Minh Tân nhân thêm niềm vui "Ngày đại thắng"

08:05, 02/05/2019

Hòa chung không khí vui mừng, hân hoan của “Ngày đại thắng” - Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, những ngày này âm vang lịch sử lại vọng về gợi lên bao xúc cảm trong lòng mỗi người dân xã Minh Tân (Vụ Bản). Diện mạo miền quê giàu truyền thống cách mạng này giờ đã khác xưa nhiều lắm nhưng không khí tưng bừng trong ngày 30-4-1975 lịch sử như vẫn vẹn nguyên trong lòng mỗi người dân nơi đây.

Bác Nguyễn Văn Hiểu xúc động khi nhớ về ngày 30-4-1975.
Bác Nguyễn Văn Hiểu xúc động khi nhớ về ngày 30-4-1975.

Năm nay vừa tròn 80 năm tuổi đời và 58 năm tuổi Ðảng, trải qua biết bao niềm vui trong cuộc đời nhưng với bác Nguyễn Văn Hiểu ở thôn Chiều, xã Minh Tân thì chưa có niềm vui nào vui bằng niềm vui trong ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà. Mặc dù tuổi đã cao nhưng người cựu chiến binh mang quân hàm Thiếu tá, nguyên Chính trị viên Khoa Pháo binh của Trường Quân chính Quân khu V ngày nào vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, giọng nói hào sảng, mạch lạc. Bác Hiểu kể: Như bao thanh niên khác, năm 1959, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ. Tháng 2-1966, tôi được điều động vào chiến đấu, huấn luyện chiến đấu tại chiến trường Quân khu V... Trưa ngày 30-4-1975, khi tôi và các đồng đội vừa hoàn thành bài huấn luyện bắn pháo cho các chiến sĩ trở về doanh trại, cùng anh em dọn mâm cơm ra thì nghe Ðài Tiếng nói Việt Nam loan tin: Bộ đội ta đã tổng tiến công trên toàn bộ mặt trận, đánh chiếm Dinh Ðộc Lập và làm chủ Sài Gòn - Gia Ðịnh; chính quyền ngụy quyền đã đầu hàng vô điều kiện... Tất cả như vỡ òa, niềm vui vô bờ bến, không thể diễn tả bằng lời. Chúng tôi đồng thanh reo vang: “Thắng lợi rồi! Hòa bình rồi!”. Tất cả quên ăn chạy ra đường cùng với bà con nhân dân địa phương hò reo, vui mừng. “Không khí rộn ràng, phấn khởi lắm. Cờ giải phóng tung bay trên khắp các ngả đường. Mọi người không ai bảo ai, tất cả đều hò reo, vui mừng khi đất nước được giải phóng” - bác Hiểu nhớ lại. Ngày đó dù bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” chỉ mới được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác xong trong đêm 28-4-1975 nhưng đến ngày 30-4 qua làn sóng Ðài Tiếng nói Việt Nam, hầu hết người dân, nhất là thanh niên, thiếu niên đều đã thuộc lòng. Trên khắp các nẻo đường, bà con vừa cầm cờ, vừa hát vang “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng...”. Lúc ấy tinh thần ai nấy cũng rộn ràng, phấn chấn, gương mặt ai cũng rạng rỡ nụ cười mừng vui; nhiều người bật khóc vì mừng vui, hạnh phúc” - bác Hiểu không giấu được xúc động khi kể lại. Trong niềm vui khôn tả ấy, đêm đó bác Hiểu đã cầm bút viết thư báo tin “đất nước được giải phóng, bản thân an toàn, khỏe mạnh” cho người thân của mình... Không chỉ những người chiến sĩ trực tiếp chiến đấu như bác Hiểu mà toàn Ðảng bộ, quân và dân Minh Tân đều có chung niềm vui, hạnh phúc đến vô bờ. Ðể có được niềm vui ấy, cùng với nhân dân cả nước, Ðảng bộ và nhân dân Minh Tân đã không ngừng đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Ngay sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, nhiều phong trào cách mạng đã phát triển mạnh mẽ ở địa phương. Thực hiện khẩu hiệu “nhất nước, nhì phân” cả xã đã dấy lên phong trào làm phân xanh bón ruộng. Ðoàn Thanh niên xã đã động viên và giao chỉ tiêu cho mỗi thanh niên phải làm được 2m3 phân các loại/vụ; nhà nào cũng thực hiện tích phân, ngâm phân để bón tưới cho cây trồng. Nhờ đó, từ những năm 1958, Minh Tân là địa phương dẫn đầu sản xuất nông nghiệp của huyện Vụ Bản, năng suất lúa đạt 25-35 tạ/ha. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, Ðảng bộ và nhân dân Minh Tân đã dấy lên phong trào lao động mới, tập trung đổi mới hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tín dụng, thành lập Ðội thủy lợi 202 đảm nhiệm hầu hết các công việc thủy lợi, xây dựng trạm bơm, đào mương máng, sửa chữa đường giao thông... tạo thuận lợi cho việc tưới tiêu nước phục vụ sản xuất, đi lại của nhân dân. Vừa “vững tay cày, chắc tay súng”, năm 1965, xã đã thành lập Ðại đội dân quân tự vệ có 100 người; vũ khí trang bị cho đại đội chủ yếu là súng bộ binh các loại và được Huyện Ðội cử cán bộ xuống huấn luyện diễn tập các phương án bắn máy bay, chống địch đổ bộ. Cả xã thành thao trường, với 11,6% dân số tham gia ngày đêm luyện tập các kỹ năng chiến đấu bảo vệ quê hương, sẵn sàng chi viện quân cho chiến trường miền Nam khi có lệnh điều động. Ngoài ra, dân quân tự vệ và lực lượng thanh niên xung kích của xã còn cùng với bộ đội phòng không và nhân dân các xã lân cận đắp ụ súng ở Lăng Kim Thái, vận chuyển khí tài tên lửa vào trận địa, đắp ụ ra-đa, bệ phóng tên lửa ở khu vực núi Ngăm, núi Lê và đào 3.545m giao thông hào, 2.105 hố cá nhân để tránh đạn pháo, tạo trận địa giả... Không chỉ tự phòng vệ, chiến đấu tại quê hương, từ năm 1954 đến năm 1975, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã tổ chức 34 đợt tiễn con em lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu với số lượng chiếm khoảng 10% dân số xã. Hàng năm, xã đã đóng góp 50% tổng sản lượng lương thực, thực phẩm chi viện cho tiền tuyến...

