Gìn giữ nghề truyền thống

06:09, 27/09/2019

Xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) từ xa xưa đã nổi tiếng với nghề làm nón lá. Có thời điểm xã có tới 70% người dân làm nghề, tập trung nhiều nhất ở các làng Đào Khê Hạ, Đào Khê Thượng. Trải qua thời gian, nghề làm nón có lúc thăng trầm do nhu cầu sử dụng giảm và thị trường xuất hiện ngày càng nhiều các loại mũ nón tiện dụng hơn, nhưng với chị Phạm Thị Hồng ở xóm 14, việc phát triển sản xuất nón lá không chỉ góp phần gìn giữ nghề truyền thống của ông cha mà còn tăng nguồn thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ lúc nông nhàn.

Chị Phạm Thị Hồng xóm 14, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) hoàn thiện sản phẩm nón trước khi xuất bán.
Chị Phạm Thị Hồng xóm 14, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) hoàn thiện sản phẩm nón trước khi xuất bán.

Gắn bó với nghề làm nón đã 20 năm, đôi tay chị Hồng đã thành thạo tới mức các mũi kim đều tăm tắp. Theo chị Hồng, để làm ra một chiếc nón hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn rất tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay người thợ như: gỡ lá, là lá, lên vành, lợp lá, khâu, kết chóp. Lá nón mua về từ Quảng Bình được tãi ra phơi nắng, hấp sấy diêm sinh để lá có độ trắng ngà, không bị mốc khi gặp mưa. Xong công đoạn đó, người thợ đặt từng lá nón lên mặt lưỡi cày nung nóng đủ độ, dùng búi giẻ vuốt cho lá phẳng ra. Những lá nón làm xong được xếp lên khuôn, giữa 2 lớp lá lót một lượt mo nang lạng thật mỏng để vừa chống thấm nước, vừa tạo độ mát. Từ khâu chuốt vành, tạo vòng từng lớp, từng lớp to, nhỏ sao cho các vòng vừa vặn, sát khuôn, đến khâu lợp lá sao cho phẳng mịn. Trong công đoạn khâu, người thợ xâu từng sợi cước vào lá nón và vòng tre vuốt tròn gắn kết chúng lại với nhau, đảm bảo lỗ khâu thật khít. Người thợ khâu nón tài hoa còn phải có tài lẩn chỉ, khéo léo giấu những nút nối vào trong. Cuối cùng, người thợ lấy sợi len màu móc chéo nhiều vòng ở hai bên vành trong chiếc nón để làm điểm buộc quai. Nghề làm nón thu nhập không cao, người làm nhanh, giỏi được khoảng 60 nghìn đồng/ngày nhưng rất phù hợp với người già, phụ nữ, vừa tranh thủ làm, vừa đảm đương công việc gia đình. Với đôi bàn tay khéo léo, chị Hồng ngày ngày cần mẫn bên những khung khâu, tỉ mỉ cho ra đời những sản phẩm vừa thanh thoát vừa bền chắc, được khách hàng ưa chuộng. Ngoài sản xuất, gia đình chị còn thu mua, bao tiêu sản phẩm nón lá cho bà con trong xã và các xã lân cận như Nghĩa Thái, Hoàng Nam. Chiều nào, chị Hồng cũng đi tới các thôn gom nón từ các hộ về hoàn thiện, sửa sang lại, sấy thêm lần nữa rồi ghim thành 10 chiếc một, đóng vào 2 lớp túi ni lông để bảo quản trước khi xuất bán. Trung bình mỗi năm, gia đình chị sản xuất, cung ứng cho thị trường các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Nam và xuất khẩu sang các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc từ 6-7 vạn chiếc nón lá, trong đó có những đơn hàng lớn 2.000-3.000 chiếc. Giá nón phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhiều đối tượng, rẻ nhất là 15-20 nghìn đồng/chiếc; loại đẹp, có thêu hoa văn sẽ đắt hơn, có giá 80-90 nghìn đồng/chiếc. Đặc biệt, loại nón đặt cho cô dâu hoặc dùng trong hoạt động lễ hội có giá trên dưới 150 nghìn đồng/chiếc. Cơ sở sản xuất nón lá của chị doanh thu mỗi năm đạt hàng trăm triệu đồng; đồng thời tạo việc làm cho 5 lao động nữ tại địa phương có thu nhập ổn định 3 triệu đồng/người/tháng.

Chị Hồng cho biết, mặc dù hiện nay, nghề làm nón của địa phương không còn phát triển mạnh như trước đây nhưng để duy trì nghề truyền thống, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Nghĩa Châu đã tập trung chỉ đạo mở rộng quy mô làng nghề, đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại, hỗ trợ các hộ vay vốn mở rộng sản xuất và khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất cho làng nghề. Đó là động lực để những người như chị yên tâm gìn giữ nghề truyền thống, để những chiếc nón đã gắn bó bao đời với người dân nơi đây luôn là nỗi nhớ niềm thương như trong câu hát “Chiếc nón Nghĩa Châu/ Che mưa che nắng/ Ai mang trên đầu/ Để nhớ thương nhau”./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com