Sức Xuân trên vùng đất trũng Ý Yên

08:02, 12/02/2019

Trong những ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi trên tuyến đường nhựa phẳng lỳ kết nối từ huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam qua cầu Non Nước, tỉnh Ninh Bình và từ Thành phố Nam Định chạy dọc Quốc lộ 10 về với huyện Ý Yên trở nên đông đúc, náo nhiệt. Họ là những người con quê hương từ mọi miền Tổ quốc trở về nơi "chôn nhau cắt rốn" sum họp, đoàn tụ, chiêm nghiệm sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất trũng Ý Yên trước thềm xuân mới! 

I. Tự hào truyền thống

Nói tới Ý Yên, rất nhiều tài liệu đã ghi đây là vùng đất cổ, đồng đất úng trũng nhưng nhân dân giàu lòng yêu nước, có truyền thống văn hiến và cách mạng. Từ thế kỷ XV, bà Lương Thị Minh Nguyệt, người làng Ngọc Chuế, xã Yên Nghĩa được Vua Lê Thánh Tôn phong là “Kiến quốc phu nhân” vì đã có công giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh. Sử sách còn lưu lại, từ thế kỷ XV đến nửa đầu thế kỷ XX, Ý Yên có 18 vị đại khoa; trong đó tiêu biểu là Hoàng Giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị, người xã Yên Thắng. Khi Pháp xâm lược nước ta, ông đã dâng sớ “Trà Sơn” lên Vua Tự Đức biểu thị quyết tâm đánh giặc của mình. Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, truyền thống yêu nước và cách mạng của người dân Ý Yên càng được khơi dậy, phát huy. Ý Yên là địa phương có phong trào cách mạng sớm của tỉnh Nam Định. Tháng 7 năm 1929, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Ý Yên được thành lập tại thôn Tiêu Bảng, xã Yên Trung. Đồng chí Tống Văn Trân, người xã Yên Tiến được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng tháng 6 năm 1929 - người cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Ý Yên, một đảng viên kiên cường, suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tháng Tám năm 1945, nhân dân Ý Yên đã nhất tề đứng dậy đánh đuổi đế quốc, phong kiến, tự mình làm chủ quê hương. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Ý Yên đã kiên cường chiến đấu, lập nên những chiến công lừng lẫy với những thành tích rất đỗi tự hào. Phong trào rào làng kháng chiến, bám đất đánh đuổi giặc Pháp, bảo vệ và giải phóng quê hương của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang huyện Ý Yên là điển hình nổi tiếng của tỉnh Nam Định lúc đó, được Quân khu 3 phát động học tập. Với những thành tích xuất sắc đó, ngày 28-4-2000, Đảng bộ, nhân dân huyện Ý Yên vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Huyện Ý Yên cũng là địa phương vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự hội nghị xây dựng phong trào hợp tác xã do Tỉnh ủy Nam Định tổ chức tại Đình Thượng Đồng, xã Yên Tiến, ngày 13-8-1958. Tại đây, những lời căn dặn, chỉ bảo của Người với Đảng bộ và nhân dân xã Yên Tiến, xã viên hợp tác xã nông nghiệp Đông Hưng, nơi làm thí điểm xây dựng hợp tác xã bậc cao của tỉnh vẫn còn ghi đậm trong tâm trí bao cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương. Cũng tại đây, 13 năm sau, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã về thăm và trồng cây đa lưu niệm. Khu di tích Đình Thượng Đồng hiện nay đã được đầu tư, tôn tạo, xây dựng thành cụm di tích gồm Đài tưởng niệm Bác Hồ, Nhà lưu niệm Bác Hồ với tượng đồng Bác Hồ cao hơn 2 mét, Nhà bia các Anh hùng Liệt sĩ trang hoàng, uy nghiêm, là địa điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Khu trung tâm huyện Ý Yên không ngừng đổi mới, phát triển.
Khu trung tâm huyện Ý Yên không ngừng đổi mới, phát triển.

II. Hướng tới tương lai

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Ý Yên càng thể hiện rõ bản chất cách mạng của mình, phấn đấu không ngừng cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhìn lại chặng đường phát triển của huyện Ý Yên, đặc biệt là trong 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2015-2020 mới thấy rõ những chuyển biến tích cực của vùng quê văn hiến, cách mạng. Đồng chí Đinh Đức Tuyến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy khẳng định: Ý Yên là huyện có nhiều lợi thế và tiềm năng; hệ thống giao thông thuận lợi với 4 tuyến quốc lộ, đường sắc Bắc - Nam đi qua. Ý Yên cũng là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, nổi tiếng lâu đời như: Sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá. Những năm gần đây, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố vững chắc; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề nông thôn phát triển mạnh, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn huyện đã có 6.185 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn hiện đạt 7.950 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, trong năm 2018, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp xây dựng nông thôn mới. Bằng những quyết sách đúng đắn, cách làm phù hợp với thực tiễn của địa phương, sau 7 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến năm 2018, huyện Ý Yên có 32/32 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đã hoàn thành 9 tiêu chí để trở thành huyện nông thôn mới. Sau chặng đường xây dựng nông thôn mới, hàng loạt công trình phúc lợi công cộng mới xây dựng có dáng vẻ bề thế, khang trang đã mọc lên sau lũy tre làng và ở trung tâm thị tứ, thị trấn, đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương. Hệ thống giao thông, toàn huyện đã xây mới, cải tạo, nâng cấp, cứng hóa 212km đường trục xã, liên xã; 591km đường trục thôn, xóm; 503km đường nội đồng với chiều rộng nền đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường trục thôn, xóm được bê tông hóa đạt chuẩn; 100% đường ngõ xóm được cứng hóa, sạch, không lầy lội vào mùa mưa; 74% đường trục chính nội đồng được cứng hóa theo tiêu chuẩn. Các xã, thị trấn trong huyện thường xuyên phát động nhân dân tham gia vệ sinh môi trường các tuyến đường; tự tháo dỡ những vi phạm hành lang an toàn giao thông; trồng hoa ven đường tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã đầu tư, xây mới 508 phòng học, bảo đảm để 42/42 trường tiểu học, 33/33 trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp 190 công trình văn hóa bao gồm 92 nhà văn hóa thôn xóm, 17 khu thể thao xã, còn lại là công trình trụ sở liền kề với nhà văn hóa xã, thị trấn. Hiện nay tất cả 32 nhà văn hóa xã, thị trấn đều được trang bị bàn ghế, tủ, loa đài âm thanh, ánh sáng và khu thể thao đủ tiêu chuẩn thi đấu các môn bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, tạo nên không gian sinh hoạt cộng đồng, gắn kết bền chặt hơn giữa những người dân trong mỗi làng quê, ngõ xóm.

Xuân mới đã về. Hòa quyện giữa quá khứ và tương lai đang tạo nên diện mạo mới của vùng đất Ý Yên anh hùng./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com