Tỏa sáng trước mùa Xuân

08:01, 02/01/2019

Năm 2018, Công ty Điện lực Nam Định là đơn vị dẫn đầu toàn miền Bắc vì sớm hoàn thành tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn trên phạm vi toàn tỉnh; đồng thời cũng là đơn vị đi đầu trong quá trình đầu tư, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống điện. Đây chính là phương châm “Điện đi trước một bước” nhằm góp phần hỗ trợ kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Đầu tư, thay mới đường dây điện cao thế trên địa bàn huyện Vụ Bản.
Đầu tư, thay mới đường dây điện cao thế trên địa bàn huyện Vụ Bản.

Trước thời điểm giao nhận lưới điện hạ áp nông thôn, hệ thống điện trên địa bàn tỉnh ta do 324 hợp tác xã nông nghiệp quản lý, bán lẻ điện đến người sử dụng. Hiện trạng lưới điện không bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn cấp điện, tổn thất điện năng cao, bình quân toàn tỉnh là 32%. Giá bán điện vượt quy định, thậm chí một số địa phương có giá bán điện gấp 1,5 đến 1,7 lần giá do Chính phủ quy định. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trước năm 2010, Công ty Điện lực Nam Định đã tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn để bán điện trực tiếp đến 100% hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh, xóa bỏ các tổ chức kinh doanh điện trung gian. Ngay sau khi tiếp nhận, Công ty Điện lực Nam Định đã thực hiện cải tạo sửa chữa tối thiểu giai đoạn I cho toàn bộ các xã gồm thay thế công tơ, hòm công tơ, loại bỏ một số nhánh dây quá cũ nát mất an toàn, hoàn thành trong năm 2011. Giai đoạn từ năm 2011 đến 2015, Công ty tiếp tục thực hiện các dự án DEP1, DEP2 vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm chống quá tải lưới điện với tổng kinh phí đầu tư 1.214,6 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, ngành Điện triển khai thực hiện dự án cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn KFW bằng nguồn vốn ưu đãi của Cộng hòa Dân chủ Đức, tổng giá trị đầu tư 525,3 tỷ đồng. Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, Công ty Điện lực Nam Định đã thành lập các đội quản lý điện khu vực trực thuộc 10 Điện lực huyện, thành phố nhằm thực hiện quản lý, vận hành, kinh doanh bán điện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 52 đội quản lý; mỗi đội bao quát từ 5 đến 6 xã với số lượng khách hàng bình quân khoảng 13 nghìn hộ dân. Do tổn thất điện năng giảm nên giá bán điện đến các hộ dân cũng giảm theo.

Trên lưới điện trung áp, Công ty Điện lực Nam Định đã mạnh dạn đi đầu bằng cách tập trung nâng cấp hệ thống điện từ 6kV, 10kV lên 22kV và xóa bỏ hoàn toàn các trạm biến áp trung gian, hoàn thành trong năm 2014. Việc đầu tư, nâng cấp đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt đó là mức mang tải của lưới điện tăng gấp 2 lần, chất lượng điện áp được nâng lên, tổn thất điện năng giảm, sự cố lưới điện giảm, tăng chỉ tiêu độ tin cậy cấp điện của lưới điện. Trạm biến áp phân phối từ khi tiếp nhận lưới điện nông thôn đến nay đã lắp đặt thêm 1.063 trạm với tổng công suất lắp đặt tăng lên 342MVA. Đường dây hạ áp đến nay đã tăng lên 9.888km, được cải tạo hoàn chỉnh, đạt tiêu chí về điện trong xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2018, Công ty Điện lực Nam Định đã triển khai các dự án đầu tư xây dựng với tổng mức kinh phí 229,5 tỷ đồng; trong đó xây dựng mới 142 trạm biến áp, hơn 91,5km đường dây trung áp và 75km đường dây hạ áp. Đã đóng điện đưa vào vận hành 72 trạm biến áp, gần 70km đường dây trung áp và 55km đường dây 0,4kV. Hoàn thành cải tạo, nâng cấp hệ thống phân phối điện cho 3 trạm bơm lớn đầu mối của tỉnh là Cốc Thành (Vụ Bản); Cổ Đam, Vĩnh Trị (Ý Yên). Khối lượng công việc còn lại đang được ngành Điện nỗ lực thi công để sớm đóng điện đưa vào vận hành. Ngoài ra, Công ty đã lập dự án mua sắm 32 máy biến áp công suất lớn để thay thế tại các khu vực đông dân cư, khu vui chơi giải trí ở Thành phố Nam Định, tại trung tâm các huyện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong những ngày Tết Kỷ Hợi. Dự kiến năm 2019, Công ty sẽ đầu tư nâng công suất trạm 110kV Hải Hậu từ 25MVA lên 40MVA; lắp máy biến áp T2 ở trạm 110kV Trực Ninh, tăng công suất thêm 40MVA; xây dựng 4 xuất tuyến 110kV dài 11km bắt nguồn từ trạm 220kV Trực Ninh; khởi công xây dựng đường dây và trạm 110kV Trực Đại công suất 40MVA; xây dựng mới 82km đường dây trung áp, 55 trạm biến áp phân phối và 21km đường dây hạ áp.

Những nỗ lực của ngành Điện đang đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển chung của tỉnh. Tính đến đầu năm 2018, toàn tỉnh đã có 209/209 xã, thị trấn đạt tiêu chí số 4 về điện trong xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%. Điện thương phẩm khu vực nông thôn đến nay chiếm tỷ lệ 44,3% tổng sản lượng toàn tỉnh. Hằng năm, ngành Điện đạt mức tăng trưởng bình quân 13,5%; tổn thất điện năng giảm từ 32% xuống còn dưới 7% năm 2018. Lưới điện hạ thế bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, gọn gàng, mỹ quan, cấp điện ổn định. Hệ thống công tơ điện được lắp đặt đúng tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Khách hàng được sử dụng điện đúng mục đích, đúng giá theo quy định của Nhà nước. An toàn sử dụng điện trong dân được bảo đảm nâng cao. Người dân được hưởng các dịch vụ điện ngày càng mở rộng với chất lượng không ngừng tăng lên. Ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm của nhân dân đang không ngừng nâng cao, góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo đảm an ninh năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com