Làm giàu từ nghề điêu khắc tượng

08:01, 10/01/2020

Khởi nghiệp bằng nghề chế tác tượng, con giống thạch cao, đến nay cơ sở sản xuất của vợ chồng anh Phạm Xuân Trường (47 tuổi), xóm Hưng Đạo, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) đã mở rộng quy mô tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Anh Phạm Xuân Trường (bên phải) chủ cơ sở điêu khắc Xuân Trường, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) cùng thợ đang tạo hình con giống cho mô hình “Vườn cổ tích” của các trường mầm non.
Anh Phạm Xuân Trường (bên phải) chủ cơ sở điêu khắc Xuân Trường, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) cùng thợ đang tạo hình con giống cho mô hình “Vườn cổ tích” của các trường mầm non.

Từ nhỏ, anh Trường đã có năng khiếu vẽ, đục đẽo tượng và con giống. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1995, anh Trường theo những người thợ điêu khắc ở Hà Nội học nghề. Qua 5 năm rong ruổi cùng hiệp thợ điêu khắc các công trình, tích lũy được kinh nghiệm, năm 2000 anh quyết định về địa phương dựng nghiệp. Có chút vốn trong tay được sự động viên của gia đình, nhất là vợ, anh mở xưởng điêu khắc các sản phẩm từ thạch cao như con giống, tượng, hoa văn trang trí các công trình. Nhắc về những ngày tháng đầu tiên lập nghiệp, anh Trường cho biết: khác xa với suy nghĩ giản đơn ban đầu khi có tay nghề vững cứ mở xưởng làm vừa thỏa mãn đam mê và thu nhập tốt bắt tay vào làm mới thấm thía câu “vạn sự khởi đầu nan”; thời gian đầu nhiều khó khăn bủa vây như: nguồn nguyên liệu, tìm đầu ra cho sản phẩm… Vợ chồng anh lại dành thời gian, công sức lên làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) rồi vào Nghệ An tìm đại lý cung ứng nguyên liệu. Sau khi có nguyên liệu đạt chuẩn, cơ sở của anh đã cho ra lò những sản phẩm tượng thạch cao đầu tiên với chất lượng tốt. Tuy nhiên, thời điểm đó, thị trường tượng, con giống thạch cao khó tiêu thụ. Không để hàng tồn đọng dài ngày trong kho làm giảm chất lượng, vốn đọng, hàng ngày từ 4 giờ sáng anh đạp xe mang sản phẩm đi khắp thành phố Nam Định rồi sang các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình... ký gửi, giới thiệu ở các cửa hàng. Nhờ sự kiên trì của 2 vợ chồng, các sản phẩm làm từ thạch cao của anh Trường dần có chỗ đứng trên thị trường. Thời điểm năm 2007-2008, các sản phẩm tượng, con giống thạch cao của anh Trường thâm nhập được cả những thị trường “khó tính” ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Điểm nổi bật ở những sản phẩm được làm từ thạch cao của anh Phạm Xuân Trường là độ tinh xảo trong từng sản phẩm. Anh luôn cẩn thận trực tiếp làm khuôn, lựa chọn nguyên liệu đạt chuẩn, kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi xuất hàng. Những năm gần đây, bên cạnh sản xuất các con giống, tượng thạch cao nhỏ, anh Trường tiếp tục chuyển hướng sang các sản phẩm tượng, con giống bằng xi măng phục vụ yêu cầu thiết kế vườn tượng theo mô hình “vườn cổ tích” trong các trường mầm non. Những nhân vật trong truyện thần thoại, cổ tích như: Thánh Gióng, Tấm Cám, Thạch Sanh, nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn, các con vật như hươu, nai, trâu… được chế tác trong cơ sở điêu khắc của anh Trường đều có độ chân thật và sống động. Một số sản phẩm được sản xuất đồng loạt như hươu cao cổ, nai… đều có khuôn được anh Trường chế tác cẩn thận. Với những con giống như: trâu, sư tử… hay tượng nhân vật cổ tích được chế tác thủ công, đơn lẻ nên đảm bảo chất lượng thẩm mỹ. Quy trình đắp tượng thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng rất công phu. Ban đầu người thợ phải đắp “cốt” tượng trên bề mặt cát, phác thảo các chi tiết theo tỷ lệ cân đối; sau đó dùng hỗn hợp xi măng, cát, sỏi vừa đắp vừa đẽo gọt theo “cốt” đã định; sau đó tiếp tục tráng lớp bột đá và xi măng bên ngoài và tinh chỉnh các tiểu tiết để bức tượng thật sống động. Khi tượng khô, thì tiến hành chà nhẵn và phủ lớp sơn trắng cho tượng... Nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thị trường, anh Trường tiếp tục phát triển thêm mặt hàng trang trí nội thất, trần, phù điêu, chỉ, phào bằng xi măng, thạch cao cho các công trình xây dựng theo đơn đặt hàng. “Tiếng lành đồn xa”, cơ sở điêu khắc của anh Trường được nhiều đơn vị đặt hàng phục dựng các họa tiết ở các cơ sở thờ tự tôn giáo như: Chùa Ngô Đồng, Chùa Giao Lạc (Giao Thủy), Đình Chùa Lạc Quần, nhà thờ giáo xứ Xuân Dục (Xuân Trường)… Vừa qua, cơ sở điêu khắc của anh Trường nhận được gói thầu trang trí hoa văn, phào, chỉ, ống khói… trong dự án Vinhomes Ocean Park ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) của tập đoàn Vingroup.

Hiện cơ sở điêu khắc của anh Trường phát triển được 2 xưởng sản xuất với tổng diện tích trên 3.000m2 tạo việc làm ổn định cho trên 30 lao động với mức thu nhập bình quân mỗi tháng từ 5-7 triệu đồng/người. Trừ các chi phí, mỗi năm anh Trường thu nhập gần 1 tỷ đồng từ nghề điêu khắc. Thành công với nghề anh Trường không vì cạnh tranh mà giấu nghề, luôn tâm niệm truyền nghề, chia sẻ cho những người cùng đam mê. Từ năm 2012, anh đã giúp nhiều người về kỹ thuật sản xuất tượng thạch cao, hướng dẫn tìm mối tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu như anh Bùi Văn Đương (44 tuổi), xóm 9, xã Việt Hùng (Trực Ninh) hiện làm chủ cơ sở sản xuất tượng, con giống thạch cao nhờ có sự hỗ trợ, chuyển giao công nghệ của anh Trường. Là một trong những người vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương, anh Phạm Xuân Trường rất tích cực đóng góp công sức, tiền của trong xây dựng nông thôn mới, phong trào khuyến học ở địa phương. Các trường mầm non, tiểu học ở xã Xuân Ninh đều được anh Trường tài trợ sản phẩm do cơ sở của anh chế tác để trang trí khuôn viên, phục vụ việc dạy học và vui chơi cho học sinh.

Năng động, ham học hỏi, anh Trường đã làm giàu từ nghề điêu khắc ngay trên mảnh đất quê hương. Điều đáng trân trọng là vợ chồng anh Trường sẵn sàng chia sẻ bí quyết kinh doanh, truyền nghề cho những ai đam mê, muốn khởi nghiệp làm giàu chính đáng./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com