Đón người bạn đi xa về nghỉ Tết Dương lịch 2019, thấy bạn rất vui trước sự đổi thay của thành phố, tôi rủ bạn đi ngắm Thành Nam khi màn đêm buông xuống. Phía đông nam Thành phố Nam Định, cầu Tân Phong sừng sững vắt ngang dòng sông Đào rực rỡ dưới ánh đèn màu. Diện mạo Thành Nam - một thành phố bên dòng sông Đào thơ mộng với bờ bắc là đô thị cổ, bờ nam là những khu đô thị, thương mại trẻ trung, hiện đại, năng động.
Một góc Thành Nam. |
Để xây dựng, phát triển Thành phố Nam Định hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2016-2020 theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân nỗ lực phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, tiếp tục thiết lập những bước chuyển quan trọng, đánh dấu sự phát triển của một đô thị trẻ. Trong đó, thành phố đã nghiên cứu đề xuất, ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố. UBND tỉnh đã đồng ý và điều tiết 100% nguồn vốn thu từ tiền đất tái định cư, đấu giá trên địa bàn cho thành phố quản lý, bố trí đầu tư các công trình xây dựng cơ bản; hằng năm UBND tỉnh đều bố trí nguồn vốn 28 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng thành phố trung tâm vùng. Để đảm bảo thuận lợi cho các nhà đầu tư lựa chọn địa điểm, lĩnh vực đầu tư phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như của tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo rà soát những vị trí quy hoạch bất cập để điều chỉnh; đến nay đã hoàn thành các quy hoạch ngành và quy hoạch phân khu, bao gồm: Quy hoạch phân khu hai bên tuyến đường Lê Đức Thọ; Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/5.000) hai bên tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý; Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) hai bên tuyến đường dẫn cầu Tân Phong đến năm 2025; Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Nam Định đến năm 2025 với tầm nhìn dài hạn theo hướng hiện đại, văn minh, mang bản sắc riêng biệt. Để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế của thành phố theo hướng hiện đại, đồng bộ, có bản sắc riêng và phát triển bền vững, đáp ứng các chức năng của đô thị trung tâm vùng, thành phố đã tập trung đầu tư hệ thống đường giao thông đảm bảo kết nối liên hoàn với hệ thống giao thông quốc gia, gỡ “nút thắt” về vị trí địa lý. Cùng với hoàn thành xây mới cầu Tân Phong, tháng 5-2018 thành phố đã hoàn tất đầu tư, đưa vào sử dụng tuyến tránh Thành phố Nam Định, thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38B đoạn từ Quốc lộ 10 đến Quốc lộ 1A. Hiện thành phố đang tập trung xây dựng tuyến đường trung tâm phía nam đoạn nối từ tỉnh lộ 490C đến đường đi cầu Tân Phong (đã đạt gần 60% khối lượng công trình) nhằm góp phần nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường vành đai. Thành phố đã đầu tư xây mới Trường Tiểu học Hòa Vượng với tổng mức đầu tư 83,48 tỷ đồng, quy mô nhà chính 3 tầng 30 phòng học, nhà ăn, nhà đa năng. Về hạ tầng phục vụ nhu cầu thể dục, thể thao, thành phố đã có 5 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu quốc gia; trong đó có 1 sân vận động, 2 nhà thi đấu với sức chứa 4.000 chỗ ngồi và 1.000 chỗ ngồi, 2 bể bơi... Đến nay, trên địa bàn thành phố có 4 bệnh viện chuyên khoa sâu của tỉnh (Phụ sản, Nội tiết, Đa khoa tỉnh, Nhi), là vệ tinh của các bệnh viện chuyên khoa Trung ương; có 20/25 xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Để tạo điểm nhấn về hạ tầng, thành phố tập trung đầu tư phát triển các khu đô thị, khu tái định cư và khu trung tâm thương mại, dịch vụ; có 12 khu đô thị, khu tái định cư. Trong đó, có một số khu đô thị lớn như: Hòa Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung, Khu đô thị Dệt may Nam Định. Trong đó Khu đô thị Dệt may Nam Định vừa hoàn thành giai đoạn I với diện tích 8,4/24,81ha góp phần tạo quỹ đất đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở của nhân dân trong vùng; hiện đang tiếp tục xây dựng giai đoạn II với diện tích 6,6/24,81ha. Cùng với hệ thống cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê quy mô trung tâm cấp vùng như: siêu thị BigC, Micom Plaza, điện máy Trần Anh, điện máy Media Mart... thời gian qua thành phố tiếp tục xây dựng, hoàn thành trung tâm thương mại, dịch vụ và khách sạn TTBE COMPLEX, đang triển khai các thủ tục để thực hiện khu trung tâm dịch vụ thương mại trong khu đô thị dệt may. Hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, bộ mặt đô thị ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nếp sống đô thị từng bước được nâng cao trong nhân dân thành phố. Phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng thành phố trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng”; trọng tâm là xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị được người dân thành phố tích cực hưởng ứng.
