Lập nghiệp từ nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ

03:11, 15/11/2019

Những ngày cuối năm, cơ sở sản xuất thuyền buồm mô hình và đồ gỗ mỹ nghệ Quốc Điệp, thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) tấp nập khách ra vào tham quan, đặt mua các sản phẩm. Với các chi tiết được chế tác tinh xảo đòi hỏi sự khéo léo của người thợ, mỗi sản phẩm thuyền buồm mô hình thực sự là một tác phẩm nghệ thuật.

Anh Trần Văn Điệp bên các sản phẩm thuyền buồm mô hình do cơ sở chế tác.
Anh Trần Văn Điệp bên các sản phẩm thuyền buồm mô hình do cơ sở chế tác.

Anh Trần Văn Điệp (34 tuổi), chủ cơ sở sản xuất thuyền buồm mô hình và đồ gỗ mỹ nghệ Quốc Điệp cho biết: Năm 2003, anh vào Thành phố Hồ Chí Minh học nghề thủ công mỹ nghệ. Sinh ra và lớn lên ở quê hương có nghề vận tải thủy phát triển nên anh nhanh chóng yêu thích sản phẩm chế tác gỗ mỹ nghệ thuyền buồm và tập trung tâm huyết học nghề. Tiếp xúc với khách hàng và lên mạng anh Điệp nhận thấy sản phẩm này có tiềm năng trong thị trường đồ trưng bày lưu niệm, trang trí nội thất… Trong quá trình học, anh được người cậu ruột hướng dẫn làm nhiều sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ. Năm 2006, sau khi thành thục nghề anh về quê mở xưởng làm thuyền buồm mô hình và đồ gỗ mỹ nghệ. Buổi đầu lập nghiệp, khó khăn chồng chất lo từ tìm mối tiêu thụ, nhân lực, nguồn gỗ hiếm, máy móc thô sơ… Để thu hút khách, anh tìm hiểu các hình mẫu tàu, thuyền gắn với các sự kiện lịch sử thế giới nổi tiếng. Có những chiếc tàu gắn liền với các trận chiến lịch sử, có chiếc nổi lên từ phim ảnh như Ngọc Trai Đen trong phim Cướp biển Caribê, có những sản phẩm thuần túy của ngành du lịch như tàu Queen Elizabeth II, tàu Hạ Long... Anh Điệp cho biết: Để làm hoàn thiện một chiếc thuyền buồm phải trải qua nhiều quy trình. Đầu tiên, người thợ thu thập hình ảnh, nghiên cứu bản vẽ chi tiết các góc độ của con tàu; sau đó lựa chọn loại gỗ phù hợp. Qua nghiên cứu và kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, anh Điệp thường lựa chọn các loại gỗ tốt nhất như gỗ cẩm, gỗ trắc, gỗ hương, gỗ mun để làm tàu mô hình. Các công đoạn định hình và pha nguyên liệu được thợ tính toán thực hiện tỉ mỉ, cẩn thận từ khung xương, xương chính, vách ngăn, vỏ tàu, mặt sàn, mũi tàu, cột buồm… Các khớp nối chi tiết đảm bảo kín, bằng phẳng. Sàn tàu được tạo hình theo từng khoang riêng biệt, các lỗ súng pháo và các chi tiết khác trên thân tàu được chế tác rất tinh xảo đặc biệt là các chi tiết trang trí bằng kim loại như khẩu thần công, boong tàu đều do anh tự tay đúc dựa trên mô phỏng hình dạng của chiếc tàu trong thực tế. Sản phẩm được sơn 3 lớp: lớp chống thấm, lớp sơn màu và lớp sơn bóng ngoài cùng. Nước sơn phải đẹp, mịn màng và thật đều để cho thuyền buồm thật sống động… nên sản phẩm của anh Điệp luôn mang đặc trưng riêng. Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh Điệp tạo việc làm ổn định cho 4 lao động với thu nhập từ 3-10 triệu đồng/người. Trong xưởng chế tác, trên chiếc kệ kê hàng chục mẫu tàu cổ có kích thước dài từ 40cm-2m. Tất cả máy móc từ máy cưa cắt, chà, đánh bóng... được anh Điệp “chế” nhỏ gọn cho phù hợp với công việc. Hiện nay, cơ sở của anh nhận chế tác nhiều loại tàu, từ những tàu ít chi tiết như tàu Hạ Long đến các loại tàu chiến phức tạp như loại tàu HMS Victory của Hải quân Hoàng gia Anh thế kỷ 18 có hàng loạt chi tiết nhỏ như neo, bánh lái, người lính, súng, đại bác lớn nhỏ... Người chơi thuyền buồm mô hình, nhất là giới doanh nhân quan niệm thuyền buồm là biểu tượng của thành công trong kinh doanh với ước muốn công việc “thuận buồm xuôi gió”. Chính vì thế các loại thuyền buồm mô hình thường được nhiều khách hàng lựa chọn để trưng bày trong văn phòng làm việc hoặc trong nhà. Hơn 10 năm làm nghề, anh Điệp cho biết có thời gian, thuyền buồm mô hình sản xuất thủ công bị cạnh tranh khốc liệt bởi hàng xuất xứ Trung Quốc, nhưng thời gian gần đây khách hàng có xu hướng trở lại chọn sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam bởi sản phẩm tàu mô hình của Trung Quốc tuy giá rẻ hơn nhưng sản phẩm thiếu sự tinh tế do sản xuất hàng loạt theo dây chuyền công nghệ. Với uy tín được khẳng định trên thị trường, hiện nay, mỗi tháng cơ sở của anh Điệp chế tác từ 50-70 chiếc tàu mô hình có chi tiết đơn giản; với các loại tàu nhiều chi tiết phức tạp có giá trên 10 triệu đồng/chiếc cơ sở của anh chế tác được từ 10-12 chiếc mỗi tháng.

So với các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, nghề làm thuyền buồm mô hình có khả năng cạnh tranh tốt, tạo thu nhập ổn định cho người làm nghề. Xuất hiện nhiều năm trên thị trường chế tác hàng thủ công mỹ nghệ mô hình thuyền buồm trong nước và quốc tế, anh Trần Văn Điệp từng được Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan mời tham gia hội chợ triển lãm năm 2017. Hàng năm, Sở Công Thương Hà Nội đều mời anh tham dự hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ. Thời gian tới, để phát triển thị trường, anh Điệp sẽ đầu tư kênh bán hàng trên mạng (online) kết hợp tích cực tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế; nhận đào tạo nghề cho những người có niềm đam mê./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com