Người đam mê sưu tầm sách báo cũ

08:02, 28/02/2020

Cha tôi, ông Nguyễn Phi Hùng có sở thích đọc, sưu tầm, lưu trữ những tờ báo cũ bằng cách đóng quyển bìa cứng, ghi thứ tự số báo qua từng tháng, năm theo phong trào “Đọc và làm theo báo chí” từ những năm 1960. Trải qua thời gian do chiến tranh, giặc giã, chuyển nhà nhiều lần…, những tập báo cũ của cha thưa dần rồi thất lạc. Tuy nhiên, thói quen đọc báo hàng ngày của ông thì vẫn còn. Được thừa hưởng thói quen tốt từ cha, tôi cũng rất chịu khó đọc. Những năm trở lại đây tôi bắt đầu sưu tầm sách báo cũ. Tôi có nhiều cách sưu tầm, mua lại từ cửa hàng, của người bán đồng nát, kết nối với cộng đồng mạng, sưu tầm kiểu online... Kho thư tịch theo năm tháng đã ngày càng đầy lên, tôi tự hào lưu giữ được những số báo rất quý, xuất bản vào những thời điểm trọng đại, ghi lại những dấu mốc đặc biệt của đất nước” - Anh Nguyễn Phi Dũng, Giám đốc Cty TNHH Điện tử tin học Phi Dũng cho biết.

Anh Nguyễn Phi Dũng giới thiệu về không gian sưu tầm báo cũ của gia đình.
Anh Nguyễn Phi Dũng giới thiệu về không gian sưu tầm báo cũ của gia đình.

