[links()]
Kỳ 3: Phát huy nội lực, khơi dậy sức dân
Một trong những bài học kinh nghiệm để Nam Định trở thành "quán quân" trong xây dựng nông nông mới là: "Dựa vào sức dân, khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của người dân, với quan điểm: Xây dựng nông thôn mới chính là làm cho người dân và vì người dân nông thôn; cộng đồng dân cư được xác định vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng vừa là đối tượng được thụ hưởng khi xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”; phát động sâu rộng phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ đó thu hút được sự hưởng ứng, tích cực tham gia của người dân, phát huy tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, sự đóng góp công sức, trí tuệ, sáng kiến, sáng tạo và nguồn lực của xã hội để thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững".
Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội thăm, kiểm tra việc triển khai Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân tại xã Hải Sơn (Hải Hậu) năm 2013. |
"Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân làm thước đo cao nhất"
Từ những bài học kinh nghiệm thực tiễn thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về "Tam nông" tại các địa phương trong tỉnh Nam Định cho thấy vấn đề quy hoạch nông nghiệp, nông thôn phải thật căn cơ, có tầm nhìn xa; xây dựng nông thôn mới phải tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân, lấy đó làm thước đo cao nhất. Chăm lo cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn giống như chăm "gốc sâu, rễ chắc"; các cấp, các ngành, địa phương quan tâm việc tạo dựng và đảm bảo vai trò chủ thể của nông dân trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ý thức về vai trò làm chủ được nâng cao, người dân có điều kiện và cơ hội vượt đói nghèo, phấn đấu làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước.
Trong 10 năm qua, tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đầu tư cho phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững. Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để tạo nguồn lực hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết về quy định mức hỗ trợ vốn đầu tư, mức thưởng từ ngân sách tỉnh đối với các xã, các huyện, thành phố xây dựng nông thôn mới từng giai đoạn. Giai đoạn I (2010-2015), UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh cho các xã xây dựng nông thôn mới mỗi xã 8 tỷ đồng, mỗi xã điểm nông thôn mới 10 tỷ đồng; ban hành các quy định về huy động, quản lý vốn, quản lý đầu tư xây dựng nông thôn mới; cơ chế hỗ trợ xây dựng bãi chôn lấp, xử lý rác thải, xây dựng nâng cấp chợ, trạm y tế; hỗ trợ cơ giới hóa, sản xuất cây vụ đông… Giai đoạn II (2016-2020): UBND tỉnh tiếp tục ban hành các cơ chế hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh cho các xã xây dựng nông thôn mới, mỗi xã 8 tỷ đồng; mức thưởng cụ thể đối với các xã, các huyện đạt chuẩn nông thôn mới; cơ chế tăng tỷ lệ ngân sách xã được hưởng từ thu tiền sử dụng đất; quy định tỷ lệ điều tiết khoản thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất các khu đô thị tại thị trấn trung tâm các huyện trên địa bàn tỉnh; quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách địa phương cho đối tượng là người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh...
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh kiểm tra công trình "Tuyến đê kiểu mẫu" tại xã Điền Xá (Nam Trực). |
So với các tỉnh trong cả nước, Nam Định là một trong những tỉnh có 2 "điểm nhất" - đó là tỉnh có mức hỗ trợ và mức thưởng cao từ ngân sách tỉnh cho các địa phương xây dựng nông thôn mới và trên địa bàn tỉnh không còn nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 6-2019, tỉnh đã ưu tiên cân đối cấp kinh phí hỗ trợ và thưởng 2.076 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho các xã, huyện xây dựng nông thôn mới.
Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, những năm qua, Nam Định đã huy động mọi nguồn lực, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo phát triển sản xuất để "không ai bị bỏ lại phía sau”. Tỉnh phát động các phong trào thi đua đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân; bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; đổi mới cơ chế, chính sách và huy động các nguồn lực tham gia phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn... cũng là những giải pháp quan trọng mà tỉnh tập trung thực hiện để “tam nông” tiếp tục phát triển. Thực hiện dự án hỗ trợ giảm nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm hỗ trợ hộ nghèo tiền điện; các chính sách ưu tiên, hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo về giáo dục, y tế, giải quyết việc làm; chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo. Triển khai thực hiện các dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo”..., toàn tỉnh có 99.303 lượt hộ nghèo, 29.059 lượt hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh; 128.690 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn ưu đãi trong giáo dục đào tạo; 4.286 hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn hỗ trợ về nhà ở; 615.847 lượt người nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế; 564.845 lượt người cận nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế; 255.269 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; 2.776 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở từ Quỹ "Ngày vì người nghèo"; 5.996 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở từ chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 363.175 lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện; 58.832 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số mặt đất; 5.724 lao động thuộc hộ nghèo được hỗ trợ dạy nghề từ chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; 7.632 lượt người nghèo được tập huấn, hướng dẫn phát triển ngành nghề, phát triển sản xuất; 44 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia thực hiện với 2 mô hình giảm nghèo (mô hình phát triển nuôi ong mật tại huyện Giao Thủy và mô hình phát triển nuôi bò tại huyện Xuân Trường); 3.059 lượt người nghèo được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tại cộng đồng.
