Vững vàng giữa biển khơi (kỳ 1)

08:02, 18/02/2019

I. Chuyện trên tàu Trường Sa 19

Từ cảng vụ Lữ đoàn 171 (Thành phố Vũng Tàu), sau 3 hồi còi ngân vang, tàu Trường Sa 19 bắt đầu chuyến hành trình chở đoàn công tác số 2, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đến thăm, chúc Tết các nhà giàn DK1 và trạm Rada 950, một số cơ quan, đơn vị ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là một trong những nhiệm vụ mà các cán bộ, chiến sĩ trên tàu Trường Sa 19 thực hiện trong suốt 20 năm qua.

Thủy thủ trên tàu Trường Sa 19 sẵn sàng nối dây chuyển quà Tết cho các chiến sĩ nhà giàn.
Thủy thủ trên tàu Trường Sa 19 sẵn sàng nối dây chuyển quà Tết cho các chiến sĩ nhà giàn.

Lướt trên những cột sóng cao 2-3m, tàu Trường Sa 19 với tải trọng hơn 1.000 tấn thẳng tiến về các nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Những ngày đầu trong chuyến đi, nhiều phóng viên bị say sóng, do vậy trong bữa ăn vắng tới gần 1/3 quân số trên tàu. Để các phóng viên có đủ sức khỏe tiếp tục hải trình, bộ phận quân y và hậu cần trên tàu Trường Sa 19 thường xuyên đến từng phòng để thăm hỏi, chuẩn bị các loại thực phẩm phù hợp với thể trạng từng người trong đoàn công tác. Trong câu chuyện với Đại úy Bùi Nguyên Bình, thuyền trưởng tàu Trường Sa, chúng tôi được biết, anh gắn bó với con tàu này đã gần 10 năm. Mặc dù trong quá trình vận chuyển trên biển, thời tiết diễn biến khó lường nhưng tập thể cán bộ, chiến sĩ tàu Trường Sa 19 luôn vượt qua, đảm bảo hàng Tết đến kịp thời với cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn. Với vai trò thuyền trưởng, Đại úy Bùi Nguyên Bình luôn động viên cán bộ, chiến sĩ trên tàu nêu cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, duy trì tốt hệ số kỹ thuật, thực hành tiết kiệm... Trong số các cán bộ, chiến sĩ tàu Trường Sa 19 cùng đi trong chuyến công tác lần này có Thiếu tá Nguyễn Văn Chính và Trung úy Vũ Văn Ninh là người con quê hương Nam Định. Thiếu tá Nguyễn Văn Chính quê xã Trực Thái (Trực Ninh) là thủy thủ trưởng tàu Trường Sa 19 luôn gương mẫu trong các hoạt động, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong câu chuyện với Thiếu tá Chính chúng tôi cảm nhận được những khó khăn, gian khổ và sự hy sinh thầm lặng của những cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Năm 2011, khi đang cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ trên tàu Trường Sa 19, nhận được tin mẹ ở quê nhà bị mất, Thiếu tá Chính kìm nén nỗi đau, tiếp tục cùng các đồng đội hoàn thành nhiệm vụ sau đó mới xin nghỉ phép về nhà chịu tang mẹ. Năm 2014, khi đang cùng đồng đội trên tàu Trường Sa 19 thực hiện nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa Thiếu tá Chính lại nhận được tin cha đột ngột qua đời. Nước mắt trào ra khi nghe tin dữ nhưng với bản lĩnh của người lính anh nén nỗi đau, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ. Còn Trung úy Vũ Văn Ninh (29 tuổi), quê xã Trực Đại (Trực Ninh) cởi mở chia sẻ: “Tôi làm thủy thủ tàu Trường Sa 19 từ năm 2012. Tuy nhiều năm đón Tết xa nhà, nhưng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn cảm thấy ấm cúng, vui tươi như anh em một nhà”. Những chuyến công tác cùng tàu Trường Sa 19 đều để lại nhiều kỷ niệm khó phai trong lòng Trung úy Vũ Văn Ninh. Năm 2016, tàu Trường Sa 19 đang trực tại các nhà giàn DK1 nhận tin một tàu đánh cá Quảng Ngãi bị hỏng đang trôi tự do trên vùng biển Vũng Tàu. Sau khi tiếp cận tàu cá bị nạn, các thủy thủ đã tìm ra nguyên nhân ắc quy tàu cá hỏng, Thuyền trưởng tàu Trường Sa 19 đã cấp 3 bình ắc quy để hỗ trợ tàu cá tiếp tục hải trình. Chia sẻ với chúng tôi, Đại úy Huỳnh Chí Cường, Chính trị viên tàu Trường Sa 19 cho biết: Năm 2019 đánh dấu mốc tàu Trường Sa 19 tròn 20 năm đi vào hoạt động. Nhiệm vụ chính của tàu Trường Sa 19 là vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng và kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo theo lệnh của cấp trên. Nhiều năm qua, tập thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2018, tàu Trường Sa 19 đạt giải 3 Hội thi Tàu tốt khối tàu vận tải phục vụ nhiệm vụ Vùng 2 Hải quân. Từ năm 2016 đến nay, tàu Trường Sa 19 luôn đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, được tặng Bằng khen của Bộ Quốc phòng về công tác xây dựng đơn vị chính quy và sẵn sàng chiến đấu…

Sau 2 ngày 2 đêm khởi hành, tàu Trường Sa 19 tới khu vực nhà giàn Phúc Nguyên 2 (DK1/15). Thời điểm này biển động cấp 4-5, bọt tung trắng xóa vỗ vào mạn tàu. Do điều kiện thời tiết xấu, để đảm bảo an toàn, trưởng đoàn công tác quyết định chuyển hàng qua dây từ tàu lên nhà giàn. Dây được nhà giàn quăng xuống, các thủy thủ trên tàu Trường Sa 19 nhanh chóng vớt rồi nối với những dây đã buộc hàng thả từ tàu xuống biển. Từng thùng hàng, quà nhấp nhô trên biển lần lượt được các chiến sĩ trên nhà giàn kéo sang. Một con sóng bỗng “chồm” lên làm một thùng hàng bị đứt dây nối, trôi lênh đênh trên biển. Các chiến sĩ tàu Trường Sa 19 đã tìm mọi cách vớt được thùng hàng rồi tiếp tục buộc dây chuyển sang nhà giàn. Những ngày sau đó, dù đưa ra nhiều phương án nhưng kế hoạch đưa người lên các nhà giàn Tư Chính 5 (DK1/14), DK1/11, DK1/12 đều không thành công. Không lên được nhà giàn nên việc gửi lời chúc Tết hay giao lưu của các thành viên trong đoàn với cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn DK1/15, DK1/11, DK1/14, DK1/12 đều phải thực hiện từ bộ đàm. Qua bộ đàm, tiếng hát của các chiến sĩ lẫn vào sóng gió nghe đứt quãng nấc nghẹn. Ba hồi còi hú từ tàu Trường Sa tạm biệt nhà giàn ngân vang. Những người trên tàu nhòe lệ, xa xa là hình ảnh các chiến sĩ nhà giàn trên tay cầm lá cờ đỏ Tổ quốc như muốn gửi gắm tình cảm thân thương với người từ đất liền ra nhà giàn DK1 mùa bão giông.

Những món quà được chuyển đến các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời vùng thềm lục địa phía Nam thiêng liêng của Tổ quốc chất chứa tình cảm ấm áp của hậu phương với tiền tuyến.

(còn nữa)
Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com