Người thổi hồn vào đá

08:09, 20/09/2019

Để có được những sản phẩm độc đáo từ đá, những người thợ ở cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Huy Thông, xã Nam Hồng (Nam Trực) phải thực hiện rất nhiều công đoạn từ khâu sơ chế, cắt, xẻ, mài, dũa... Dưới bàn tay tài hoa của người thợ trẻ, các khối đá vô tri, vô giác đã được thổi hồn, trở thành những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, có tính thẩm mỹ cao.

Công nhân giới thiệu về các sản phẩm của cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Huy Thông.
Công nhân giới thiệu về các sản phẩm của cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Huy Thông.

Anh Ngô Văn Thông sinh năm 1981 trong một gia đình thuần nông nhưng lại có đam mê nghệ thuật điêu khắc từ khi còn là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Để thỏa mãn niềm đam mê, năm 2000 anh đi các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình để tìm kiếm công việc nuôi sống bản thân như phụ hồ, làm thuê cho các xưởng gỗ. Giữa bộn bề khó khăn, sở thích vẫn luôn thường trực trong anh. Sau một thời gian dài bươn trải, anh đã xin vào các cơ sở điêu khắc đá ở Ninh Bình để tìm hiểu quá trình người thợ làm ra các tác phẩm, rồi áp dụng vào các tác phẩm do mình sáng tác. Anh Thông cho biết: “Lúc mới học nghề, do chưa có kinh nghiệm trong gia công vật liệu nên tôi thường xuyên cắt chệch đường, các bức tượng hỏng phải vứt bỏ đi rất nhiều; thậm chí do bất cẩn nên thường xuyên bị bụi đá bắn vào mắt phải nghỉ việc mấy ngày”. Sau gần 1 năm học việc, với sự cần cù, chịu khó cộng với niềm đam mê, anh đã tạo ra những tác phẩm đầu tay là những bức phù điêu, những bức tượng tam đa được khách hàng đánh giá cao và đặt mua. Được bạn bè giới thiệu, năm 2005, anh đã thành lập cơ sở sản xuất và kinh doanh đá mỹ nghệ. Bước đầu khởi nghiệp, cơ sở sản xuất của anh gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách hàng đặt mua sản phẩm còn hạn chế, nhiều mặt hàng làm ra chưa có chỗ đứng trên thị trường khiến doanh thu của cơ sở bấp bênh. Được sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, người thân đã tiếp thêm động lực cho anh vượt qua những giai đoạn khó khăn ban đầu. Anh tích cực đi đến các đền, chùa để tiếp thị mặt hàng và nhờ bạn bè, người quen ở các tỉnh giới thiệu về các sản phẩm do cơ sở sản xuất. Bằng sự nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi, cơ sở của anh đã bước đầu vượt qua khó khăn. Anh tích cực tìm kiếm, học hỏi thêm để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm không chỉ phạm vi trong tỉnh mà còn vươn xa ra các tỉnh phía Bắc. Vừa là chủ cơ sở, đồng thời cũng là tác giả của những công trình chạm khắc từ đá rất kỳ công, đối với anh nghề điêu khắc đá là ngành đòi hỏi sức sáng tạo cao, tính thẩm mỹ vượt trội vì vậy cần đào tạo ra các thợ điêu khắc bậc cao, có tay nghề vững như thế mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Việc tuyển chọn đội ngũ nhân công tay nghề cao là một việc không hề đơn giản bởi đây là một nghề rất khó học, không trường lớp hay thầy dạy chuyên môn nào hướng dẫn một cách đầy đủ, bài bản mà phần lớn do kinh nghiệm và sự sáng tạo của những người thợ truyền lại cho nhau. Đối với cơ sở của anh Thông khi mới hình thành, do không đủ vốn mua nguyên liệu, sắm các dụng cụ, thiết bị nên toàn bộ công đoạn chế tác đều phải làm thủ công; bởi vậy rất cần sự kiên trì và đôi tay khéo léo của người thợ. Họ phải mất rất nhiều thời gian để có thể đa dạng hóa mặt hàng. Một thời gian sau, anh tìm mua các dụng cụ, máy móc, thiết bị hiện đại như: Máy cắt đá, máy đục, máy khoan... để giảm bớt sức lao động khi tạo hình những sản phẩm thô ban đầu. “Tiếng lành đồn xa”, những sản phẩm của cơ sở anh sản xuất đã dần đáp ứng được thị hiếu của khách. Tổng doanh thu hàng năm đạt hàng trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 8 lao động địa phương với mức lương thu nhập 6-10 triệu đồng/tháng/người. Đá nguyên liệu được nhập chủ yếu tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình. Qua bàn tay khối óc và con mắt thẩm mỹ của người thợ đã tạo ra những sản phẩm phong phú, đa dạng, nhiều mẫu mã khác nhau như: cối đá, cột nhà, phù điêu... đến những sản phẩm giàu tính thẩm mỹ, thể hiện trong đời sống tâm linh của người Việt như: Sư tử đá, tượng người, Phật bà Quan âm, bia, mộ, đá... Ngày nay, công việc chế tác đá không còn vất vả như trước do một số công đoạn đã có máy móc thay thế. Tuy nhiên, để có một tác phẩm đá mỹ nghệ có chất lượng thì người thợ chế tác đá phải truyền được cái tâm của mình vào từng tác phẩm. Những sản phẩm của cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Huy Thông được làm ra chủ yếu theo đơn đặt hàng ở các tỉnh phía Bắc như: Lọ lục bình, tượng Quan âm, con tỳ hưu... với số tiền trị giá hàng chục triệu đồng/sản phẩm. Một số sản phẩm khác mà khách hàng thường đặt như tượng Kỳ lân, bộ tứ linh Long - Ly - Quy - Phụng, từ những ý tưởng táo bạo, từng đường nét cách tân thật độc đáo, điêu luyện, tinh tế thêm sự cần cù, tỉ mỉ trong từng chi tiết, anh đã nhập thân và chạm khắc bằng cả lòng say mê và sự tâm huyết của mình được nhiều khách hàng yêu chuộng.

Có thể nói, những công trình nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao là quá trình lao động miệt mài của những nghệ nhân tài hoa. Hiện nay, nhu cầu chơi đá mỹ nghệ càng nhiều vì nó không chỉ đẹp mà còn có ý nghĩa về mặt phong thủy nên đòi hỏi những cơ sở sản xuất phải có nhiều tác phẩm mang tính nghệ thuật vượt trội hơn nữa. Cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Huy Thông đang dần đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng nhờ những tác phẩm đá mỹ nghệ hoàn hảo./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com