Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh nở rộ những chuỗi cửa hàng của cả những nhà bán lẻ tên tuổi trong nước, các hiệp hội ngành nghề và tư nhân. Ngoài việc người tiêu dùng được cung ứng hàng hóa phong phú, tiếp cận các dịch vụ bán hàng tiện ích thì đây còn là tín hiệu vui phản ánh sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, hiệu quả tích cực từ các chủ trương của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong phát triển thương mại dịch vụ nói chung, thị trường bán lẻ nói riêng. Tuy nhiên các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện ích này hầu hết thuộc về các tập đoàn lớn, doanh nghiệp ngoài tỉnh nên việc nở rộ chuỗi các cửa hàng tiện ích mới chỉ mang lại hiệu quả xã hội nhưng tính kinh tế chưa cao. Vấn đề này đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp cần có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ trong tỉnh.
Tư vấn khách hàng chọn sản phẩm tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định. |
Tỉnh ta được đánh giá là thị trường bán lẻ tiềm năng với hơn 1,7 triệu dân. Năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả tỉnh ước đạt trên 40 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2018. Năm 2019 được coi là điểm bùng phát thị trường bán lẻ với sự xuất hiện của hàng chục siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, chuyên doanh. Trong đó, riêng tập đoàn Vingroup đồng loạt khai trương chuỗi 15 cửa hàng tự chọn VinMart ở hầu khắp những điểm tập trung đông dân cư trên địa bàn thành phố Nam Ðịnh. Với mục tiêu hướng đến đa dạng đối tượng khách hàng, VinMart đã đầu tư các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini quy mô nhỏ, diện tích dưới 1.000m2 cung cấp đầy đủ mọi mặt hàng thiết yếu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý. Ðặc biệt VinMart thể hiện sự nhanh nhạy nắm bắt tâm lý người tiêu dùng với mô hình “2 trong 1”, kết hợp giữa siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi vừa cung cấp thực phẩm vừa cung cấp thực phẩm ăn nhanh và các loại hàng hóa tiện ích khác. Hệ thống còn cho ra mắt dịch vụ VinMart Cook do các đầu bếp tại bếp trung tâm VinMart chế biến. Cách làm này đã thu hút một lượng khách hàng lớn đến mua sắm. Chị Ngô Thị Dung, phường Cửa Bắc (thành phố Nam Ðịnh) cho biết: Tôi thường xuyên mua sắm thực phẩm, hàng công nghệ phẩm tại cửa hàng tiện lợi của VinMart trên đường Giải Phóng thay vì việc đi chợ truyền thống hay vào siêu thị như trước đây bởi nhiều tiện ích như: Hàng hóa phong phú, tươi ngon, có kiểm định chất lượng và được tư vấn, hỗ trợ chế biến ngay tại quầy. Thêm vào đó không phải chen chúc, lo gửi phương tiện như đi chợ truyền thống. Tiếp đó, siêu thị điện máy MediaMart ngoài địa bàn thành phố Nam Ðịnh, sau 5 năm gia nhập thị trường tỉnh, dịp này cũng mở rộng ra 3 huyện Ý Yên, Nam Trực và Hải Hậu. Ở khu vực nông thôn, chuỗi siêu thị MediaMart cung ứng đến khách hàng sản phẩm điện máy gia dụng tầm trung phù hợp với điều kiện chi tiêu ở nông thôn và gia tăng các dịch vụ bảo hành, sửa chữa thiết bị sau bán hàng. Cách làm này đã chiếm trọn lòng tin của người dân khu vực nông thôn “lên phố sắm đồ ngại một, đề nghị bảo hành, sửa chữa ngại gấp đôi” nên doanh thu bán hàng rất cao. Cũng trong tháng 10-2019, Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Ðịnh khai trương thêm 2 cửa hàng tại số 84 phố Hai Bà Trưng và 142 Hàn Thuyên, thành phố Nam Ðịnh tạo thành chuỗi cửa hàng giới thiệu và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh. Chị Hồ Thị Thu, chợ Hoàng Ngân (thành phố Nam Ðịnh) cho biết: Làm nghề dịch vụ nấu cỗ để tạo uy tín và cạnh tranh, tôi rất cầu kỳ trong việc lựa chọn nguyên liệu. Cửa hàng nông sản sạch tại phố Hai Bà Trưng đã giúp tôi thỏa mãn nhu cầu tìm nguyên liệu phù hợp với yêu cầu của khách hàng.
Sự phát triển nhanh chóng của các cửa hàng chuyên doanh tiện ích đã mang đến nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên hầu hết các cửa hàng trên thuộc các tập đoàn bán lẻ lớn ngoài tỉnh nên hàng hóa sản xuất trong tỉnh ít có mặt trong hệ thống phân phối này. Ðây là hạn chế của các doanh nghiệp bán lẻ trong tỉnh, đặc biệt là khối các doanh nghiệp cung ứng hàng nông sản, bởi tỉnh ta có hơn 20 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho các sản phẩm nông nghiệp; trên 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản sản xuất theo quy trình VietGAP, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu và truy xuất nguồn gốc rõ ràng đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh với khối lượng lương thực, thực phẩm lớn, đa dạng và phong phú đã khẳng định được vị thế và tạo uy tín trên thị trường với một bộ phận người tiêu dùng. Tuy nhiên các mặt hàng này vẫn chưa “chen chân” được vào các siêu thị, hệ thống phân phối lớn; trong khi các nhà phân phối của tỉnh chưa đủ sức xây dựng các chuỗi cửa hàng để quảng bá rộng rãi các sản phẩm.
Ðể hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà cung ứng hàng hóa trong tỉnh đang khắc phục tình trạng “lép vế” trên sân nhà, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh việc tổ chức xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, cung ứng sản phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”. Trong đó, phải đặc biệt chú trọng đến khâu xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Ðồng thời bản thân các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần có phương án phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và phát triển chuyên sâu các dịch vụ chế biến theo sản phẩm đặc trưng của mình. Hiện tại, Hợp tác xã chăn nuôi Hiền Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) đang áp dụng mô hình này với các sản phẩm của mình thông qua việc hoàn thiện quy trình nuôi lợn bằng thảo dược đạt tiêu chuẩn VietGAP và hệ thống giết mổ kết hợp với chế biến theo quy chuẩn; cung ứng ra thị trường sản phẩm thịt lợn sạch, xúc xích, giò, ruốc và các loại hoa, củ, quả bốn mùa. Hợp tác xã vừa khai trương cửa hàng thực phẩm sạch tại khu vực trung tâm xã Trực Thái cung ứng sản phẩm đã qua chế biến của trang trại và nhiều mô hình liên kết khác cho người dân khu vực nông thôn. Ðây là mô hình cửa hàng tiện lợi gắn kết từ sản xuất đến tiêu dùng đầu tiên đáng được nhân rộng trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương