trẻ đã trở lại yêu thích và học múa. Nhiều bạn trẻ có thể đi biểu diễn bằng nghề của mình ngay trong quá trình học, số thù lao một buổi biểu diễn có khi còn cao hơn cả một suất học bổng cả tháng. Nhiều bạn đã có việc làm đúng nghề sau tốt nghiệp. Không chỉ được nhận vào các đoàn nghệ thuật, nhiều bạn đã mở các nhóm múa, tự đi biểu diễn hoặc mở các lớp dạy múa... Nghề múa đang dần lấy lại vị thế và có đất “sống”. Nhiều gia đình có nhu cầu cho con đi học múa từ khi còn rất nhỏ, chỉ 4-5 tuổi. Theo họ, cho con học thêm những môn năng khiếu này sẽ giúp con nâng cao khả năng vận động, thay vì ở nhà chỉ biết chơi điện tử hay xem tivi… gây hại cho mắt và sức khỏe của trẻ. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng mong muốn các con mạnh dạn hơn, phát triển được các kỹ năng xã hội. Chính vì vậy trên địa bàn thành phố Nam Định có khá nhiều lớp dạy múa cho trẻ nhỏ. Lớp múa Hoa Nhi, đường Phan Bội Châu, thành phố Nam Định được mở năm 2018 với 2 giáo viên được đào tạo bài bản về nghề múa tại Trường Cao đẳng múa Việt Nam. Chị Trần Thị Thanh Hoa, giáo viên lớp múa Hoa Nhi cho biết: “Múa là một bộ môn nghệ thuật rất khó. Các em học sinh ở đây đều là những em còn nhỏ tuổi. Dù môi trường đào tạo khắc nghiệt với nhiều động tác uốn người rất khó nhưng các em luôn cố gắng. Mỗi khi được đi biểu diễn, các em phấn khởi lắm. Học múa sớm giúp các em dẻo dai, học hỏi được tính kiên trì, cố gắng vượt qua những khó khăn, thử thách”.

Nghề múa thực sự là một nghề đầy gian nan, nhưng với tình yêu và đam mê cống hiến của những nghệ sĩ, diễn viên múa mà khán giả có thêm một món ăn tinh thần đầy ý nghĩa./.

Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com