Xã Nam Lợi (Nam Trực) có 14 thôn, xóm với khoảng 10 nghìn dân. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, lực lượng lao động nữ dồi dào, cần cù chịu khó..., những năm qua, xã Nam Lợi đã phát triển mạnh nghề sản xuất các sản phẩm thủ công từ cói, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
Nghề làm cói tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động cao tuổi ở xã Nam Lợi. |
Theo các bậc cao niên đến nay nghề cói ở địa phương đã có lịch sử hàng trăm năm. Sau một thời gian dài trầm lắng do sức tiêu thụ của thị trường sụt giảm, những năm gần đây nghề làm cói ở Nam Lợi được khôi phục bởi các gia đình có truyền thống 3-4 đời làm nghề vẫn luôn giữ nghề. Hiện nay, 30% lao động trong xã làm nghề đan cói, chủ yếu là phụ nữ và người cao tuổi, tập trung ở các thôn Đô Quan, Đô Đò 1, Đô Đò 2, Đô Thượng, Duyên Hưng, Liên Bách… Theo kinh nghiệm của người làm nghề cói xã Nam Lợi, quy trình sản xuất các sản phẩm cói trải qua khá nhiều công đoạn. Đầu tiên phải chọn cói vụ chiêm, sau đó phân loại sợi dài, ngắn, to, nhỏ, mang phơi 5-7 nắng. Tiếp đó, cói được ngâm một đêm dưới ao khử mặn và phơi thêm 2 nắng cho khô săn rồi mới cất vào kho. Sợi cói đạt chuẩn ở Nam Lợi phải đảm bảo không bị trương, mềm, trơn, trắng… Sản phẩm làm từ cói ở Nam Lợi chủ yếu là ró (làn, bị, giỏ…). Cói nguyên liệu sau khi sơ chế được đưa vào máy ép dẹp, sau đó đan thành phên, tiếp đó bứt cói (kết đáy ró), khâu miệng (mép ró), đánh bóng, in hoa văn, đính quai… Hiện, trên địa bàn xã có 5 cơ sở sản xuất cói, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Ở thôn Duyên Hưng, cơ sở sản xuất sản phẩm cói Hưng Thim nổi tiếng trong và ngoài tỉnh với sản phẩm ró cói. Cô Hoàng Thị Thim (57 tuổi), chủ cơ sở cho biết: từ 7 tuổi cô đã học làm nghề cói. Từ năm 1982, nghề cói ở địa phương gặp nhiều khó khăn khi sản phẩm không tìm được đầu ra. Bẵng đi gần 30 năm, với quyết tâm khôi phục nghề truyền thống địa phương, năm 2015 cô đã cùng chồng đi tìm hiểu thị trường và các sản phẩm làm từ cói. Những ngày đầu, trên chiếc xe máy cũ, 2 vợ chồng rong ruổi khắp các địa phương có nghề cói phát triển như xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng), huyện Kim Sơn (Ninh Bình), các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa… để tìm nguồn nguyên liệu chất lượng, đầu ra cho sản phẩm. Thời điểm đầu mở cơ sở, cô Thim gặp nhiều khó khăn về vốn, nhân công, cạnh tranh thị trường. Được anh em, bạn bè và các gia đình có kinh nghiệm làm cói ở địa phương hỗ trợ về vốn, kỹ thuật nghề, những khó khăn dần được khắc phục. Đến nay, cơ sở sản xuất của cô Thim có 130 lao động, chủ yếu là người cao tuổi với thu nhập trung bình từ 100-120 nghìn đồng/ngày cơ bản đảm bảo trang trải chi phí sinh hoạt thường ngày. Để cạnh tranh và tồn tại được trên thị trường, cô Thim luôn kiểm soát kỹ chất lượng sản phẩm trước khi xuất bán, những lô hàng lỗi đều bị bỏ và thay thế mới. Nhờ nguồn nhân công ổn định và nghiên cứu kỹ thị trường, đến nay mỗi tháng cơ sở của cô sản xuất trên 6.000 chiếc ró xuất bán ở thị trường các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Còn chị Nguyễn Thị Hợi lại là người có nhiều đóng góp trong việc khôi phục nghề cói tại thôn Đô Đò. Năm 2016 trong một lần đến xã Nghĩa Lợi, thấy người dân vừa đan cói, vừa tranh thủ làm việc gia đình, trong đầu chị luôn trăn trở suy nghĩ, trong khi ngay tại thôn chị sinh sống trước đây vốn có truyền thống làm đan cói mà nay lại mai một, phải có cơ hội để khôi phục nghề. Nghĩ là làm, ban đầu, chị mua số lượng ít cói về làm thử, nhiều phụ nữ trung niên và người cao tuổi thấy công việc làm tại nhà, cho thu nhập ổn định đã hào hứng tham gia. Đến nay, trung bình mỗi năm chị xuất bán khoảng 20 nghìn sản phẩm, cho thu nhập 300 triệu đồng/năm. Các mẫu sản phẩm chủ yếu là lọ hoa, bị, ró trơn, ró díc dắc các màu, hoa văn thổ cẩm… Hiện gia đình chị Hợi tạo việc làm thường xuyên cho 100 lao động với thu nhập ổn định từ 100-120 nghìn đồng/người/ngày.
Đồng chí Nguyễn Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Lợi cho biết: Nghề đan cói phù hợp với điều kiện sức khỏe của phụ nữ, người cao tuổi và có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi, mọi lúc mọi nơi để đan; sản phẩm không phải lo đầu ra do có các đại lý đến tận nơi thu mua. Riêng sản phẩm đại trà là ró ở địa phương được bán với giá từ 40 nghìn đồng/sản phẩm kích thước 38cm, 50 nghìn đồng/sản phẩm kích thước 42cm. Bình quân mỗi lao động làm được từ 3-5 cái/ngày. Nhờ có nghề đan cói phát triển tạo thu nhập ổn định đã góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội chỉ còn 0,2%./.
Bài và ảnh: Viết Dư