65 năm đã đi qua nhưng ký ức về những ngày tháng tham gia kháng chiến, trực tiếp cùng quân và dân ta góp sức làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của người cựu chiến binh Nguyễn Văn Lý (Nguyễn Hồng Luân) ở thôn Nam Khánh, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc).
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lý ôn lại kỷ niệm chiến trường qua những lá thư viết cho gia đình khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Năm 1946, chàng thanh niên Nguyễn Văn Lý hăng hái hoạt động trong mặt trận Việt Minh huyện Mỹ Lộc. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 7-1947, Nguyễn Văn Lý nhập ngũ vào đơn vị Đại đội 21 thuộc Trung đoàn 34 của tỉnh Nam Định. Trong thời gian này, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được cử đi học lớp cơ yếu mật mã rồi về công tác ở Đại đội 18, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367 với nhiệm vụ tiếp nhận và dịch điện. Năm 1948, Nguyễn Văn Lý được cử sang Trung Quốc nhận pháo cao xạ 37mm để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó trở về chiến trường Tây Bắc làm nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, dùng hỏa lực khống chế sự oanh tạc của các loại máy bay ném bom của địch, bảo vệ các đơn vị pháo mặt đất, các đơn vị bộ đội chủ lực, dân công hỏa tuyến, các căn cứ quân sự và tuyến giao thông quan trọng; đồng thời xua đuổi những tốp máy bay trinh sát của địch, không cho chúng nhòm ngó để thu thập thông tin, chỉ điểm làm lộ bí mật quân sự của ta. Năm 1952, đơn vị ông tập huấn pháo cao xạ ở Tuyên Quang, đến cuối năm 1953 thì hành quân qua Đèo Pha Đin, xuống Tuần Giáo để tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại đội Súng máy Phòng không 12,7mm của Nguyễn Văn Lý được phân công bảo vệ pháo mặt đất 105mm của ta bố trí ở các trận địa.
Trong tâm trí của người chỉ huy Nguyễn Văn Lý, không khí náo nức trong những ngày chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên. Từ khắp các tuyến đường, hàng vạn bộ đội, dân công hỏa tuyến cùng súng đạn, lương thực, thuốc men ngày đêm bí mật đổ về Tây Bắc. Ông kể lại: Muốn di chuyển những khẩu pháo phòng không 12,7mm, bộ đội ta phải tháo rời từng bộ phận rồi dùng sức và trí sáng tạo mới đưa pháo đến được vị trí mới. Đến nơi, dù rất mệt nhưng anh em vẫn phải khẩn trương đào công sự, đắp ụ pháo rồi ngụy trang trận địa để bảo đảm yêu cầu bí mật, bất ngờ của chỉ huy cấp trên. Theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Văn Lý, vai trò của pháo phòng không trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử là rất lớn. Nếu như không có pháo cao xạ bắn hạ máy bay của địch thì bộ đội ta sẽ bị thương vong, vũ khí sẽ bị phá hủy rất lớn. Ngày ấy, địch tiếp tế lương thực, đạn dược bằng đường không, chủ yếu là máy bay hạng nặng B24 cất cánh từ sân bay Mường Thanh. Sau trận đánh mở màn vào cứ điểm Him Lam ngày 13-3-1954, sân bay Mường Thanh bị khống chế, máy bay địch không thể hoạt động, tuyến đường tiếp tế, chi viện của chúng bị cắt đứt. Thường xuyên cơ động, có mặt ở những tuyến đầu, Chính trị viên Nguyễn Văn Lý nhớ như in những ngày cùng anh em chiến sĩ đào hầm và giao thông hào “Chúng tôi chủ yếu đào hầm, hào vào ban đêm, chỉ với xẻng bộ binh và cuốc chim, hào nông thì vừa nằm vừa đào, khi đã sâu hơn thì vừa ngồi vừa đào. Nếu đào vào ban ngày, bộ đội phải cuốn rơm thành những con dúi to ngụy trang để tránh những làn đạn bắn thẳng của địch. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh để làm nên gần 300km đường giao thông hào, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Nhắc đến những đồng đội vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường xưa, ông Lý nghẹn ngào. Kỷ niệm làm Chính trị viên Nguyễn Văn Lý nhớ mãi, đó là khi đơn vị ông đang chiến đấu thì một cánh bom rơi xuống hầm chỉ huy. Lúc đó, ông chạy ra trận địa động viên anh em chiến sĩ “Các đồng chí cứ bình tĩnh mà bắn!” rồi cùng đồng đội bắn hạ được 1 máy bay địch. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của ông đã bắn rơi được tổng cộng 10 máy bay địch. Đến ngày mở màn chiến dịch, đơn vị Pháo phòng không 12,7mm của Chính trị viên Nguyễn Văn Lý vinh dự góp mặt ở lòng chảo Điện Biên Phủ từ hướng đánh phía Đông hiệp đồng và bảo vệ cho các đơn vị bạn từ trên cao vừa chiến đấu, vừa cơ động xuống cánh đồng Mường Thanh theo chiến thuật “đánh lấn”. Cùng với tiếng ầm ầm của các loại hỏa lực mạnh, quân ta ở khắp các giao thông hào cứ như từ dưới đất chui lên, khép chặt vùng vây sở chỉ huy cứ điểm của địch. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lý cho biết, giờ phút được chứng kiến chiến thắng lịch sử và tận mắt thấy sự khuất phục của kẻ thù ngay tại sào huyệt của chúng làm ông mãi mãi không thể quên trong suốt cuộc đời mình.
Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ông Nguyễn Văn Lý chuyển ngành về làm cán bộ tổ chức Ban Khoa khọc kỹ thuật tỉnh Nam Định. Tháng 2-1967, ông tái ngũ, tham gia huấn luyện quân để đưa vào chiến trường miền Nam chiến đấu và trải qua các cương vị từ Trợ lý Phòng Cán bộ Quân khu Tả Ngạn đến Trợ lý Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngoài Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên được trao tặng từ trong chiến trường, ông còn vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Trở về với đời thường, cựu chiến binh Nguyễn Văn Lý vẫn hăng hái tham gia các hoạt động của địa phương và Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Thuận. Trong gia đình, ông là tấm gương sáng để các con cháu học tập, noi theo. Các con, cháu của ông chăm ngoan, hiếu học và đều đã thành đạt, có người đã noi gương cha phấn đấu trở thành tướng lĩnh trong Quân đội.
65 năm đã trôi qua, những thế hệ cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của quê hương Mỹ Lộc trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nay còn lại rất ít. Nhiều người trở về đời thường, gắn bó với quê hương, ruộng đồng nhưng những ký ức hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử vẫn vẹn nguyên trong tâm trí họ như một niềm tự hào không bao giờ có thể lãng quên./.
Bài và ảnh: Đặng Xuân Khu
(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)