Nâng niu, giở từng tờ, trang báo với một động tác hết sức cẩn thận, trân trọng, anh Dũng hào hứng: “Đây, số 10 ra ngày 1-11-1946 trên tờ Vui Sống của Cục Quân y có nhiều bài giá trị nói về “Hậu sản”, về “Con bệnh với thầy thuốc”, bàn về mối quan hệ “phong bì” tế nhị mà cứ tưởng thời đại ngày nay mới có. Giá trị của báo chí, theo tôi nghĩ là ở chỗ, chỉ ra được những vấn đề của thời đại”. Tờ Vui Sống chỉ là một trong hàng nghìn tờ báo mà anh cất công sưu tập nhiều năm qua. Trong căn phòng hơn 50m2, nằm ngay cạnh phòng làm việc, anh Dũng đặt rất nhiều kệ, bàn, túi ni lông, hộp đựng, trang bị cả điều hòa, máy hút ẩm để duy trì nhiệt độ phòng lý tưởng, tránh ẩm mốc làm hỏng sách báo. Theo ước tính của anh, hiện số lượng sách báo sưu tầm được đã lên đến… 6 tấn với hàng trăm nghìn ấn phẩm. Trong đó có những số báo thuộc vào dạng quý hiếm “độc nhất vô nhị” như: “Cờ Giải Phóng”, tờ số 1, đang in thì bị địch phát hiện, “Indochine”, “Gia Định Báo”, “Độc Lập”, “Tiếng Vang”, “Tiếng Chuông”, “Vui Sống”, “Cứu Quốc”… Bận rộn với công việc kinh doanh nhưng hễ cứ có thời gian rảnh anh Dũng lại vào căn phòng mà anh yêu thích nhất trong nhà đọc báo. Khép cửa phòng, lần giở những trang báo cũ, đặc biệt là những tờ báo cách mạng, anh Dũng bảo, như cảm thấy “quá khứ được tái hiện”. Sau những con chữ mờ nhòe là lịch sử đất nước với những trận chiến khốc liệt, tài trí của cả dân tộc. Là những hy sinh mất mát của đồng chí, đồng bào, là không khí sôi nổi những năm cả nước xây dựng xã hội chủ nghĩa, là tình cảm quân dân thắm thiết, là phản ánh tinh thần yêu chuộng hòa bình, sự ủng hộ của thế giới đối với cuộc chiến tranh cứu nước của Việt Nam... Những tên bài nghe đã thấy sôi sục khí thế, phản ánh đầy đủ tình hình trong nước lúc bấy giờ: “Kéo pháo ra trong chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Vừa đánh vừa đàm”, “Mỗi người làm việc bằng hai, tất cả vì miền Nam thân yêu”, “Vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, “Quảng Trị mùa hè đỏ lửa”, “Chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, “Cánh đồng chết Khơ Me đỏ”… Những bài báo đó không chỉ là thông tin đơn thuần mà còn là lời hiệu triệu cả dân tộc cùng dũng cảm đứng lên đánh giặc, là sự phân tích, nhìn nhận một cách khoa học, xác thực thế trận chiến tranh. Nó còn chứng tỏ sự dũng cảm của những nhà báo chiến trường, dám xả thân để viết. “Có những lúc tôi đọc bài mà cũng cảm thấy sục sôi, người nóng dần lên, bị cuốn vào mạch của tác giả, khi thì cảm động nghẹn nghào”, anh Dũng chia sẻ. Ngoài sưu tầm, lưu giữ được những tờ, số báo có tuổi đời lâu mang giá trị lịch sử, anh Dũng còn có bộ sưu tập gồm nhiều số báo liên tục của những tờ Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Văn Nghệ, Tiền Phong, Đại Đoàn Kết, Phụ Nữ, Nhi Đồng, Người Hà Nội… từ những ngày đầu xuất bản. Số lượng báo xuất bản sau năm 1954 anh sưu tầm được hiện chiếm khá nhiều. Ngoài ra, anh còn có bộ sưu tập khoảng 500 tờ báo Xuân của nhiều báo trong cả nước qua các thời kỳ. Cùng với báo cũ, anh Dũng còn có nhiều bộ sưu tập về tem thư, tiền, bản đồ, máy chữ… có giá trị, được người trong giới nghề đánh giá cao. Chúng tôi hỏi anh, sao không chọn sưu tầm những món đồ cổ dễ bảo quản và có tính thương mại như sành sứ, đồ đồng, đồ đá… anh nói: “Tôi có được như ngày hôm nay tất cả là nhờ vào việc đọc. Ban đầu đơn thuần là thấy cha hay đọc báo thì cũng “mê” theo. Sau này lớn hơn, khi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thì càng thấy việc đọc sách báo có giá trị. Đọc báo không chỉ giúp tôi nâng cao hiểu biết mà còn giúp tôi kinh nghiệm kinh doanh hiệu quả, biết quản lý con người, công việc tốt hơn. Tôi sưu tầm sách báo cũ, cũng là một cách “trả công” cho những gì tôi nhận được từ “người thầy” thầm lặng tôi đọc hàng ngày”. Vài năm trở lại đây, anh Dũng còn có một cách sưu tầm rất hay là thông qua cộng đồng mạng. Với cách kết nối cực kỳ hiệu quả trên, anh Phi Dũng đã sưu tầm được những ấn phẩm có tuổi đời cao, cực kỳ hiếm, giá trị không thể tính toán bằng vật chất. Kho sách báo đồ sộ, thậm chí có thể coi như một thư viện nhỏ, anh Phi Dũng không giữ niềm đam mê cho riêng mình. Bạn bè đến nhà, anh mời vào phòng xem sách, ai có nhu cầu, có cùng sở thích anh sẵn sàng mở cửa đón tiếp. Đối với những tờ báo từ thập kỷ 70 trở lại đây, anh sẵn sàng gửi tặng những người có sở thích sưu tầm, quan tâm. “Cái gì ta cho đi ta sẽ được nhận lại”, anh nêu quan điểm. Sách báo là giá trị văn hóa, để những giá trị này có thể lan tỏa chỉ có cách là cùng đọc, cùng tìm hiểu. 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng nói: “Sách cũ, giấy đen, không còn đọc được, nhưng nó lại có giá trị của những trang nhật ký cuộc đời. Nó là kỷ niệm, là nhắc nhớ, là những cuốn sách không phải để đọc mà để nghĩ ngợi, để suy tư, để ngẩn ngơ cùng năm tháng đời người”. Với những người yêu thích công việc sưu tầm sách báo cũ như anh Dũng, nhận định này rất đúng. Trên tất cả, họ đến với sách báo vì tình yêu sau những con chữ, sau mới là niềm đam mê sưu tầm, cũng là để nghiên cứu, vừa để giữ gìn chúng. Sưu tầm, giữ gìn cẩn thận, sẵn sàng chia sẻ với những ai có cùng đam mê, yêu mến sách báo cũ, cũng là cách anh Dũng đang góp phần lưu giữ lại một phần lịch sử của đất nước, dân tộc cho những đời sau./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com