Gia đình anh Nguyễn Xuân Sơn (51 tuổi) ở phường Quang Trung (thành phố Nam Định) có 5 thành viên đều đam mê nghệ thuật chèo; trong đó 3 thành viên hiện đang công tác tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định.
Một buổi sinh hoạt chèo của gia đình anh Nguyễn Xuân Sơn, phường Quang Trung (thành phố Nam Định). |
Sau những giờ làm việc căng thẳng, tiếng đàn, tiếng trống, cùng lời ca tiếng hát lại vang lên rộn rã trong căn nhà nhỏ của gia đình anh Sơn. Những dịp quây quần, cùng nhau biểu diễn, thưởng thức nghệ thuật chèo đã góp phần giúp các thành viên trong gia đình thêm gắn kết, hạnh phúc. Anh Sơn cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã được tiếp xúc với các làn điệu chèo bởi đội chèo của địa phương do bố tôi phụ trách thường xuyên tập luyện tại gia đình. Năm 1983, tôi được bố dạy cách chơi đàn mandolin, ghita và đi học thêm đàn nhị, đàn tam, đánh trống. Nhờ có năng khiếu âm nhạc nên chỉ thời gian ngắn tôi đã nắm được các kiến thức nhạc lý và thực hành bài bản. Năm 1984, khi nghệ thuật Cải lương đang “làm mưa làm gió” tại các rạp hát, tôi được bố dẫn lên Hà Nội tìm thầy dạy học đàn ghita cải lương. Năm 1985, tôi được tuyển vào Đoàn Chèo Thái Bình; đến năm 1997, chuyển về công tác tại Đoàn Chèo Nam Định. Năm 2006, Đoàn Chèo Nam Định đổi tên thành Nhà hát Chèo Nam Định, tôi được bổ nhiệm là Trưởng phòng tổ chức biểu diễn; rồi được bổ nhiệm Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Nam Định”. Là nhạc công sử dụng bộ gõ, anh Sơn đã góp phần vào thành tích chung của Nhà hát Chèo Nam Định (nay là Đoàn Chèo thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định) với nhiều huy chương vở diễn tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp khu vực, toàn quốc. Năm 2000, tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Đoàn Chèo Nam Định giành Huy chương Vàng với vở diễn “Trần Anh Tông”. Năm 2007, vở diễn “Trạng Lường Lương Thế Vinh” của Nhà hát Chèo Nam Định đạt giải A tại Liên hoan các trích đoạn chèo, tuồng, cải lương toàn quốc; năm 2009, vở diễn “Chiến trường không tiếng súng” của Nhà hát Chèo Nam Định giành Huy chương Vàng hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc… Trong sự thành công của Nhà hát Chèo Nam Định có vai trò của Xuân Sơn. Là nhạc công chính sử dụng bộ gõ, anh luôn trăn trở phát huy vai trò của các nhạc cụ gõ để điều tiết vở diễn, dẫn dắt sự chuyển màn, chuyển lớp, sự ra vào của diễn viên trên sân khấu… Ngoài ra, anh còn truyền dạy bộ gõ, đàn nguyệt cho các học viên yêu thích nhạc cụ dân tộc.
Nghệ sĩ Nguyễn Hạnh (50 tuổi) là vợ của nhạc công Xuân Sơn hiện là diễn viên Đoàn Chèo thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định. Khán giả nhớ đến chị qua nhiều vai diễn như “Nhũ mẫu” trong vở “Trần Quốc Toản”, vai Hạnh trong vở “Không phải là vụ án”, vai vợ Trương Vệ Úy trong vở “Trần Anh Tông”… Nhiều vai diễn trong các trích đoạn chèo nghệ sĩ Nguyễn Hạnh làm diễn viên chính như: Thị Nở trong trích đoạn chèo “Đôi lứa xứng đôi”, vợ Tùng trong trích đoạn “Tùng lò gạch”, bà Đề trong trích đoạn “Thị Hến đánh ghen”… Niềm vui với vợ chồng anh Sơn, chị Hạnh là cả 3 người con đều tiếp nối con đường nghệ thuật của bố mẹ. Thùy Linh (26 tuổi) là con gái đầu lòng của vợ chồng anh Sơn. Tốt nghiệp lớp Sư phạm Âm nhạc, Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, Thùy Linh về công tác tại Đoàn Chèo thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định. Ở Thùy Linh hội tụ đủ các yếu tố cần thiết của một diễn viên chèo chuyên nghiệp, đó là các yếu tố “thanh - sắc - thục - tinh - khí - thần”. Với lối diễn tự nhiên, biểu đạt được ngôn ngữ đặc thù của sân khấu chèo và sáng tạo trong từng vai diễn, Thùy Linh đang dần có chỗ đứng trong lòng khán giả. Hai con trai của vợ chồng anh Sơn là Nguyễn Mạnh Hà (17 tuổi) và Nguyễn Xuân Tùng (16 tuổi) hiện đang là học sinh Khoa Nghệ thuật sân khấu chèo hệ trung cấp, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nam Định. Với năng khiếu nghệ thuật “nhà nòi” và được đào tạo bài bản, hiện nay Mạnh Hà và Xuân Tùng có thể biểu diễn được các nhạc cụ gõ dân tộc, hát và biểu diễn được nhiều làn điệu chèo cổ. Gần đây, hai anh em là cộng tác viên của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định, thường xuyên tham gia các vở diễn của Đoàn.
Trong ngôi nhà nhỏ, nhiều học trò của anh Sơn đam mê nghệ thuật chèo truyền thống tìm về đây để học hát và chơi các nhạc cụ dân tộc. Vì thế, bên cạnh những người con, vợ chồng anh Sơn có thêm nhiều người có cùng đam mê nghệ thuật. Một gia đình tất cả các thành viên đều đắm mình trong nghệ thuật chèo; trên sân khấu họ trở thành đồng nghiệp của nhau, khi trở về cuộc sống thường ngày, những lời ca, tiếng hát như chất keo gắn kết khích lệ các thành viên để xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc vững bền./.
Bài và ảnh: Viết Dư