Tinh thần cách mạng và niềm vui “Ngày đại thắng” của những người như bác Hiểu ngày ấy giờ đây đang tiếp tục được phát huy trên quê hương Minh Tân. Sau ngày chiến thắng, cũng giống như bao miền quê khác bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh và phải dồn lực cho tiền tuyến miền Nam ruột thịt, vì thế, đời sống kinh tế - xã hội của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Trước những thử thách cam go của thời cuộc, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã cùng nhau đoàn kết, khắc phục khó khăn, vượt qua mọi rào cản để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh. Với khí thế tưng bừng của ngày chiến thắng, trải qua 44 năm xây dựng và phát triển, đến nay Ðảng bộ và nhân dân Minh Tân đã giành được nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội. Khắp các thôn, xóm đang khoác lên mình bộ áo mới từ thành quả của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua xã đã huy động được trên 146 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống điện - đường - trường học - trạm y tế của xã đã được xây mới, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo đạt chuẩn theo tiêu chí xã nông thôn mới. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế nhằm tăng thu nhập cho người dân, xã đã quy hoạch toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thành 3 vùng chuyên canh, bao gồm: vùng sản xuất lúa thịt 438ha, vùng sản xuất lúa giống trên 100ha và vùng phát triển kinh tế theo mô hình gia trại 117ha; xây dựng cơ chế khuyến khích bà con phát triển chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, nuôi lợn, trâu, bò đảm bảo số lượng đàn vật nuôi và chất lượng, sản lượng thịt hơi theo Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của xã đã được UBND huyện phê duyệt. Cùng với đó, xã cũng quan tâm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa bàn. Ðến nay đã có 6 doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong các lĩnh vực may mặc, dệt sợi, phát triển dịch vụ du lịch, tạo nguồn thu cho xã từ 45-50 tỷ đồng mỗi năm. Các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Du lịch sinh thái Núi Ngăm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn TBO Vina, Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam, Công ty Cổ phần May IV (Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Ðịnh) đã tạo việc làm ổn định cho gần 900 lao động ở địa phương, với mức lương bình quân từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng. Sản xuất công nghiệp phát triển ổn định đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của xã theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động và đóng góp tích cực vào việc củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới của xã. Bên cạnh đó, xã cũng quan tâm kiện toàn hợp tác xã nông nghiệp, đổi mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nhờ tập trung phát triển toàn diện kinh tế nên đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên, an sinh xã hội trên địa bàn xã luôn được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,48%; 7/7 thôn có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt chung của nhân dân...

Những thành quả mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Minh Tân đạt được trong giai đoạn hiện nay là minh chứng cho niềm vui, tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” của thế hệ cha ông đi trước. Tinh thần ấy là nguồn động lực quan trọng để cổ vũ, thúc giục mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ, tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, học tập, lao động thật tốt để xây dựng, phát triển quê hương xứng đáng với truyền thống lịch sử cách mạng đầy tự hào./.

Bài và ảnh: Văn Ðại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com