Không chỉ nỗ lực đầu tư nâng cấp hạ tầng, thành phố còn ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức; tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận đất đai và các dịch vụ công theo quy định pháp luật để tăng sức hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Đánh giá về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của Thành phố Nam Định, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, thành phố có sự đóng góp đáng ghi nhận trong bước phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh. Trong đó thành phố đã hoàn thành 15/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, 9/15 chỉ tiêu vượt Nghị quyết HĐND thành phố đề ra; nhiều chỉ tiêu đạt mức cao hơn so với bình quân toàn tỉnh. Đặc biệt, 5 xã của thành phố đã được UBND tỉnh quyết định đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo đồng chí Hoàng Nguyên Dự, Chủ tịch UBND Thành phố Nam Định, thời gian tới thành phố tiếp tục bám sát các mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 1-7-2016 của UBND tỉnh Nam Định để tập trung tạo sức bật mới, xây dựng, phát triển Thành phố Nam Định, hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng (giai đoạn 2016-2020) với mục tiêu: "Xây dựng, phát triển Thành phố Nam Định theo hướng hiện đại, đồng bộ, có bản sắc riêng, có tính bền vững, có không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch. Đưa nền kinh tế thành phố tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô cũng như giá trị; môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao. Đầu tư xây dựng khu hành chính tổng hợp, các công trình hạ tầng công cộng, thương mại dịch vụ, khu vui chơi giải trí chất lượng cao. Đến năm 2020 hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng về công nghiệp, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao và khoa học công nghệ". Thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua xây dựng thành phố. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố đến năm 2025 và quy hoạch giao thông quốc gia. Nghiên cứu xây dựng "Đề án mở rộng địa giới hành chính Thành phố Nam Định” theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; nghiên cứu, xây dựng đề án tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước của thành phố phù hợp với lộ trình mở rộng địa giới; tập trung nguồn lực để xây dựng điểm Trung tâm giao dịch hành chính "một cửa" của thành phố. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án công trình trọng điểm trên địa bàn, gồm: khu đô thị Mỹ Trung, Bệnh viện 700 giường, Khu Di tích lịch sử - văn hóa thời Trần... Tích cực chuẩn bị khởi công xây dựng các khu đô thị, khu dân cư tập trung trong quy hoạch phát triển thành phố gồm: khu đô thị Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc), khu dân cư tập trung Thành Lợi (Vụ Bản), khu đô thị mới phía nam sông Đào tại phường Cửa Nam. Tập trung thực hiện các thủ tục chuyển đổi mô hình quản lý Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Hòa Xá; nghiên cứu đề xuất đầu tư hệ thống xử lý nước thải thành phố; thực hiện các thủ tục đấu thầu để lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án chợ đầu mối và trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm Huấn luyện, đào tạo vận động viên để thu hút, đào tạo nguồn vận động viên chất lượng cao; đáp ứng yêu cầu chức năng trung tâm thể thao của vùng; tiếp tục xây dựng, nâng cấp Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong trở thành trung tâm giáo dục phổ thông chất lượng cao. Chỉ đạo rà soát quỹ đất tăng cường công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn; có giải pháp xúc tiến thu hút đầu tư với các dự án có mức đầu tư lớn, sử dụng công nghệ cao (trừ ngành dệt may và da giày). Đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư các dự án vào hai bên đại lộ Thiên Trường, hai bên đường cầu dẫn Tân Phong, Khu công nghiệp Mỹ Trung sau khi được tái cơ cấu. Thúc đẩy kinh tế phát triển gắn với kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân, phấn đấu đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước và vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng thành phố trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng”; trọng tâm là xây dựng nếp sống “văn minh đô thị”, “văn hóa giao thông”, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao thường xuyên liên tục; phát huy vai trò của người dân là chủ thể để xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp - văn minh, tiến tới hiện đại./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy