Nghệ thuật tạo hình trên các loại hoa quả vốn rất quen thuộc với người miền Nam, tuy nhiên thú chơi này hiện vẫn còn khá xa lạ ở miền Bắc. Vài năm trở lại đây, một số nghệ nhân miền Bắc đã mạnh dạn học hỏi, đưa nghề chơi công phu này về thử nghiệm. Anh Lê Quang Tú, xóm Hồng Phúc, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) là một trong số đó. Dưới bàn tay tài hoa của người thợ trẻ, từ những trái cây hết sức quen thuộc trong đời sống hàng ngày như bưởi, cam, ớt, cau, thanh long… đã được “thổi hồn” thành những tác phẩm rồng phượng hay những lễ hoa quả vô cùng đẹp mắt, cầu kỳ và công phu.
Anh Lê Quang Tú (bên trái) và các học viên đang tạo hình nghệ thuật bằng các loại hoa quả. |
“Tôi đến với nghề tạo hình hoa quả như một mối duyên. Gần chục năm trước, lần đầu tiên nhìn thấy những tác phẩm tạo hình trái cây nghệ thuật, tôi đã bị cuốn hút và đem lòng say mê. Tôi nghĩ nhất định mình sẽ tạo được những tác phẩm còn đẹp hơn thế”, vừa nhâm nhi chén trà, anh Tú vừa chia sẻ về lý do đến với nghề. Tuy biết về nghệ thuật tạo hình bằng hoa quả khá sớm nhưng thời điểm đó anh Tú chưa bắt tay vào làm ngay. Có nhiều lý do khiến anh ngại ngần, phần vì nhu cầu thị trường, phần vì giá cả để làm một tác phẩm khá cao, phần nữa anh tự nhận thấy cần có thêm thời gian để trau chuốt tay nghề. Để “nuôi nghề”, anh Tú chuyên tâm làm thêm nhiều công việc khác. Anh cắt xốp hình công, phượng trang trí cho các đám cưới, lễ hội. Anh cũng nhận làm một số sản phẩm tạo hình hoa quả đơn giản cho các đám hỏi, đền chùa khi khách hàng có yêu cầu. Vào lúc rảnh rỗi, anh lên mạng, xem ti vi, đọc thêm sách báo, tài liệu nói về tạo hình hoa quả. Anh còn chịu khó đi đến các đền, chùa, các hội thi nghệ thuật tạo hình bằng trái cây để học hỏi, trau dồi thêm kiến thức cũng như nâng cao tay nghề. Đi đến đâu, thấy tạo hình gì mới lạ là anh lại ghi chép cẩn thận để khi cần sẽ tìm đến liên hệ. Vài ba năm nay, khi đã tích cóp được vốn hiểu biết về nghề kha khá, anh Tú quyết tâm theo đuổi đam mê nghệ thuật tạo hình hoa quả. Theo anh Tú, điểm cốt lõi của thú chơi này là biết cách lựa chọn và kết hợp hài hòa giữa những loại hoa quả, lá với nhau để tạo nên một tác phẩm có tính nghệ thuật. Việc tạo hình tác phẩm đẹp hay xấu còn phụ thuộc rất nhiều vào bộ khung. “Nghe thì có vẻ đơn giản vậy nhưng tạo hình làm sao để cho mọi thứ hài hòa luôn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn của bàn tay người thợ. Trên hết, cần có một vốn kiến thức phong phú về văn hóa, lịch sử để thể hiện tác phẩm có chiều sâu, kết nối được ý tưởng nghệ nhân và cảm xúc người xem. Bởi tác phẩm nghệ thuật nào cũng hướng đến mục tiêu cuối cùng là tính chân, thiện, mỹ…”, anh Tú chia sẻ. Đam mê nghề, từ bàn tay của người thợ trẻ, nhiều tác phẩm nghệ thuật tạo hình hoa quả độc đáo đã ra đời. Đó có thể là những tác phẩm được trang trí trong các đám cưới hỏi, linh vật trưng bày trong đền chùa hoặc thể hiện nhân vật lịch sử, danh nhân, cảnh sắc độc đáo của quê hương, đất nước… Điều đáng nói, dù thể hiện bất cứ đề tài nào tất cả những tác phẩm bằng hoa quả của anh Tú đều rất có hồn và sinh động qua từng ánh mắt, đường nét, màu sắc, chuyển động, được giới trong nghề đánh giá cao. Theo kinh nghiệm của anh Tú, tùy theo sự kiện mà anh chọn cách trang trí, tạo hình phù hợp. Đối với hình tượng linh vật, để tạo hình phải thể hiện được bản chất linh vật, ví như khi làm rồng thì phải thể hiện được sức mạnh, sự uyển chuyển của rồng. Đối với các tác phẩm trưng bày tại các lễ cưới hỏi phải thể hiện được tinh thần vui tươi, sự gắn kết gia đình. Những tác phẩm về nhân vật lịch sử, cảnh sắc quê hương phần lớn có màu sắc tươi sáng, kích cỡ lớn… Tùy vào kích thước, các tác phẩm nghệ thuật tạo hình hoa quả từ xưởng của anh Tú có các mức giá chênh lệch khác nhau. Nếu chỉ tạo phần cốt (khung) anh Tú bán với giá từ 200 nghìn đồng đến 5 triệu đồng/sản phẩm. Với những tác phẩm hoàn chỉnh, dao động từ 1 đến 15 triệu đồng/sản phẩm. Mỗi năm anh Tú xuất xưởng hàng nghìn sản phẩm đi khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Khi tay nghề được nâng cao, anh Tú mạnh dạn tham gia vào các hội thi nghệ thuật tạo hình bằng trái cây để cọ xát và học hỏi. Càng về sau, anh càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm mới, lạ hơn. Vừa qua, tại Lễ khai hội Phủ Dầy ở xã Kim Thái (Vụ Bản), anh cùng với các học trò của mình đã dựng thành công đôi rồng vàng được đánh giá lớn nhất khu vực miền Bắc từ trước tới nay. Đôi rồng có chiều cao 3,5m được ghép từ hàng chục các loại rau củ quả như cà rốt, đậu bắp, ớt, cau… Các nghệ nhân trẻ, dưới sự hướng dẫn của anh Tú đã khéo léo cắt tỉa, sắp đặt để biến thành tác phẩm vô cùng đẹp mắt. Màu sắc rực rỡ hoàn toàn tự nhiên của trái cây tương phản với dáng vẻ cầu kỳ, phức tạp mà phóng túng của cặp rồng tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.… Theo ước tính của anh Tú, để hoàn chỉnh đôi rồng vàng anh đã phải dùng tới vài tạ quả cùng số lượng lớn hoa tươi trang trí. Kỳ công đến từng chi tiết, đôi rồng còn “ngốn” của anh và các học trò nhiều ngày trời để thực hiện. Hiện tại, anh Tú đã thành lập Câu lạc bộ Rồng Phượng Tú Lê, thu hút được 40 thành viên tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ có niềm đam mê với nghệ thuật tạo hình hoa quả. Họ đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, hoạt động theo hình thức nhận đơn đặt hàng. Nghĩa là bất kể khi nào khách hàng có yêu cầu, các thành viên câu lạc bộ sẽ cùng nhau thực hiện tác phẩm đó. Vì thế, câu lạc bộ vừa tạo sân chơi cho giới trẻ, vừa tạo thêm nguồn thu nhập cho các thành viên. Hiện, câu lạc bộ có đa dạng các sản phẩm, mẫu mã cho khách hàng lựa chọn như: cặp đôi rồng, phượng; mâm hoa quả long phụng sum vầy hay những mâm cau kết hình đôi loan phượng tâm đầu ý hợp…
Nghệ thuật tạo hình trái cây hiện nay được thực hiện chủ yếu là gắn kết và chạm khắc, hoặc kết hợp cả hai cho tác phẩm. Từ ý tưởng tạo hình sao cho phù hợp với chủ đề và không gian trưng bày, anh Lê Quang Tú đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật với nét tạo hình độc đáo. Chất liệu để tạo nên những tác phẩm đó hầu hết là trái cây, hoa lá cành, thân cây cho đến rau, củ quả, những thực phẩm rất đỗi quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Việc thực hiện quá trình trang trí thông qua những công đoạn gắn kết sao cho càng giữ nguyên hình dáng trái cây càng tốt. Không được học qua trường lớp nào, xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống và từ niềm say mê vẻ đẹp của nghệ thuật sắp đặt trái cây để rồi từ đó tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, anh Tú đã trở thành một người thợ lành nghề. Từ “đôi bàn tay vàng” của anh, những rau củ quả vô tri đã thành tác phẩm nghệ thuật sinh động, căng đầy sức sống. Không ngừng theo đuổi đam mê, thành quả mà anh nhận lại rất đáng tự hào. Giới nghề nể trọng, đơn đặt hàng ngày càng nhiều… Tuy nhiên, điều làm anh thỏa mãn hơn cả là gây dựng được một câu lạc bộ Rồng Phượng Tú Lê, là sân chơi cho nhiều bạn trẻ có cùng sở thích. Và trên hết là truyền tải được vẻ đẹp đa dạng của cuộc sống, gửi gắm vào đó những ước mơ, khát vọng hướng tới tương lai của người thợ biết yêu mến cái đẹp./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh