Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, xã Hải Thanh (Hải Hậu) đã đẩy mạnh việc chuyển đổi vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình canh tác hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp gia tăng giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống nông dân.
Trồng cây đinh lăng dược liệu tại vùng chuyển đổi xã Hải Thanh đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình bác Phạm Văn Ứng, xóm Hoan Huỳnh. |
Cán bộ Ban Nông nghiệp xã Hải Thanh dẫn chúng tôi đến trang trại của gia đình anh Mai Văn Sơn có diện tích lớn nhất trong vùng chuyển đổi của xã. Anh Sơn cho biết: Năm 2009, được xã khuyến khích tạo điều kiện, anh đã quyết định nhận thầu 6,2ha đất trũng cấy lúa kém hiệu quả để cải tạo thành ao nuôi thủy sản kết hợp nuôi vịt đẻ. Sau những nỗ lực đầu tư cải tạo, đến nay anh Sơn đã hình thành được 5 ao nuôi các loại cá trôi, cá chép và cá nheo. Trên bờ, anh xây các dãy chuồng, nuôi trên 10 nghìn con vịt đẻ. Trung bình mỗi ngày anh thu được trên 9.000 quả trứng. Có nguồn trứng dồi dào, anh đầu tư mua máy ấp trứng lộn cung cấp cho các đại lý trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm trang trại cá - vịt đã mang lại nguồn doanh thu cho gia đình anh Sơn từ 4-5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động ở địa phương với thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình trở thành điểm tham quan, học tập của nhiều hộ nông dân trong và ngoài xã... Không chỉ trang trại của anh Sơn mà tại vùng chuyển đổi của xã Hải Thanh hiện đang hình thành hàng chục trang trại chăn nuôi tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đồng chí Vũ Văn Phát, Chủ tịch UBND xã Hải Thanh cho biết: Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhằm tăng giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác, góp phần nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Theo đó, toàn bộ vùng ruộng trũng thuộc địa bàn 2 thôn Hoan Huỳnh và Trần Cường được xã quy hoạch thành vùng nuôi thủy sản kết hợp nuôi gia cầm, thủy cầm. Để tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất ổn định, bền vững, xã đã tranh thủ nguồn hỗ trợ 200 triệu đồng của huyện kết hợp nguồn vốn của địa phương và nhân dân đóng góp đầu tư cải tạo toàn bộ hệ thống đường giao thông, điện và các tuyến kênh mương phục vụ sản xuất, phát triển chăn nuôi hiệu quả. Xã đã chỉ đạo Ban Nông nghiệp, Hội Nông dân phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho các hộ dân về cách tổ chức sản xuất, các biện pháp phòng, chống các loại dịch hại trên cây trồng, vật nuôi; tổ chức cung ứng các loại vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi cần thiết, chất lượng; tổ chức tham quan, học tập các mô hình trong và ngoài địa phương để rút kinh nghiệm khi triển khai, đảm bảo giúp người nông dân có đầy đủ thông tin, kỹ thuật, kiến thức, kỹ năng liên quan đến đối tượng sản xuất để đạt kết quả cao… Sự chủ động, quyết tâm vào cuộc trong chỉ đạo triển khai xây dựng và thực hiện thành công vùng chuyển đổi của cấp ủy Đảng, chính quyền xã Hải Thanh đã được người dân địa phương tích cực hưởng ứng. Bác Phạm Văn Ứng ở xóm Hoan Huỳnh - một chủ trang trại sản xuất tổng hợp tại vùng chuyển đổi cho biết: Được chính quyền các cấp tạo điều kiện, tôi đã tích cực tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật do xã, huyện tổ chức; chú trọng học tập và áp dụng đồng bộ các kỹ thuật trồng đinh lăng, nghệ đen, ổi, chanh, đu đủ là những cây dược liệu, cây ăn quả đang có thị trường tiêu thụ ổn định; tập trung chăm sóc vịt, cá đúng quy trình hướng dẫn đảm bảo chất lượng, an toàn để cung cấp cho thị trường… Nhờ đó, trung bình mỗi năm trang trại mang lại nguồn thu nhập trên 3 tỷ đồng, trừ chi phí cho lãi trên 300 triệu đồng. Nếu so với trồng lúa thì giá trị kinh tế trang trại mang lại cao gấp hàng chục lần. Nhận thấy hiệu quả từ các mô hình trang trại, hiện nay toàn bộ vùng chuyển đổi rộng hơn 20ha đã được các hộ dân trong xã nhận thầu, đầu tư sản xuất làm giàu, tạo nguồn lực để đóng góp xây dựng quê hương. Năm 2018, giá trị thu nhập bình quân của vùng chuyển đổi đạt 180-200 triệu đồng/ha.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quy hoạch vùng sản xuất ở Hải Thanh đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên các mô hình chuyển đổi vẫn thiếu tính liên kết, tập trung, quy mô lớn nên phát triển thiếu bền vững. Sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ, nhất là đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là khi đưa vào sản xuất quy mô lớn hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn khó khăn. Vẫn thiếu nguồn nhân lực, lao động có trình độ cao, có tay nghề vững trong các trang trại. Do vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả vùng chuyển đổi, thời gian tới xã Hải Thanh sẽ tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi; tạo điều kiện phát triển liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích tạo điều kiện để các hộ dồn đổi nhằm tập trung ruộng đất tiếp tục chuyển đổi phát triển sản xuất hiệu quả hơn; đẩy mạnh việc thực hiện ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân, phấn đấu đạt giá trị thu nhập 250-300 triệu đồng/ha vào năm 2020./.
Bài và ảnh: Văn Đại