Làng nghề vào vụ Tết

08:01, 03/01/2020

Những ngày này, ở các làng nghề nông thôn, không khí Tết đã rất gần.

Có mặt tại làng nghề bánh kẹo truyền thống Đông Cường, thị trấn Yên Định (Hải Hậu) chúng tôi được thấy những chuyến xe ô tô ra, vào tấp nập để vận chuyển các sản phẩm bánh nhãn, bánh dẻo, bánh nướng, bánh khảo, kẹo dồi, kẹo vừng. Không chỉ có lịch sử sản xuất bánh kẹo trên 100 năm, làng nghề Đông Cường còn được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tiến hành xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch cho các sản phẩm bánh kẹo Đông Cường, bánh nhãn Hải Hậu vì vậy người tiêu dùng có căn cứ tin tưởng chất lượng sản phẩm, gia tăng nhu cầu mua hàng trong dịp Tết. Khảo sát nhanh được biết dịp cuối năm các hộ trong làng nghề đều phải tăng cường nhân lực, máy móc hoạt động tối đa công suất để mỗi ngày sản xuất từ 2-3 tạ bánh, kẹo cho thấy uy tín của thương hiệu làng nghề trên thị trường bánh kẹo ngày càng phong phú với bánh kẹo cả nội và ngoại nhập. Một số hộ luôn nhận được nhiều đơn hàng, có sản lượng tiêu thụ cao trong làng nghề như hộ các anh: Vũ Hữu Thọ, Vũ Văn Đỉnh, Nguyễn Bắc Việt, Nguyễn Văn Cơ, Nguyễn Thế An, Vương Văn Vinh… bình quân mỗi ngày giáp Tết cung ứng ra thị trường từ 8-10 tạ bánh, kẹo các loại.

Người dân chọn mua sản phẩm nước mắm cổ truyền của các làng nghề trong tỉnh tại Hội chợ triển lãm tôn vinh thành tựu kinh tế và thương hiệu doanh nghiệp Nam Định 2019.
Người dân chọn mua sản phẩm nước mắm cổ truyền của các làng nghề trong tỉnh tại Hội chợ triển lãm tôn vinh thành tựu kinh tế và thương hiệu doanh nghiệp Nam Định 2019.

Ngoài bánh kẹo, làng nghề Đông Cường còn có sản phẩm “bánh chưng bà Thìn” cũng được người tiêu dùng yêu thích bởi hương vị đậm đà, đặc biệt thơm ngon. Từ trước Tết vài tháng khách hàng đã tấp nập đến đặt bánh chưng bà Thìn với số lượng lớn; dự kiến đầu tháng Chạp số lượng bánh chưng đặt sẽ tăng gấp 2, 3 lần so với ngày thường, hàng được bán đến tận ngày 30 Tết. Ngoài bánh kẹo, nước mắm của các làng nghề truyền thống Ngọc Lâm (Nghĩa Hưng), Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy) cũng có sức tiêu thụ tăng đột biến trong dịp Tết do nhiều người không chỉ lựa chọn để dùng mà còn làm quà biếu tặng. Trong đó, sản phẩm nước mắm của làng nghề Sa Châu, xã Giao Châu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Nước mắm Giao Châu”, nhờ đó trong dịp Tết số lượng đơn hàng tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Để giữ vững thương hiệu sản phẩm, các hộ làm nghề đều đảm bảo sản xuất theo phương thức truyền thống. Cụ thể, các hộ làm nghề đều sử dụng nguyên liệu tự nhiên là cá cơm, tép moi tươi; ủ nắng, phơi sương để mắm chín “ngấu” tự nhiên không nấu qua lửa, không thêm bất cứ loại hóa chất nào nên nước mắm thành phẩm của Sa Châu luôn giữ được hương vị nguyên chất, đậm đà đặc trưng. Để chuẩn bị cung ứng đủ cho thị trường Tết, hơn 30 hộ sản xuất trong làng nghề đều chủ động chuẩn bị khoảng 30-50 nghìn lít nước mắm nguyên chất/hộ; các loại sản phẩm cũng được đa dạng từ loại thông thường 30-70 nghìn đồng/lít đến các loại đặc biệt có giá từ 100-150 nghìn đồng/lít để phục vụ các nhu cầu của khách hàng. Ngoài sản phẩm nước mắm, người dân làng nghề Sa Châu còn gia tăng sản lượng các sản phẩm phụ của làng nghề như mắm tôm, mắm mực, mắm sung chua để đáp ứng nhu cầu ẩm thực trong dịp Tết. Làng Sắc, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) chuyên cung ứng quần áo thời trang và chăn, ga, gối, đệm trong phân khúc thị trường bình dân nhưng các hộ làm nghề luôn khai thác các mẫu mã được ưa chuộng nên sản phẩm ngày càng có sức hấp dẫn người tiêu dùng trong nước, một số sản phẩm còn được xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia. Hiện nay, trên địa bàn xã có 10 doanh nghiệp lớn và khoảng 600 hộ chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc và chăn, ga, gối, đệm tạo việc làm ổn định cho gần 5.400 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng. Làm nghề cả năm, nhưng thời điểm cuối năm, thời tiết lạnh cộng với nhu cầu mua sắm cho gia đình và làm quà tặng cho người thân tăng lên, người làm nghề xã Mỹ Thắng mới thực sự vào vụ. Các gia đình huy động thêm nhân lực, đầu tư thêm máy móc, thiết bị sản xuất đẩy nhanh tiến độ cắt may để kịp hoàn thành hợp đồng. Anh Huy, chủ cơ sở may Huy Ngoan cho biết, năm nào cũng vậy, từ dịp Noel đến Tết Nguyên đán, các mặt hàng quần áo thời trang do người dân xã Mỹ Thắng sản xuất đều bán rất chạy. Tháng cận Tết, nhu cầu mua sắm càng tăng nên lao động trong cơ sở của anh đều phải tăng giờ làm thêm từ 3-4 tiếng/ngày so với trước đây để kịp hoàn thành các đơn hàng lớn, cung ứng sản phẩm cho khu vực nội tỉnh và một số tỉnh lân cận. Công việc vất vả, song bù lại doanh thu trong những tháng giáp Tết của cơ sở khá cao. Làng nghề mộc truyền thống La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) cũng đang bước vào vụ sản xuất nhộn nhịp nhất trong năm. Khắp các đường làng, ngõ, xóm, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng máy cưa, máy xẻ, tiếng đục đẽo hòa cùng tiếng nói cười rôm rả của những người thợ mộc. Tết đến nhu cầu mua sắm tủ quần áo, giường, bàn ghế salon và các sản phẩm gỗ trang trí khắc chạm càng tăng. Càng gần Tết các hộ làm nghề trong làng đều phải tăng cường độ sản xuất, mỗi xưởng thuê thêm 4-5 nhân công...

Bên cạnh sự nỗ lực gia tăng sản lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ gìn và phát triển thương hiệu của các hộ làm nghề, các ngành chức năng và các địa phương đã tăng cường kiểm tra các điều kiện sản xuất, chú trọng kiểm tra công tác đảm bảo chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn các mặt hàng thực phẩm, ngăn chặn tình trạng lợi dụng thời điểm sức mua trên thị trường tăng để làm ẩu, trà trộn hàng hóa chất lượng kém, trục lợi gây mất uy tín thương hiệu./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 

 

 



Mẫu hộp quà tặng doanh nghiệp 2025 mới nhất

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com