Trở lại xã Giao Phong (Giao Thuỷ) vào một ngày đất trời đang rộn rã sang Xuân, chúng tôi được hoà mình vào nhịp sống mới của một vùng quê ven biển đang khởi sắc trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Niềm vui quê hương đổi mới rạng rỡ trong ánh mắt, nụ cười của người dân nơi đây đã điểm tô những sắc màu tươi sáng cho bức tranh làng quê Giao Phong thêm sắc Xuân.
Cảm nhận đầu tiên khi trở lại xã Giao Phong là cuộc sống thanh bình, yên ấm của một xã vùng chân sóng đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Dọc hai bên đường dẫn vào khu trung tâm xã với những hàng cây xanh mát thẳng đều tăm tắp và tuyến đường hoa rực rỡ sắc màu; nổi bật lên là những ngôi nhà cao tầng hiện đại đan xen với những ngôi nhà mái bằng khang trang san sát. Những con đường liên thôn, liên xóm đã được nhựa hóa, bê tông hóa sạch đẹp, phong quang và đều được lắp điện chiếu sáng. Khu trung tâm xã khá sôi động và sầm uất với những cửa hàng kinh doanh, dịch vụ phục vụ đời sống dân sinh; các công trình phúc lợi của xã như: trường học, trạm y tế, nghĩa trang liệt sĩ, nhà văn hóa và khu sân khấu ngoài trời phục vụ cho các hoạt động cộng đồng… được đầu tư xây sửa khang trang, đẹp đẽ, tạo điểm “nhấn” rõ nét cho sự phát triển của xã.
Nông thôn mới xã Giao Phong. |
Diện mạo khởi sắc của xã Giao Phong trong những năm qua là thành quả của truyền thống đoàn kết, sức mạnh đồng thuận của “Ý Đảng, lòng dân”. Đồng chí Cao Văn Nam, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ xã, cho biết: Một trong những “bước đột phá” được Đảng ủy, UBND xã chọn lựa để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, đó là xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; phát huy tiềm năng thế mạnh của khu vực ven biển, trong đó tập trung vào “mũi nhọn” là khai thác, nuôi trồng thủy sản. Chủ trương, quyết sách đưa ra được “thấm nhuần” đến từng người dân. Với sự năng động, nhậy bén tìm hướng hiệu quả phát triển kinh tế, nhân dân đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi 65ha đất trồng lúa và làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời trong sản xuất nông nghiệp, xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh các vùng sản xuất tập trung, trồng rau sạch, rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản. Nét tương đối khác biệt trong sản xuất nông nghiệp của Giao Phong so với các địa phương khác của huyện Giao Thủy, đó là một năm “xen canh” 5 vụ: 1 vụ lúa, 1 vụ lạc, 1 vụ khoai tây và 2 vụ rau màu... Ngoài phát huy thế mạnh khai thác và nuôi trồng thủy sản, xã còn tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm và phát triển một số ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, từng bước đa dạng hóa ngành nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đến nay cơ cấu kinh tế của xã đang từng bước có sự chuyển dịch tích cực với tỷ trọng nông nghiệp chiếm 39,5%; nuôi trồng và khai thác thủy sản chiếm 15%; công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp chiếm 45,5%. Trong đó nuôi trồng và khai thác thủy sản vẫn duy trì sự phát triển ổn định cả về diện tích, năng suất và sản lượng với diện tích nuôi trổng thủy sản khoảng trên 100ha, là xã có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất tỉnh... Từ việc khai thác tiềm năng thế mạnh phát triển sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề đã tạo đà cho kinh tế - xã hội của xã có những bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã ngày càng được nâng cao; đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 1%.
Một niềm vui với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Giao Phong trong mùa Xuân mới này, đó là tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 được tổ chức tại thành phố Nam Định vừa qua, xã Giao Phong là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới tiêu biểu của cả nước được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đó là sự động viên xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Giao Phong trong những năm qua. Với quyết tâm cao, Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tích cực triển khai những bước đi thận trọng, chắc chắn, với lộ trình phù hợp trong từng giai đoạn, đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Trong hơn 9 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tổng vốn đầu tư toàn xã cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là 352,72 tỷ đồng. Đến nay, toàn xã đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp được 12,2km đường trục xã, 18km đường trục thôn, xóm và 17,5km đường ngõ, xóm; đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của các trường học với nguồn kinh phí 40 tỷ đồng, xã Giao Phong là một trong những địa phương đứng trong tốp đầu của huyện Giao Thuỷ về chất lượng giáo dục; cảnh quan môi trường nông thôn Giao Phong ngày càng “Sáng - xanh - sạch - đẹp”; nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Theo lộ trình đặt ra trong năm 2019, Giao Phong là 1 trong 4 xã của huyện Giao Thủy được chọn xây dựng nông thôn mới nâng cao và năm 2020, là xã duy nhất của huyện Giao Thủy được chọn xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Với những nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, nhân dân trong xã, đến cuối năm 2019, xã đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và nỗ lực hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu theo đúng lộ trình.
Một nhịp sống mới hình thành trên mảnh đất Giao Phong hôm nay đã góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn vùng chân sóng huyện Giao Thủy, để đón chào mùa Xuân mới đang rộn rã, tưng bừng khắp muôn nơi./.
Bài và ảnh: Thu Thủy