Đúng như tên gọi, xã Hải Phú (Hải Hậu), ngoài phong cảnh miền quê trù phú, còn có những ngôi nhà cổ có tuổi đời gần 100 năm. Qua bao mùa mưa nắng, thời tiết ngày càng khắc nghiệt và sức ép của đô thị hoá nhưng những gia đình đang sở hữu các nếp nhà cổ này vẫn kiên trì giữ gìn như báu vật của cha ông để lại.
Ngôi nhà cổ của anh Trần Tiến Phong ở thôn Thượng Trại, xã Hải Phú nằm giản dị bên những ngôi nhà hiện đại. |
Xã Hải Phú gồm 17 xóm, chia thành 3 thôn là Thượng Trại, Quỳnh Phương, Hồng Tiến. Số nhà cổ chủ yếu tập trung ở thôn Thượng Trại. Hiện nay, do nhu cầu cuộc sống hiện đại, nhiều nếp nhà cổ đã không còn giữ nguyên trạng do người dân sửa sang để ở. Nổi bật nhất trong số những nhà cổ được lưu giữ là nhà của ông Nguyễn Ngọc Huy. Ông Huy là chủ nhân đời thứ 2 của ngôi nhà làm từ năm 1933, hiện nay là cửa hàng bán thuốc Bắc. Ngôi nhà nhìn ra mặt sông, xây kiên cố 2 tầng với móng chắc và tường dày, nội thất bằng gỗ. Toàn bộ kết cấu ngôi nhà được dựng bằng khung gỗ; cột với nền nhà tầng 2 hoàn toàn bằng gỗ lim đen bóng, mái lợp ngói nam truyền thống. Với đặc trưng phong cách cổ nhà rường cột, toàn bộ ngôi nhà 78m2 trước đây được chia làm 3 gian, có 1 cửa chính to rộng và cửa sổ 2 bên. Tường tầng trệt được xây bằng gạch thất (30x20x10cm) dày 40cm; tầng 2 dày 30cm. Nền nhà được xây cao so với nền đường cũ từ 30-60cm. Ngôi nhà tạo cảm giác thoáng mát, dễ chịu vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Nền tầng hai hoàn toàn bằng gỗ được đỡ bằng các xà ngang gỗ lim lót gạch. Gần đó là ngôi nhà cổ của anh Trần Tiến Phong với nếp mái ngói thâm nâu đã ngả theo màu thời gian. Anh Trần Tiến Phong (47 tuổi) người thừa kế ngôi nhà có 91 năm tuổi này cho hay: “Ngôi nhà này của ông nội tôi, vốn là tiên chỉ của làng dưới thời Vua Bảo Đại. Trải qua nhiều thăng trầm, ngôi nhà vẫn được con cháu gìn giữ đến tận bây giờ”. Theo những người lớn tuổi trong gia đình, ngôi nhà có tổng diện tích 410m2, bao gồm 1 gian chính và hệ thống nhà ngang. Từ khi xây dựng, ngôi nhà chưa phải sửa sang, chỉ duy nhất 1 lần lợp lại mái ngói và cải tạo thay lớp nền đất bằng nền gạch lát hoa. Lớp mái ngói thâm nâu, giúp căn nhà mát mẻ vào mùa hè và thoáng khí. Theo anh Phong sở dĩ ngôi nhà có được khí hậu thông thoáng và mát mẻ do mọi ngôi nhà cổ ở thôn Thượng Trại đều quay hướng Nam, cùng với mái ngói thường được lợp 3 lớp gồm gạch màn phủ vôi trộn lẫn rơm rạ mật mía và lớp ngói nam ngoài cùng nên tạo được bề mặt cách nhiệt tốt với môi trường xung quanh. Tường nhà dày từ 30-40cm. Toàn bộ kiến trúc bên ngoài, sàn gỗ và một số đồ dùng trong nhà vẫn được gia đình anh trân trọng gìn giữ. Chia sẻ với chúng tôi, anh Phong cho biết: “Nhiều gia đình có nhà cổ vì muốn cải tạo cho hợp thời đại hay do kinh tế khó khăn mà bán đi nhưng sau này họ đều cảm thấy tiếc nuối. Bởi căn nhà không chỉ là nơi ở, sinh hoạt bình thường mà còn lưu giữ truyền thống văn hoá của gia đình, giúp các thế hệ con cháu cảm thấy thân thuộc gắn bó với kỷ niệm của cha ông. Vì thế, gia đình tôi sẽ tiếp tục giữ gìn nếp nhà cổ này cho con cháu đời sau”.
Những ngôi nhà cổ có tuổi đời gần 100 năm ở Hải Phú hiện ngày càng hiếm. Vài năm gần đây, mặc dù địa phương đã chú trọng đến công tác bảo tồn hệ thống nhà cổ, nhà kiến trúc Pháp, nhưng vì thiếu nhân lực, kinh phí nên chưa thể cải tạo, trùng tu được. Do không có ràng buộc mang tính pháp lý, không có nguồn kinh phí, hỗ trợ của ngành văn hóa hay của địa phương nên việc quản lý nhà cổ, nhà cũ ở làng quê gần như bị thả nổi. Bên cạnh đó, các ngôi nhà này lại thuộc về sở hữu riêng của các gia đình. Do tăng nhân khẩu nên các gia đình có nhu cầu mở rộng không gian sinh hoạt cho thuận tiện cũng là thực tế gây sức ép lớn tới việc gìn giữ các nếp nhà cổ ở nông thôn. Đối với mỗi gia đình, những ngôi nhà cổ không chỉ là mái ấm của các thế hệ trong gia đình mà còn là nơi giáo dục con cháu hiểu được những tinh tế trong kiến trúc nhà ở thể hiện nét đẹp văn hóa và nhân sinh quan của ông cha. Mỗi ngôi nhà cổ ở đây đều có nét độc đáo và cách bài trí riêng thể hiện sự tinh tế, phong phú trong đời sống người dân gần trăm năm trước. Nó chứa đựng nhiều giá trị di tích về lịch sử, kiến trúc, văn hoá của mỗi cộng đồng người địa phương, thể hiện giá trị khác biệt của từng vùng miền làng quê xưa. Vì thế, bảo tồn các ngôi nhà cổ ở Hải Phú không chỉ có ý nghĩa với mỗi gia đình mà còn có ý nghĩa với văn hoá cộng đồng. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về ý thức bảo vệ di sản để các hộ dân có cách ứng xử phù hợp với những công trình đang sở hữu. Bên cạnh đó, để trùng tu các ngôi nhà cổ này cần có đội thợ lành nghề và sự hỗ trợ của chuyên gia hiểu biết sâu về văn hoá kiến trúc cổ nhằm xác định những “giá trị gốc” của căn nhà để có phương án duy tu, bảo dưỡng. Tiến hành khảo sát thực địa để khoanh vùng những quần thể, cụm hay cá thể nhà cổ còn lưu giữ được sự nguyên vẹn về hình dáng, kết cấu, các giá trị mỹ thuật, từ đó, xây dựng kế hoạch bảo tồn khai thác giá trị văn hoá của công trình./.
Bài và ảnh: Đức Toàn