Kinh nghiệm "Khơi dậy sức dân"
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trường đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh nhấn mạnh: "Nam Định về đích nông thôn mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi về thăm và làm việc tại tỉnh dịp đầu năm 2018. Để đạt được kết quả đó, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì mấu chốt thành công là phải làm thật tốt công tác vận động quần chúng, tạo sự đồng thuận của người dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là: Xây dựng nông thôn mới chính là làm cho người dân và vì người dân; cộng đồng dân cư vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng vừa là đối tượng hưởng lợi khi xây dựng nông thôn mới. Do vậy, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền là phải làm thật tốt công tác định hướng, vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, theo phương châm “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Đây là mấu chốt thành công của Nam Định trong xây dựng nông thôn mới. Với quan điểm ấy, Nam Định đã thực hiện thành công một loạt các công việc vừa khó, vừa phức tạp, mang tính quyết định trong xây dựng nông thôn mới".
Tư vấn học nghề cho lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. |
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, xuất phát từ một tỉnh có nguồn thu ngân sách không lớn; nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước chắc chắn sẽ không hoàn thành được mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đây là bài toán khá nan giải khi mới bắt đầu thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Với cách thức vừa học, vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, vừa tổng kết thực tiễn, tỉnh Nam Định đã sớm xác định: Xây dựng nông thôn mới trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, với phương châm “Người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới; nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; các xã, thị trấn, các thôn, đội và người dân nông thôn phải chủ động trong xây dựng nông thôn mới; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Quan điểm này đã tạo được sự ủng hộ cao của người dân và con em quê hương trong việc huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết năm 2018, tổng các nguồn vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã đạt trên 20 nghìn tỷ đồng; trong đó ngân sách Nhà nước chỉ chiếm khoảng 25,3%; còn lại là các nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Cùng với việc vận động nhân dân hiến đất, góp đất xây dựng cơ sở hạ tầng, Nam Định cũng đã tạo được sự đồng thuận của người dân trong việc dành quỹ đất để xây dựng các khu đô thị mới trung tâm các thị trấn, thị tứ; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề nông thôn với mục tiêu: Tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân ngay trên mảnh đất quê hương mình. Từ khi xây dựng nông thôn mới đến nay đã đưa được trên 4.500 doanh nghiệp về địa bàn nông thôn, tạo công ăn, việc làm cho hàng chục vạn lao động. Từ 2016 đến nay, thu ngân sách từ nguồn bán đấu giá đất ở các khu đô thị mới trung tâm các thị trấn, thị tứ bình quân khoảng 2.000 tỷ đồng/năm cho xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, đến nay số hộ có thu nhập ngoài nông nghiệp ở nông thôn chiếm trên 70%; thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng 3,5 lần so với trước khi xây dựng nông thôn mới. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn chỉ còn 1,4 lần; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,41%.
Nam Định đã thực hiện tốt công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng môi trường văn hóa và môi trường sinh thái. Từ cách làm của Hải Hậu – một trong những huyện được công nhận nông thôn mới đầu tiên trong cả nước đã xây dựng mô hình “Nhà có số, phố có tên; sông không rác; đường có điện, có hoa; cán bộ chuyên cần; nhân dân đồng thuận”, đến nay, mô hình này đã được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Hàng loạt các con đường đã được các cấp Hội, đoàn thể và nhân dân trồng hoa ven đường. Hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn đã được nhân dân đóng góp đầu tư hệ thống đèn đường chiếu sáng; 100% các xã, thị trấn đã có các nhà đầu tư đã và đang xây dựng các nhà máy nước sạch (đến năm 2020 có trên 95% các hộ dân nông thôn được cung cấp nước máy); 100% các xã, thị trấn đều có lò đốt rác sinh hoạt. Các dòng sông và kênh mương thường xuyên được dọn dẹp rác thải nên đã dần lấy lại sự hiền hòa của các dòng chảy vùng nông thôn.
Xây dựng nông thôn mới là quá trình kiên trì, bền bỉ, lâu dài, không có điểm dừng; với mục tiêu cốt lõi là: Phải nâng cao được chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Đó cũng là quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân toàn quốc vừa qua: "Chúng ta phải "xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng; nông dân giàu có; nông thôn văn minh, hiện đại"./.
Nhóm Phóng viên Phòng Văn hóa - Xã hội